Thế giới đã trải qua 6 tháng trong đại dịch Viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Có những tin tốt và tin xấu cho tới thời điểm hiện tại. Tin tốt là một số quốc gia đã và đang nới lỏng các biện pháp phong tỏa, cuộc sống người dân dần trở lại bình thường. Tin xấu là số lượng ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, nếu trong 2 tháng đầu tiên của đại dịch, thế giới chỉ có khoảng 85.000 ca nhiễm, thì trong 2 tháng vừa qua, số ca nhiễm lên tới 6 triệu.
Trong 24h qua, thế giới có thêm hơn 170.000 ca nhiễm mới và gần 5.000 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm vượt quá 10 triệu và tổng số ca tử vong vượt quá 500 nghìn.
Mỹ, Brazil và Ấn Độ hiện vẫn là 3 quốc gia có số ca nhiễm mới trong ngày vượt quá con số chục nghìn. Nhiều bang tại Mỹ đã buộc phải tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại do diễn biến của dịch ngày càng trở nên phức tạp.
Tại Brazil, nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại một số điểm nóng về dịch đã có dấu hiệu quá tải nghiêm trọng. Giới chuyên gia cảnh báo với đà tăng mạnh như hiện tại, Brazil có thể trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới trong thời gian tới.
Trước đó, hôm 25/6, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 toàn cầu đang diễn biến xấu đi khi số ca mắc mới liên tục lập kỷ lục.
Tại châu Âu, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge, cho biết khoảng 30 quốc gia châu Âu đã ghi nhận dịch COVID tái bùng phát trong 2 tuần gần đây. “Tại 11 trong số 30 quốc gia này, tốc độ lây nhiễm gia tăng đã dẫn tới tình trạng tái bùng phát dịch và nếu không được kiểm soát, sẽ đẩy hệ thống y tế tại châu Âu tới bờ vực sụp đổ thêm một lần nữa”, ông Kluge nói.
Trong khi đó, tại Trung Quốc – nơi virus corona lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm ngoái, dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Bắc Kinh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều ý kiến bi quan khác nhau.
John Mathews, giáo sư danh dự tại Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu của Đại học Melbourne cho biết trong 6 tháng tới, thế giới thậm chí có thể có nhiều ca nhiễm hơn 6 tháng đầu tiên, và điều này phụ thuộc vào cách mà người dân và chính phủ mỗi quốc gia phản ứng, theo SCMP.
Ranieri Guerra, trợ lý Tổng giám đốc WHO về các sáng kiến chiến lược nói với kênh Rai TV của Ý rằng đại dịch đang diễn biến đúng như giả định, tức giảm xuống vào mùa hùe và bùng phát mạnh mẽ trở lại vào tháng 9 và tháng 10.
Còn ông Michael Osterholm, giám đốc của Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết mọi người phải nhận ra rằng họ đang ở giai đoạn đầu đại dịch cho đến khi mức độ “miễn dịch cộng đồng” toàn cầu đạt mức 60 đến 70%. Trong khi đó, hiện nay chỉ mới khoảng 5% dân số có kháng thể.
“Thế giới cần thức tỉnh và hiểu rằng các đại dịch trước đây thường mất nhiều năm để hoàn thành chu kỳ của chúng, do đó tại sao chúng ta vẫn đang nghĩ rằng đại dịch lần này chỉ kéo dài bốn tháng?” ông đặt câu hỏi.
Miễn dịch cộng đồng có nghĩa là hai phần ba dân số đã bị phơi nhiễm virus hoặc được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, thời gian có vắc-xin hiện vẫn chưa rõ và xét nghiệm kháng thể cho thấy ngay cả tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề thì không có nơi nào số người có kháng thể đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, trên khắp thế giới các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội hiện đang được nới lỏng, chủ yếu vì lý do kinh tế. Đây là một quyết định khó khăn đối với các chính phủ.
Nhiều chuyên gia cho rằng kế hoạch tái mở cửa có thể dẫn đến nhiều ca nhiễm bệnh hơn và cần phải được xem xét cẩn thận.
> COVID-19 có thể rò rỉ từ phòng thí nghiệm P4 qua lỗ hổng xử lý động vật
Bắc Kinh là một trường hợp điển hình. Sau khi báo cáo không có ca nhiễm cộng đồng nào trong 55 ngày, thành phố đã nới lỏng các quy định kiểm dịch và các hạn chế đi lại trong nước, đồng thời mở cửa lại các trường học. Tuy nhiên, tất cả đã bị đảo lộn từ 11/6 khi 1 trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện tại chợ đầu mối Tân Thiên Địa, sau đó tăng lên nhanh chóng 158 ca trong vòng một tuần.
Khi hơn chục ca nhiễm bệnh có liên quan được phát hiện tại 4 tỉnh khác, các hạn chế đã nhanh chóng được tái thiết lập, các khu phố bị phong tỏa, trường học bị đóng cửa, giao thông công cộng bị hạn chế, hàng loạt các chuyến bay đến và đi khỏi thủ đô bị hủy bỏ.
Trung Quốc không phải là nơi duy nhất trải qua một đợt bùng phát bất ngờ mới sau khi dường như đã ngăn chặn được căn bệnh này. Tại Ý, một bệnh viện ở Rome bất ngờ trở thành một ổ dịch mới với hơn 100 ca nhiễm và 5 trường hợp tử vong, theo các báo cáo truyền thông vào hôm 13/6.
New Zealand đã tuyên bố không còn virus vào đầu tháng này, nhưng việc vi phạm thủ tục kiểm dịch đã dẫn đến hai ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, các nhà chức trách cho biết hôm 16/6.
Theo bà Marion Koopman, trưởng khoa vi sinh của Trung tâm Y tế Đại học Erasmus tại Rotterdam, các quốc gia nên dự đoán sẽ gặp các đợt bùng phát tái diễn giống như đã xảy ở Bắc Kinh.
Châu Phi có thể trở thành “tâm chấn tiếp theo” của đại dịch, các quan chức tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết trong tạp chí Nature Medicine vào tuần trước. Họ đã chỉ ra hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém, sự thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, tình trạng quá tải đô thị, và điều kiện vệ sinh hạn chế là những yếu tố rủi ro, bất chấp những thành công ban đầu của nhiều quốc gia châu Phi trong việc kiềm giữ mức lây nhiễm thấp.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi một số quốc gia châu Phi gỡ bỏ các hạn chế sức khỏe công cộng bởi vì việc gia tăng các quan ngại về các tác động kinh tế và xã hội cũng như các tác động phụ về sức khỏe.
Gia Huy (tổng hợp)
Xem thêm:
The post Tương lai bất định: Thế giới vượt 10 triệu người nhiễm COVID-19 appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-27 20:00:03
Nguồn: https://trithucvn.net/suc-khoe/tuong-lai-bat-dinh-the-gioi-vuot-10-trieu-nguoi-nhiem-covid-19.html