Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp mặt một số nhân vật sống sót trong sau cuộc thảm sát Thiên An Môn vào hôm thứ Ba, hai ngày trước ngày kỷ niệm 31 năm sự kiện đàn áp đẫm máu 4/6/1989.
Ông Pompeo đã gặp 4 nhân vật tham gia biểu tình – Vương Đan (Wang Dan), Tô Hiểu Khang (Su Xiaokang), Liane Lee và Henry Li trong một cuộc gặp kín tại tòa nhà Bộ Ngoại giao ở Washington.
Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ những nội dung được thảo luận trong cuộc họp này. Trong một tuyên bố tưởng niệm sự kiện, Bộ viết: “Chúng tôi thương tiếc các nạn nhân ngày 4/6/1989, chúng tôi đứng cùng với nhân dân Trung Quốc, những người vẫn khát khao có một chính phủ bảo vệ nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và nhân phẩm con người”.
Bắt nguồn từ tang lễ của biểu tượng tự do Hồ Diệu Bang, cuộc biểu tình rộng khắp kéo dài nhiều tuần yêu cầu chính phủ cải tổ dân chủ vào năm 1989 đã vấp phải sự đàn áp đẫm máu khi Bắc Kinh lăn xe tăng và đưa quân đội vào dập tắt. Sự kiện này vẫn là một trong những chủ đề rất nhạy cảm đối với nhà cầm quyền Trung Quốc cho tới ngày nay.
“31 năm sau, tổng số người biểu tình Thiên An Môn bị chết hay mất tích vẫn còn là ẩn số”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố. “Chúng tôi lặp lại lời kêu gọi tiến hành thống kê công khai, đầy đủ những người đã bị sát hại hoặc mất tích”.
Theo Wang Dan, nhân vật số 1 trong danh sách lãnh đạo sinh viên bị truy nã của Bắc Kinh, ông Pompeo không nói nhiều trong suốt 40 phút của cuộc họp kín, tờ SCMP đưa tin.
“Ông ấy chỉ hỏi: Chúng tôi có thể làm gì để giúp Trung Quốc có dân chủ?”, “Còn lại chủ yếu là chúng tôi nói”.
Wang, 51 tuổi, nói ông đề nghị chính quyền Trump nêu các vấn đề nhân quyền, chẳng hạn cải thiện luật lao động, nới lỏng quy định internet, trong các buổi đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.
Ông cũng đề nghị với ông Pompeo rằng Mỹ nên chuyển trọng tâm từ đối thoại với các nhân vật chính quyền Trung Quốc sang nhân dân Trung Quốc và tập trung vào việc giáo dục quần chúng Trung Quốc về “sự thật”, bao gồm các sự kiện lục tứ.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với việc Ngoại trưởng Mỹ gặp các nhân vật đang bị truy nã của Bắc Kinh.
Rob Berschinski, quan chức về nhân quyền dưới thời Barack Obama lên án việc ông Pompeo gặp người biểu tình Thiên An Môn trong khi ông Trump ra lệnh cho quân đội “đàn áp biểu tình” tại Mỹ là đạo đức giả.
“Chính quyền Trump đã vứt bỏ nền tảng đạo đức cao quý về mặt bảo vệ dân chủ và nhân quyền”.
“Hành động đạo đức giả của Ngoại trưởng Pompeo khi gặp gỡ những người biểu tình Thiên An Môn còn sống trong vòng 24 giờ đặc biệt này là rõ ràng”.
Theo SCMP, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận. Trên Twitter, Hu Xijin, chủ bút của tờ Global Times tờ báo đối ngoại của Bắc Kinh viết:
“Hoa Kỳ đang chứng minh rằng việc Trung Quốc lập lại trật tự năm 1989 là vô cùng quan trọng. Nhưng hồi đó, việc phá hoại trật tự Trung Quốc tồi tệ hơn Mỹ bây giờ nhiều”.
Phản ứng cứng rắn của chính quyền Trump đối với các cuộc bạo loạn cướp bóc và phóng hỏa khiến người ta chú ý tới bình luận của ông Trump 30 năm trước, khi ông nói về việc Bắc Kinh trấn áp người biểu tình hôm 4/6.
“Họ tàn bạo, họ thật kinh khủng, nhưng họ đã dập tắt nó bằng sức mạnh”, ông Trump nói trong buổi phỏng vấn năm 1990 với tạp chí Playboy. “Điều đó chứng minh cho bạn thấy uy lực của sức mạnh. Bây giờ nước ta bị coi là yếu đuối … ta đang bị cả thế giới nhổ vào mặt”.
Trong tuần này, ông Trump lên án việc cảnh sát thành phố Minneapolis xử lý khủng hoảng đã trở thành “trò cười cho cả thế giới”.
Trọng Đức
Xem thêm:
The post Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp người biểu tình Thiên An Môn 1989 appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-04 16:52:02
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/ngoai-truong-mike-pompeo-gap-nguoi-bieu-tinh-thien-an-mon-1989.html