Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp: Học lại nghề để kiếm việc
Friday, August 19, 2016 17:09
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
ĐBSCL được xem là “vùng trũng” trên bản đồ giáo dục của cả nước, nhất là lĩnh vực trình độ cao. Nhưng trớ trêu thay, tại đây đang diễn ra nghịch lý rất xót xa: Hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ phải chấp nhận “học lùi” tại các trường dạy nghề để nuôi hy vọng tìm việc làm sau thời gian dài thất nghiệp. Điều này không chỉ gây lãng phí tiền của phụ huynh, thời gian vàng của lao động trẻ, hay lãng phí sức tăng tốc của đất nước… mà còn để lại nhiều nguy cơ khó lường khác cho xã hội.
Kỹ sư Phước và Thủy Tiên trong giờ học lại trung cấp thú y. |
Kỳ 1: Bùi ngùi “học lùi”
Sau nhiều năm gần như miễn nhiễm, thời gian gần đây chứng bệnh: Sinh viên bỏ ngang ĐH hay cử nhân, thạc sĩ quay lại học nghề… đã “di căn” đến ĐBSCL. Nhiều gia đình sau khi đánh đổi cả gia tài, sức khỏe cho con, em ăn học, nay lại phải “vay nóng, vay lạnh” để cử nhân quay trở lại học làm thợ, nuôi hy vọng tìm việc làm.
Nhức nhối với phần nổi “tảng băng”
Sau 3 năm làm đủ các nghề: Tiếp thị sản phẩm, bán bảo hiểm xe máy, phụ gia đình buôn bán… để chờ cơ hội mà vẫn không xin được việc làm đúng nghề, kỹ sư nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1991, ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười – Đồng Tháp) quyết định tìm đến lớp trung cấp thú y tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp với hy vọng mở rộng cơ hội tìm việc làm. Phải mất 7 năm để quay lại vị trí thấp hơn điểm xuất phát, quả là bước “thụt lùi” quá lớn.
Nhưng xem ra Tiên vẫn còn may hơn Trần Minh Phước (SN 1986, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh – Đồng Tháp). Tốt nghiệp kỹ sư khoa học môi trường năm 2011, Phước không chỉ là niềm hãnh diện của gia đình mà còn là tấm gương cho trẻ em vùng thuần nông này, nhưng sau 5 năm không tìm được việc làm đúng nghề, Phước chấp nhận vào học trung cấp thú y chung với Thủy Tiên.
“Đây là chuyện thường ngày ở trung tâm”, Phó GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp Nguyễn Thị Minh Tuyết “bật mí” thêm: “Từ đầu năm 2016 đến nay có 14 cử nhân, kỹ sư vào đây học nghề”. Vào thời điểm này, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp cũng đã tiếp nhận 3 cử nhân, kỹ sư vào học hệ cao đẳng. Không chỉ “học lùi”, nhiều kỹ sư còn chấp nhận tham gia lao động phổ thông ở nước ngoài. Điển hình là trường hợp Hồ Huỳnh Thi (SN 1993, ấp An Bình, xã Mỹ An Hưng A, Lấp Vò – Đồng Tháp). Sau 2 năm lĩnh bằng kỹ sư xây dựng, không tìm được việc làm, Thi quyết định xin đi lao động tại
Nhật để tích lũy tiền phụ giúp cha mẹ trả nợ đã vay ăn học trước đó.
Kiểu “học lùi” này cũng xuất hiện ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang… Dù biết đó là cuộc “trở lại” đầy tốn kém về thời gian, tiền bạc để nuôi hy vọng tìm việc làm, nhưng nhiều cử nhân không đủ cơ hội chạm tới. Còn kỹ sư xây dựng Hồ Trọng Nhân (ấp An Bình, Mỹ An Hưng A, Lấp Vò) do không tìm được việc làm, nhà lại không có tiền trả nợ lo cho Nhân học, nên cả gia đình kéo nhau lên Sài Gòn… Người thân thương tình kêu cho mượn tiền đóng học phí đi lao động xuất khẩu, dù rất muốn, nhưng Nhân không thể vì nếu đi học thì không lo đủ tiền ăn hằng ngày.
Nhiều hệ lụy đáng lo
“Đến khi đi xin việc, tôi mới biết ngành nuôi trồng thủy sản có tục “kỵ” phụ nữ. Nhiều chủ ao nuôi cá cấm tuyệt nữ ra vào nên rất khó tìm được việc làm”, kỹ sư Thủy Tiên bật mí. Dù thừa nhận đã sai lầm khi chọn nghề, nhưng đó không hẳn là lỗi của Tiên. Bởi ở cái tuổi 18, Tiên rất cần sự tư vấn, sẻ chia để chọn nghề cho cuộc đời, nhưng các buổi hướng nghiệp trong trường chưa làm được điều đó.
ThS Trần Thanh Liêm – GĐ Sở GDĐT Đồng Tháp – thừa nhận công tác hướng nghiệp tại các trường THPT còn nhiều vấn đề, nhưng cũng khó cải thiện ngay vì chưa chuyên nghiệp hóa được nhân lực nên vẫn loay hoay với việc tận dụng BGH, giáo viên chủ nhiệm… Trong bối cảnh cả nước đang có trên 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp thì điều này cũng đồng nghĩa: đối mặt với nguy cơ “học lùi” trước khi tốt nghiệp. 4 năm đèn sách, chi phí cho mỗi cử nhân cũng lên đến 200-400 triệu đồng. Vậy mà ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục “học lùi” để tìm đường mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Bởi điều này không chỉ làm sụp đổ lý tưởng của cử nhân mà còn thất vọng công lao của phụ huynh.
Ông Hồ Quốc Cường (cha của Hồ Huỳnh Thi) cho biết: “Do trước đây nhà nghèo, tôi không có điều kiện học hành đàng hoàng, vì vậy khi biết con đậu kỹ sư xây dựng, cả nhà làm đủ thứ nghề lo cho con học với mong muốn sau này có nghề lập thân”. Thậm chí, nhiều trường hợp còn gây hệ lụy sụp đổ cả gia đình. Vì ôm khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được nên gia đình Hồ Trọng Nhân phải bỏ xứ… Không chỉ gây lãng phí tiền của, thời gian… nạn “học lùi” còn để lại di chứng đến công tác đào tạo nghề. “Có lẽ do ảnh hưởng tâm lý, tuổi tác… nên thái độ, tinh thần học tập của phần lớn các cử nhân không tốt bằng học sinh vừa tốt nghiệp THPT”, chị Minh Tuyết chia sẻ.
Theo laodong.com.vn
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo