Sau vụ xung đột dữ dội giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc, New Delhi đã công khai số lượng và tổ chức đám tang cho quân nhân thiệt mạng, trong khi đó Bắc Kinh vẫn im lặng về những người Trung Quốc đã tử vong trong cuộc đụng độ.
Vào tối ngày 15/6, Ấn Độ và Trung Quốc đã xảy ra xung đột tại khu vực biên giới tranh chấp, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong. Truyền thông Ấn Độ cho biết lính Trung Quốc đã sử dụng đá, gậy và dùi cui có cuốn dây thép gai để tấn công các binh sĩ Ấn Độ. Hãng tin AP và Reuters đã dẫn lời các nguồn tin quân sự Ấn Độ cho biết hai bên có xảy ra xung đột bằng tay chân, nhưng không sử dụng súng đạn.
Sau cuộc xung đột, vào ngày 16/6, Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố cáo buộc Ấn Độ vượt biên giới và cố tình kích động các cuộc tấn công, nhưng không nêu rõ Trung Quốc có thương vong hay không. Ngược lại, Ấn Độ tuyên bố Trung Quốc đã xâm phạm biên giới, và ước tính có khoảng 43 người lính Trung Quốc thương vong.
Theo NTD, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), nhà bình luận tại Hoa Kỳ cho biết: “Tất nhiên, từ kết quả cuộc xung đột biên giới, có thể thấy hai bên đều chịu tổn thất. Nhưng phía Ấn Độ sau đó tuyên bố Thung lũng Garwan vẫn nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Ấn Độ. Vì vậy điều này cho thấy Trung Quốc không có cách nào để thắng thế”.
Ông Đường nhận định: “Đến nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn giữ im lặng về con số thương vong của mình, cho thấy họ có điều gì đó đang che giấu và khó nói thành lời”.
Sự im lặng này là để tránh kích động “cảm xúc của công chúng”, theo ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” (Global Times), thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ.
Giữa Ấn Độ và Trung Quốc có biên giới chung dài hơn 3,440 km, các binh sĩ từ cả hai phía thường xuyên đụng độ, và đôi khi dẫn đến hỗn chiến. Hai nước đã và đang cố gắng giải quyết tranh chấp biên giới thông qua đàm phán nhưng tới nay chưa đạt được bước tiến nào.
Theo nhà bình luận Đường Tĩnh Viễn, bất cứ khi nào ĐCSTQ đối mặt với khủng hoảng trong và ngoài nước, họ đều sử dụng chiêu bài tranh chấp chủ quyền lãnh thổ để tạo ra xung đột quy mô nhỏ, nhằm đẩy lùi sự chú ý vào các cuộc xung đột trong nước. Tuy nhiên, khi xung đột lãnh thổ xảy ra thương vong cho người dân, thì ĐCSTQ im lặng để “tránh kích động cảm xúc công chúng”.
Từ đó có thể thấy lập trường “ổn định quan trọng hơn hết thảy” của chính quyền Trung Quốc, trong đó ĐCSTQ không ngại tạo ra xung đột bên ngoài để che đậy những xung đột bên trong, từ đó đảm bảo được sự “ổn định” của giới lãnh đạo cầm quyền.
ĐCSTQ đang đối mặt với những áp lực chưa từng có, ngoài những chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump nhắm vào các tham vọng của Bắc Kinh, Trung Quốc còn đang trải qua những hậu quả nặng nề vì dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và việc làm. Tình hình sẽ còn xấu đi khi các doanh nghiệp nước ngoài đang rời bỏ Trung Quốc, và các nước truy cứu trách nhiệm và đòi bồi thường từ Trung Quốc sau đại dịch toàn cầu. Ở trong nước, sự bất mãn của người dân gia tăng vì dịch virus corona, nạn lũ lụt mà giới truyền thông nhà nước im hơi lặng tiếng, chưa kể hàng loạt vấn đề tích tụ từ nhiều năm như tham nhũng, ô nhiễm, khoảng cách giàu nghèo, v.v.
The post Vì sao Trung Quốc không tiết lộ con số thương vong trong cuộc xung đột với Ấn Độ? appeared first on Đại Kỷ Nguyên.