Mục đích của Trung Quốc khi ‘tung hứng’ trên Biển Đông và Hoa Đông; Trung Quốc cử trực thăng cứu một ngư dân Việt… là tin tức Biển Đông ngày 21/8.
Trung Quốc ‘tung hứng’ trên Biển Đông và Hoa Đông nhằm mục đích gì?
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là tâm điểm tranh chấp từ lâu giữa Nhật và Trung Quốc. Đây là mặt trận giúp Trung Quốc tránh được căng thẳng trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters) |
Thời gian vừa qua, chính quyền Bắc Kinh liên tục thực hiện xen kẽ các hành động gây hấn thường xuyên tại Biển Đông và Hoa Đông.
Theo các nhà phân tích, những động thái của Trung Quốc không thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thực sự mà thực tế chỉ là một chiến lược nhằm mang lại lợi ích lớn nhất cho Trung Quốc.
Trong tuần vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã liên tiếp lên tiếng việc Trung Quốc triển khai số lượng tàu cá và hải cảnh tới khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông. Tokyo cũng tuyên bố rằng, Trung Quốc vừa mới lắp đặt một hệ thống radar lên một trong những giàn khoan dầu ở ngoài khơi biển Hoa Đông.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn gây kích động trên eo biển Đài Loan và vùng biên giới với Ấn Độ, có những hành động khiêu khích trên Biển Đông. Phải chăng Bắc Kinh đã tính toán sai khi khuấy động vùng biển với nhiều bên như vậy? Chuyên gia J Michael Cole, thuộc Viện chính sách Trung Quốc, Đại học Nottingham đã có bài phân tích trên chuyên trang quân sự National Interest (Mỹ) để làm rõ ý đồ này.
Trung Quốc cử trực thăng cứu một ngư dân Việt
Tàu cá của ngư dân Việt. (Ảnh minh hoạ: VnExpress) |
Trung Quốc triển khai trực thăng đưa một ngư dân Việt bị tai nạn lao động trên tàu cá từ khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa về đảo Hải Nam để điều trị, VnExpress đưa tin.
“Phía Trung Quốc đã cử trực thăng ra đưa một ngư dân trên tàu cá số hiệu ĐNa 90098 TS bị tai nạn lao động về tỉnh Hải Nam, Trung Quốc để chữa trị”, Bộ Ngoại giao hôm nay cho biết, dẫn thông tin ngày 17/8 của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Đại sứ quán Việt Nam.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam chiều tối 16/8 được báo: trên một tàu cá ở đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, thuyền viên Phạm Văn Thắng, 28 tuổi, bị chân vịt chém vào hông, chảy nhiều máu. Thuyền trưởng yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc giúp đỡ thuyền viên Việt Nam bị thương. Trung tâm cũng liên lạc với tàu cá, tư vấn y tế cho tàu, hướng dẫn chạy vào đảo gần nhất là Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa.
Khi anh Thắng trở nên yếu, máu ra nhiều cần cấp cứu khẩn cấp, Trung tâm đã đề nghị phía Trung Quốc điều động phương tiện tiếp nhận nạn nhân đưa về bờ cấp cứu.
17h27 ngày 17/8, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Trung Quốc điều trực thăng ra tiếp nhận nạn nhân tại khu vực đảo Phú Lâm và đưa về Tam Á, đảo Hải Nam để cấp cứu.
Liên quan đến cơn bão số ba, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan trong nước theo dõi sát diễn biến trên biển để có các biện pháp bảo hộ kịp thời đối với ngư dân tàu cá; làm việc với phía Trung Quốc để phối hợp đảm bảo an toàn cho các ngư dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-20 15:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-218-a255177.html