Indonesia muốn đổi tên một phần Biển Đông thành biển Natuna; Bộ ba máy bay ném bom Mỹ lần đầu phô diễn sức mạnh ở Biển Đông… là tin tức Biển Đông 20/8.
Indonesia muốn đổi tên một phần Biển Đông thành biển Natuna
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo đã thực hiện một loạt các biện pháp cứng rắn nhằm củng cố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông. |
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, chính phủ Indonesia muốn đổi tên một phần Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của mình.
Theo đó, Jakarta muốn đổi tên vùng biển 200 hải lý tính từ các đảo của quần đảo Natuna thành biển Natuna.
Theo quan chức phụ trách hoạt động chống đánh bắt cá bất hợp pháp của Indonesia, Ahmad Santosa, sáng kiến này sẽ được trình lên Liên Hợp Quốc. Nếu không ai trong số các thành viên của tổ chức này phản đối, nó sẽ được coi là đã công nhận.
Thị trưởng quần đảo Natuna, Hamid Rizal, giải thích thêm rằng việc đổi tên là cần thiết để giúp thế giới hiểu rằng các đảo và vùng biển xung quanh nó thuộc chủ quyền của Indonesia. Ngoài ra, biện pháp này cũng sẽ giúp chống lại hoạt động đánh bắt cá trái phép trong khu vực.
Theo tuyên bố của chính quyền Indonesia, vào ngày 17/8, họ đã đánh chìm 60 tàu cá nước ngoài đánh cá bất hợp pháp ở quần đảo Natuna, nơi Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng 200 hải lý của nó đánh bắt.
Bộ ba máy bay ném bom Mỹ lần đầu phô diễn sức mạnh ở Biển Đông
(Ảnh minh họa) |
Theo Business Insider, hôm 17/8, Không quân Mỹ đã làm nên lịch sử khi bộ ba máy bay ném bom B-52, B-1 và B-2 bay trên căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, trước khi thực hiện diễn tập tại Biển Đông và Đông Bắc Á.
B-52, B-1 và B-2 là các máy bay ném bom chiến lược tối tân và hiện đại hàng đầu thế giới. Pháo đài bay B-52 được biên chế trong quân đội Mỹ từ nhiều năm và từng chinh chiến trên khắp thế giới.
Ngoài ra, B-1 và B-2 là các máy bay ném bom chiến lược có tốc độ siêu thanh và khả năng tàng hình.
Mục tiêu mà Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM) muốn hướng tới đó là triển khai các máy bay ném bom hạt nhân bao quát liên tục tại châu Á-Thái Bình Dương trong một nỗ lực nhằm thể hiện cam kết của Mỹ về việc tăng cường hiện diện, đảm bảo an ninh trong khu vực.
Hành động của Washington diễn ra trong bối cảnh Biển Đông tiếp tục leo thang căng thẳng sau khi Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đến nay vẫn ngang ngược không công nhận phán quyết và liên tiếp có thêm những tuyên bố, động thái khiêu khích gây căng thẳng trong khu vực.
Indonesia muốn sớm hoàn tất COC
Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 18/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir khẳng định việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu căng thẳng ở vùng biển này, theo Vietnam+.
Trong Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc diễn ra từ ngày 15-16/8 tại khu vực Nội Mông, Trung Quốc về thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phía Bắc Kinh bày tỏ hy vọng COC sẽ được ký vào năm 2017.
Về phần mình, Indonesia muốn COC sẽ được ký sớm hơn và sẽ hoàn tất trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN ở Viêng Chăn, Lào vào đầu tháng 9 tới.
Dù Indonesia không phải một bên tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng nước này muốn thể hiện vai trò tiên phong trong ASEAN nhằm thúc đẩy đàm phán và giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-19 16:00:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-208-a255093.html