Chuyến đi của Carrie đến sân bay quốc tế Hồng Kông không được dễ chịu cho lắm. Mặc dù Carrie đã không ngủ vài ngày nhưng cô vẫn rất cảnh giác, chú ý hơn đến môi trường xung quanh và thận trọng khi đi qua cửa lên máy bay. Chỉ sau khi máy bay cất cánh, cô mới ngủ thiếp đi.
“Tôi chỉ có hai lựa chọn. Tôi phải chạy trốn khỏi Hồng Kông hoặc đối mặt với cuộc đàn áp chính trị”, cô gái 26 tuổi, hiện đang xin tị nạn tại Canada cho biết.
Rời khỏi Hồng Kông đối với Carrie (không phải tên thật) là một quyết định khó khăn. Hoạt động ủng hộ dân chủ của Carrie bắt nguồn từ năm 2012 khi cô cùng với hơn 120.000 người biểu tình phản đối kịch liệt đề xuất của Bắc Kinh đưa chương trình “Giáo dục đạo đức và quốc gia” vào các trường học công ở Hồng Kông. Kể từ đó, cô đã tham gia vào phong trào dân chủ Hồng Kông, bao gồm các cuộc biểu tình quy mô lớn kể từ tháng 6/2019.
“Đôi khi tôi cảm thấy như mình đã phản bội những người bạn cùng tham gia biểu tình với tôi. Nhưng tôi phải thuyết phục bản thân rằng, tôi chọn rời đi để tôi có thể sống vì lợi ích lớn hơn”, cô chia sẻ.
Carrie đã rời khỏi Hồng Kông với một trái tim mệt mỏi và một cơ thể bị thương bởi hơi cay, dùi cui và súng nước. Carrie hiện đang ở Canada để chờ quyết định về yêu cầu tị nạn của cô.
Công ước về người tị nạn năm 1951 đặt ra thuật ngữ “tị nạn” là chỉ những cá nhân không thể hoặc không muốn trở về quê hương do họ chịu “một nỗi sợ hãi có căn cứ về việc bị bức hại vì lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội cụ thể, hoặc quan điểm chính trị”.
Năm 2018, Canada đã trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong tái định cư người tị nạn và nhận 28.100 người trong số 92.400 người tị nạn được tái định cư ở 25 quốc gia. Theo tờ The Globe and Mail, tờ báo ở Canada, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/3/2020, đã có 46 công dân Hồng Kông nộp đơn xin tị nạn tại Canada.
Carrie lo lắng rằng cô sẽ không thể chứng minh với Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada (IRB) rằng cô là một người cần được bảo vệ trong phiên điều trần về người tị nạn.
“Tôi nghĩ thật khó để các nước phương Tây tưởng tượng về một xã hội dân chủ sụp đổ và biến thành một nhà nước cảnh sát”, cô nói, với thuật ngữ “nhà nước cảnh sát” được hiểu là một quốc gia mà chính phủ của nó dùng lực lượng cảnh sát để thực hiện các biện pháp độc đoán, kiểm soát cứng rắn và có tính áp bức đối với đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của toàn dân.
“Và tôi nghĩ nó vẫn không thể tin được đối với công dân Hồng Kông nếu chúng tôi không chứng kiến nền dân chủ của chúng tôi suy giảm trong năm qua”, cô chia sẻ.
Leo Shin, giáo sư nghiên cứu và lịch sử châu Á tại Đại học British Columbia ở Canada nói với tờ HKFP rằng, chính phủ Canada nên duy trì và cung cấp tị nạn cho những người có nỗi sợ bị đàn áp tại quê nhà do những quan điểm chính trị của họ.
“Trong khi mỗi đơn xin tị nạn phải được xem xét riêng, chính phủ Canada nên hiểu rằng bầu không khí chính trị ở Hồng Kông đã nhanh chóng xấu đi và không gian cho những người bất đồng chính trị ở đó đang bị thu hẹp nhanh chóng”, ông cho biết.
Hội đồng Di trú và Tị nạn Canada đã đình chỉ tất cả các phiên điều trần trực tiếp cho đến khi có thông báo mới do đại dịch Covid-19. Tương lai của Carrie và nhiều người xin tị nạn khác ở Canada vẫn chưa chắc chắn.
Hiện tại, Carrie tập trung vào việc nâng cao nhận thức của quốc tế về tình hình Hồng Kông trên internet. Cô cũng có kế hoạch làm việc khi nhận được giấy phép làm việc, vì cô có thể quyên góp một phần tiền lương của mình cho các tổ chức phi lợi nhuận ở Hồng Kông và hỗ trợ tài chính cho những người vẫn đang phản đối.
Irene (không phải tên thật) hơi choáng trước cơn bão tuyết khi cô mới đến Canada, nhưng điều làm cô ngạc nhiên nhất là sự đa dạng và hòa nhập xã hội ở quốc gia này. Mặc dù yêu cầu tị nạn của cô đang chờ xử lý, cô hy vọng sẽ tiếp tục việc học của mình, như thế cô có thể hiểu thế nào là sống dưới chế độ dân chủ phương Tây.
Là một sinh viên ủng hộ sự độc lập của Hồng Kông, cô gái 19 tuổi tin rằng điều này sẽ cho phép cô áp dụng kiến thức của mình và đóng góp cho phong trào độc lập trong tương lai ở Hồng Kông.
“Tôi thích sự đa dạng ở đây. Hàng xóm người Iran của tôi sẵn sàng nói chuyện với tôi bất chấp sự khác biệt về văn hóa giữa chúng tôi và ngay cả thợ làm tóc của tôi cũng muốn tìm hiểu thêm về văn hóa Hồng Kông”, Irene nói.
Đối với Sai (không phải tên thật), việc ở Canada cảm thấy không thực tế.
“Nó giống như…một phút trước, bạn đang ăn tối với gia đình và phút sau bạn ở một quốc gia khác trên Thái Bình Dương”, người biểu tình Hồng Kông từng ở tuyến đầu và hiện là người đang xin tị nạn ở Canada cho biết.
Sai chia sẻ rằng, nếu anh không rời khỏi Hồng Kông, anh sẽ phải đối mặt với một cáo buộc có thể kết án anh từ mười năm tù trở lên, và anh sẽ phải trải qua những năm tháng tù tội khủng khiếp.
Những người bạn của Sai ủng hộ quyết định xin tị nạn ở Canada của anh, điều này cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Sai chưa bao giờ ngừng chú ý đến tình hình ở Hồng Kông. Bất cứ khi nào anh đọc tin tức, tình trạng bất ổn xã hội đang diễn ra ở đó khiến anh phải suy nghĩ.
“Chúng ta cần suy nghĩ cẩn thận về hậu quả nếu chúng ta không cống hiến cho phong trào mà chỉ nghĩ về những gì đã lấy đi của chúng ta và những quyền lợi chúng ta sẽ mất trong tương lai”, Sai nói.
“Có những lúc bạn có thể đã làm nhiều hơn cho Hồng Kông để tránh kết quả xấu nhất, nhưng cuối cùng bạn đã không làm điều đó. Và nó sẽ là quá ít quá muộn để đến lúc bạn nhận ra mình đã mất những gì”.
Khi được hỏi về những gì anh nhớ nhất ngoài gia đình và bạn bè, Sai nói anh nhớ cảm giác lái xe dọc bờ biển vào ban đêm.
“Hồng Kông là nhà của tôi. Nó mang lại cho tôi cảm giác xúc động ngay cả khi tôi chỉ đơn giản là đi bộ trên đường phố vào ban đêm”, Sai chia sẻ.
Tương tự như Sai, cả Irene và Carrie đều không thể ngừng nghĩ về quê hương Hồng Kông. Irene nhớ về Hồng Kông với đồ ăn đường phố như chả cá và đi trên xe buýt nhỏ. Mặc dù ở xa nhà, Carrie cho biết trái tim của cô vẫn dành cho Hồng Kông.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ nhà của mình”, Carrie cho biết.
“Tôi hy vọng mọi người ở Hồng Kông sẽ không từ bỏ việc đấu tranh cho dân chủ để những người xin tị nạn như tôi có thể đường hoàng trở về nhà”, cô nói.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
The post Ở lại hay đi? Gặp những người biểu tình ở Hồng Kông trốn sang Canada để xin tị nạn appeared first on Đại Kỷ Nguyên.