Ào ào trời đất đổi thay,
Mịt mù cơn lốc tung bay một vùng.
Xuyên rừng vặn gốc mai, tùng,
Gặp núi chắn lại bụi tung khắp trời.
Hoàng Hà sóng cuộn nơi nơi,
Tương Giang nước réo như sôi ào ào.
Trời xanh cung Đẩu lao đao,
Điện Sâm La suýt đổ nhào sụp luôn.
Năm trăm La Hán hét vang,
Kim Cương tám vị hoảng hồn kêu la…
Nếu như nói hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh là muôn vàn sóng gió, thì trận gió hung dữ bậc nhất có lẽ là gió độc của yêu quái Hoàng Phong được miêu tả trong mấy câu thơ trên. Cố sự này có hàm ý sâu xa, người viết đọc đi đọc lại mà vẫn cảm thấy chỉ có thể lĩnh hội được một tầng nghĩa nông cạn trong đó.
Tây du ký*, hồi thứ 20, sau khi Đường Tam Tạng thu nhận Trư Bát Giới, được thiền sư Ô Sào truyền Bát Nhã Tâm Kinh, ba thầy trò đi đường ăn gió nằm sương, đến trước dãy Hoàng Phong lĩnh. Nơi đây có con yêu quái có tài thổi gió độc, gió mà nó thổi ra khiến trời nghiêng đất ngả, quỷ khóc thần sầu. Đường Tăng bị bắt, Bát Giới giữ đồ, Tôn Hành Giả giao chiến bị gió ấy cay sè hai mắt, nước mắt giàn giụa, không sử dụng được gậy Như Ý, phải thua trận chạy về. Về sau, nhờ có Thái Bạch Kim Tinh chỉ điểm, Tôn Ngộ Không mới mời được Linh Cát Bồ Tát đến thu phục yêu quái, giải thoát cho sư phụ.
Theo lời Hộ Pháp Già Lam, thứ gió dữ của yêu quái Hoàng Phong gọi là “tam muội thần phong”, “thổi ra trời đất tối sầm, thần sầu quỷ khóc, đá bay cát bốc, mạng người ngừng luôn”. Một người bình thường, sẽ như cụ già dưới chân núi, thẳng gót quay về: “Không đi được đâu. Sang phương Tây lấy kinh khó lắm. Nên quay về phương Đông mà lấy kinh thôi”. Phương Tây là Phật địa, phương Đông là cõi phàm, sợ hãi quay về thì khác nào buông bỏ tu luyện, bao giờ mới thoát kiếp trầm luân?
Trong Tây du ký, mỗi ma nạn, từng cái tên yêu quái, địa danh, bảo bối… đều mang tầng tầng ý nghĩa, lớp lớp nội hàm liên quan đến Phật gia và Đạo gia. “Tam muội” trong tiếng Phạn là Samadhi, có nghĩa là “nhất tâm” hay “định tâm”. Phật gia giảng Giới – Định – Huệ, người tu luyện nhờ giữ nghiêm giới cấm mà có thể dần thu lại cái tâm lăng xăng đầy dục vọng, tăng cường định lực, từ đó khai mở trí huệ. Từ cái tên “tam muội thần phong” có thể suy luận rằng, để khắc chế ngọn gió độc, chỉ có thể là dùng định lực kiên cường.
Cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không vốn là khối thần thiết được Thái Thượng Lão Quân chín lần nấu luyện, có thể đỉnh thiên lập địa, chống trời chống đất, còn gọi là Định Hải Thần Châm, tượng trưng cho định lực của người tu luyện. Nhưng trong trận giao tranh với yêu quái, Tôn Hành Giả bị yêu quái thổi gió vào giữa mặt, làm mắt cay sè, nước mắt cứ trào ra, nên không thể vung gậy Như Ý. Phải chăng, một tầng hàm nghĩa chính là khi đôi mắt bị giả tướng nơi thế gian mê hoặc, bị cuốn theo vòng xoáy của được và mất, của danh lợi tình, thì sẽ không thể phát huy định lực nữa? Nên Ngô Thừa Ân mới miêu tả về trận gió này đầy ẩn ý như sau:
Thương nhân sợ hãi kêu trời,
Chủ thuyền sì sụp lựa lời kêu van.
