Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Bảy (20/6) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu đến biên giới với Trung Quốc
Hãng thông tấn Ấn Độ ANI dẫn nguồn thạo tin hôm 19/6 cho biết, các máy bay được Không quân Ấn Độ triển khai đến khu vực biên giới với Trung Quốc gồm máy bay Sukhoi-30MKI, Mirage 2000 và phi đội máy bay chiến đấu Jaguar. Những máy bay này được đưa đến các căn cứ tiền phương để có thể triển khai nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.
Các trực thăng tấn công Apache mà Ấn Độ mới mua lại từ Mỹ cũng được triển khai đến khu vực tranh chấp Ladakh để hỗ trợ quân đội Ấn Độ ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, các trực thăng vận tải Chinook cũng được triển khai trong và xung quanh căn cứ không quân Leh, nhằm hỗ trợ việc di chuyển binh sĩ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp.
Nguồn tin của ANI cũng cho biết, Không quân Ấn Độ đang có kế hoạch đẩy nhanh thương vụ mua 33 máy bay chiến đấu từ Nga, gồm 21 máy bay MiG-29 và 12 máy bay Su-30MKI. Không quân Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn đề xuất thương vụ để trình tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng vào tuần tới. Thương vụ này đã được cân nhắc từ lâu, song có thể được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng Ấn – Trung leo thang. Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, 4 chiếc đầu tiên có thể được bàn giao vào cuối tháng 7.
Quan chức Mỹ: Trung Quốc ‘thiếu chân thành’ trong cuộc gặp ở Hawaii
Theo SCMP, ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Á và Thái Bình Dương, ngày 18/6 cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tái cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, song Washington vẫn phải chờ xem những gì sẽ xảy ra với mối quan hệ Mỹ – Trung trong vài tuần tới.
“Xét đến bối cảnh hiện tại của mối quan hệ này, phía Trung Quốc chưa được coi là thực sự chân thành”, ông Stiwell nói sau khi dự cuộc họp giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Hawaii trong 2 ngày 16-17/6.
“Tôi sẽ không nêu chi tiết những gì đã thảo luận (trong cuộc họp), nhưng dù cho các vấn đề đó có hiệu quả hay không, tôi vẫn sẽ chờ xem những gì sẽ xảy ra trong vài tuần tới: Liệu chúng ta có thấy các hành vi hung hăng được giảm bớt hay không”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Ông Stilwell cho biết mục đích của cuộc gặp lần này là để Trung Quốc hiểu rằng “các hành động của họ thực sự đang chống lại họ”, bao gồm vụ xung đột gần đây ở biên giới với Ấn Độ, căng thẳng trên Biển Đông và đề xuất dự luật an ninh mới với Hồng Kông.
Samsung chuyển dây chuyền sản xuất màn hình từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo VOA, Samsung Vina vừa chính thức công bố việc di dời phần lớn dây chuyền sản phầm màn hình máy tính thương hiệu Samsung từ Trung Quốc về nhà máy Samsung HCMC CE Complex (SEHC) tại Khu Công nghệ cao, Quận 9, TP.HCM, trong năm 2020.
Đại diện Samsung cho biết việc di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có được những sản phẩm màn hình máy tính mới nhất và nhanh nhất so với những thị trường khác.
Tổ hợp nhà máy sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SEHC) có khoảng 6.000 nhân viên, theo thông tin trên trang web của công ty Samsung. Tổ hợp SEHC được khởi công từ giữa năm 2015 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là nhà máy sản xuất màn hình TV và các thiết bị điện tử gia dụng lớn thứ 2 thế giới của Samsung, sau nhà máy ở Mexico.
Tàu Trung Quốc liên tục áp sát nhóm đảo tranh chấp với Nhật
Theo SCMP, Nhật Bản hôm 17/6 gửi công hàm phản đối Trung Quốc triển khai 4 tàu hải cảnh hoạt động 65 ngày liên tục trên vùng biển gần nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần hoạt động dài nhất của tàu Trung Quốc gần nhóm đảo tranh chấp với Nhật Bản kể từ tháng 9/2012, thời điểm hai nước tranh cãi gay gắt về chủ quyền tại đây.
“Nhóm đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của chúng tôi và chắc chắn là lãnh thổ của chúng tôi, điều này mang tính lịch sử và tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi cho rằng tình hình sẽ cực kỳ nghiêm trọng nếu hoạt động này vẫn tiếp diễn. Chúng tôi sẽ kiên quyết và bình tĩnh đáp trả Trung Quốc”, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói trong cuộc họp báo tại Tokyo.
Nhóm đảo không người Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông là tâm điểm tranh chấp giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều thập niên, dù quan hệ giữa hai bên đã dần cải thiện trong những năm gần đây.
Quan chức Mỹ muốn cử quan sát viên tới Trung Quốc
Theo AFP, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á đề xuất cử quan sát viên trung lập tới Trung Quốc nhằm tìm hiểu về ổ Covid-19 mới ở Bắc Kinh.
“Một khi uy tín đã mất, bạn sẽ phải tìm cách gây dựng lại nó. Tôi nghĩ cách duy nhất để thực hiện điều này là đưa các nhà quan sát trung lập tới đó để tìm hiểu chính xác điều gì đã xảy ra”, David Stilwell, người tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì ở Hawaii, cho biết hôm 18/6.
Stilwell tỏ ý hy vọng những con số và báo cáo của Trung Quốc về ổ dịch mới ở Bắc Kinh sẽ “chính xác hơn” so với Vũ Hán, nơi khởi phát đại dịch Covid-19. “Sẽ tốt hơn nếu có người có mặt tại đó để xác nhận các số liệu”, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời đề cập những báo cáo trên các tạp chí khoa học dự đoán số ca nhiễm ở Bắc Kinh còn cao hơn ở Vũ Hán.
The post Điểm tin thế giới sáng 20/6: Ấn Độ điều khẩn cấp máy bay chiến đấu đến biên giới với Trung Quốc appeared first on Đại Kỷ Nguyên.