Sự kiện Bắc Kinh cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông vẫn tiếp tục nằm trong tâm điểm chú ý của công luận, có thông tin chỉ ra nhà cầm quyền Bắc Kinh đã sớm thực hiện kế hoạch chi phối giới phú hào Hồng Kông để kiểm soát khoảng 1/3 số ghế trong Hội đồng Lập pháp. Trong khi với vị thế trung tâm tài chính, Hồng Kông là điểm trọng yếu lưu thông của cải.
Ân huệ của Bắc Kinh khiến giới phú hào Hồng Kông khuất phục?
Việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lập pháp về Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông đã làm dấy lên phản đối mạnh mẽ từ người dân Hồng Kông và cộng đồng quốc tế. Các quốc gia dân chủ như Anh và Mỹ đã công khai bày tỏ phản đối, Tổng thống Mỹ Trump đã tuyên bố biện pháp chế tài đối với Hồng Kông. Tuy nhiên, các ông trùm Hồng Kông lại thay nhau ủng hộ Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông.
Một nguồn tin từ Thời báo New York (NYT) phiên bản tiếng Trung chỉ ra, các ông trùm và giới thương gia thượng lưu ở Hồng Kông kiểm soát khoảng 1/3 số ghế trong Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông, họ cũng ảnh hưởng đến hầu hết công ăn việc làm của người Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh đã lợi dụng họ để gây ảnh hưởng trực tiếp đến Hồng Kông. Trong kế hoạch này Bắc Kinh đã tận lực kiểm soát họ bằng các hợp đồng béo bở và lợi ích có được trong hoạt động kinh doanh ở Đại Lục.
Trong kỳ họp Nhân đại (Quốc hội) của ĐCSTQ gần đây có nhiều doanh nhân hàng đầu Hồng Kông tham gia. Họ được bố trí gặp gỡ Phó Thủ tướng Hàn Chính phụ trách về Hồng Kông và Macao. Thông tin chỉ ra Hàn Chính mong muốn họ phải có nghĩa vụ công khai ủng hộ Luật An ninh Quốc gia; vì tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng đã buộc Bắc Kinh phải thúc đẩy việc lập pháp này. Sau đó, nhiều doanh nhân nổi tiếng ở Hồng Kông đã lần lượt đưa ra các tuyên bố công khai ủng hộ Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông.
Chính quyền Bắc Kinh không chỉ đẩy mạnh kiểm soát các ông trùm ở Hồng Kông mà còn phát động cuộc chiến tuyên truyền quy mô lớn, bao gồm treo băng rôn trên đường phố và thu thập chữ ký ủng hộ Luật An ninh Quốc gia.
Ông Hàn Chính cho biết việc đưa ra Luật An ninh tại Hồng Kông đã được ấn định tại Hội nghị toàn thể lần 4 (khóa 19) vào năm ngoái, vì tầm quan trọng của Hồng Kông là hiển nhiên đối với Bắc Kinh.
Về vấn đề này, một bài viết ngày 4/11/2019 của nhóm chuyên gia độc lập bình luận về kinh tế chính trị Thiên Vận (Tianjun) đã chỉ ra, sau Hội nghị toàn thể lần 4 ĐCSTQ khóa 19 sẽ có vấn đề tranh chấp xung đột tại điểm trọng yếu Hồng Kông, bởi vì Hồng Kông luôn là điểm trung chuyển ưa thích của dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc Đại Lục.
Bài viết nêu rõ, trước thực trạng nền kinh tế Trung Quốc Đại Lục liên tục suy yếu, giới quyền quý ĐCSTQ cũng lo lắng và đẩy mạnh tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài, dẫn đến nguồn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sụt giảm nhanh. Việc tháo chạy của dòng vốn khỏi Trung Quốc Đại Lục đã làm sụt giảm tỷ trọng ngoại hối, vì vậy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc muốn gấp rút thu hồi lại dòng tiền này. Giới quyền quý ĐCSTQ đã tận dụng nhiều con đường để nhanh chóng chuyển tiền ra nước ngoài, đặc biệt là thực hiện rửa tiền thông qua các công ty nước ngoài, từ đó biến thành nguồn vốn nước ngoài và lại chuyển từ Hồng Kông về Trung Quốc Đại Lục để thu về lợi nhuận. Ví như như con đường thông qua kế hoạch kết nối thị trường chứng khoán Hồng Kông và Đại Lục.
Luật An ninh Quốc gia khiến nhiều người Hồng Kông sẵn sàng di dân
Nhiều biểu hiện cho thấy tâm lý xã hội Hồng Kông trở nên bất ổn hơn sau khi chính quyền Bắc Kinh thông qua Luật An ninh tại Hồng Kông. Theo một cuộc thăm dò được công bố vào ngày 2/6 chỉ ra, 37% số người được hỏi cho biết sẵn sàng di cư, tăng 13% so với khảo sát hồi tháng 3 và đạt mức cao mới kể từ tháng 5 năm ngoái.
Tờ Minh Báo (Ming Pao) đã hợp tác cùng Trung tâm Truyền thông và Điều tra ý dân (CCPOS) của Đại học Trung văn Hồng Kông tiến hành phỏng vấn 815 công dân Hồng Kông trên 15 tuổi (thực hiện từ ngày 25/5 – 29/5) để biết quan điểm của họ về ban hành Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông. Kết quả cho thấy 37,2% số người được hỏi đang cân nhắc khả năng di cư ra nước ngoài, trong đó có 87,8% cho biết chịu ảnh hưởng từ tình thế.
Nhìn chung, kết quả cho thấy nhóm người càng trẻ và có trình độ học vấn và thu nhập càng cao thì khả năng cân nhắc di cư càng cao. Tỷ lệ số người tự nhận là người bản địa Hồng Kông đang cân nhắc di cư là cao nhất trong số tất cả các nhóm chính trị, lên đến 63,3%. Còn đối với phe thân ĐCSTQ thì tỷ lệ số người cân nhắc di cư chỉ 10,4%.
Về nước mà họ muốn di cư đến thì các nhóm khác nhau có sở thích khác nhau. Nhóm người trả lời chọn nhập cư vào Đài Loan là nhóm có độ tuổi khá trẻ. Trong khi nhóm chọn các điểm đến trong truyền thống như Mỹ, Canada và Úc thì có phân biệt giữa các nhóm: phe kiến chế thân ĐCSTQ theo khuynh hướng chọn nước Úc, trong khi phe người bản địa Hồng Kông thường chọn Mỹ nhiều hơn, còn phe trung gian ưa thích Canada.
Ngày 3/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson có bài gửi Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post) tại Hồng Kông, cho biết nếu chính quyền Bắc Kinh buộc thực thi Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông thì nước Anh sẽ có “cải cách mang tính lịch sử” trong hệ thống thị thực, qua đó cung cấp cho hàng triệu người Hồng Kông “con đường trở thành công dân Anh”.
Lý do là Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông “gây xói mòn nghiêm trọng tự do của Hồng Kông và vi phạm nghiêm trọng quyền tự trị của Hồng Kông”, còn chính quyền Bắc Kinh đã xé bỏ nghĩa vụ quy định trong Tuyên bố chung Trung-Anh mà họ đã cam kết.
Ông Johnson nhấn mạnh rằng đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về thị thực trong lịch sử nhập cư của Anh. Ông nói: “Nếu chứng minh đó là vấn đề cần thiết, chính phủ Anh sẽ rất vui để thúc đẩy.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
The post Thúc đẩy Luật An ninh: Giới phú hào Hồng Kông bị ĐCSTQ “khống chế” từ trước? appeared first on Trí Thức VN.