Giữa dòng tính mạng khó toàn,
Lợi danh kiếm chác lang thang sông hồ.
Về cố sự này, tác giả Thuyền Tưởng bàn luận trên trang Chánh Kiến rằng: “Nếu như một cá nhân có căn cơ tốt, chính niệm đầy đủ, thì dẫu có bao nhiêu trận cuồng phong đi nữa cũng không thể dao động, nhất chính áp bách tà. Người tu luyện sẽ gặp phải đủ loại khảo nghiệm, thậm chí bị người ta bức hại, để xem có thể kiên định chính tín hay không. Một khi dao động sẽ bị cuồng phong cuốn đi, mê mất bản tính. Đặc biệt với những người có thời gian tu luyện không dài, có thể xuất phát từ các loại mục đích khác nhau mà tiến vào tu luyện. Có người thấy tu luyện có thể khiến thân thể khỏe mạnh, có người muốn được Thần bảo hộ, có người thuận theo trào lưu náo nhiệt mà đến, đối với Pháp lý tu luyện không có chân chính lý giải. Chỉ cần không phải là tu luyện chân chính, khi gặp phải khảo nghiệm cuồng phong ác lãng loại này thì thường không kiên trì trụ lại được”.
Trận gió dữ của yêu quái Hoàng Phong khiến người viết liên tưởng tới hai câu thơ của Lưu Vũ Tích thời nhà Đường:
Thiên đào vạn lộc tuy tân khổ,
Xuy tận cuồng sa thủy đáo kim.
Dịch nghĩa:
Trải qua nghìn vạn lần đãi lọc đầy gian khổ,
Thổi hết cát đi là bắt đầu thấy vàng ròng.
(Lãng đào sa – Sóng cuốn cát đi)
Cơn gió độc màu vàng bụi tung mù mịt của Hoàng Phong quái phải chăng cũng là để “thổi hết cát đi” và “thấy vàng ròng” như vậy? Trận chiến ác liệt giữa Tôn Hành Giả và yêu quái gợi mở về hành trình gian khổ để thành tựu sinh mệnh. Một người bình thường muốn đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng, cần trải qua hàng nghìn hàng vạn khó khăn, khảo nghiệm nghiêm khắc, giống như quá trình sóng lớn cuốn cát đi, còn lại chính là vàng ròng. Quá trình này hết sức thống khổ, đòi hỏi ý chí kiên định phi thường. Có lẽ vì thế mà trong bài thơ “Mai hoa thi”, Thiệu Ung, học giả thời Bắc Tống than rằng: “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, Kỷ nhân quy khứ kỷ nhân lai?” (Từ vạn cổ cổng trời khai mở, Mấy người đến mấy người trở về?).
Đối diện với thử thách cuồng phong, có người dũng cảm đối mặt, có người lại rụt đầu lẩn trốn. Tây du ký, hồi thứ 20 viết:
“Bát Giới bước lên ngăn Hành Giả, nói:
– Sư huynh ơi, gió to quá, chúng ta tạm ẩn vào đâu một tý.
Hành Giả cười, nói:
– Chú hèn lắm! Mới có gió to đã tìm chỗ trốn. Vậy giáp mặt yêu quái thì sao?
Bát Giới nói:
– Anh không nghe câu nói: “Tránh gái như tránh giặc, che gió như che tên” sao? Chúng ta ẩn vào đâu một tý có hề gì?”.
Cũng chính chú ngốc khi thấy trận gió vàng nổi cuồn cuộn, trời đất tối tăm, thì “vội vàng dắt ngựa, giữ hành lý nằm phục trong hốc núi, không dám mở