Nhắc đến mỹ nhân, người ta thường nghĩ đến tư dung mỹ lệ, dáng vẻ thanh tú, cử chỉ ngôn hành đều toát lên thần thái cao sang. Nhưng đó có phải là tất cả những yếu tố làm nên một người đẹp?
Thời nhà Thanh, có một học giả đã để lại đôi dòng luận bàn trong tác phẩm có tên là “Đàm mỹ nhân”. Lời văn cổ kính, bàng bạc chất thơ, lại ẩn chứa nhiều ý tứ sâu sắc đã thể hiện cái nhìn của người xưa về mỹ nhân:
1. Khuê phòng
Nơi mỹ nhân ở giống như vườn trồng hoa, như bình cắm hoa. Ở Trầm Hương Đình Bắc, trong muôn hoa như châu ngọc dựa lan can, nơi ở mỹ nhân là chốn về của quốc sắc thiên hương. Các Nho sinh hàn sỹ, tuy không có kim ốc chứa bạc vàng, cũng phải gây dựng nơi diễm lệ cho mỹ nhân cư trú, hoặc lầu cao, hoặc mật thất, hoặc biệt quán thôn trang.
Một căn nhà thanh khiết xua đi hết thảy vật phàm tục, trong nhà là đồ đạc tinh xảo trang nhã và các bức thư họa hợp chốn khuê phòng. Bên ngoài có lan can uốn khúc, lối nhỏ quanh co, thấp thoáng những loài hoa quý. Nếu không đủ đất trồng, cũng quyết không thể thiếu một chậu cây nhỏ. Mỹ nhân là chân thân của hoa, còn hoa là tiểu ảnh của mỹ nhân. Mỉm cười hiểu lòng nhau, tình cảm hứng thú dâng trào, bóng hoa không chỉ làm vui mắt, còn điểm trang cho mỹ nhân thêm tú lệ.
2. Trang sức, trang phục
Trang sức không cần quá nhiều, nhưng cũng không thể thiếu. Chỉ cần một vòng trân châu một vòng phỉ thúy, một vòng vàng một vòng ngọc, trang nhã nhẹ nhàng, lại mang ý họa nên tranh. Nếu toàn vàng bạc, trâm thoa thành hàng, cài khắp mái tóc, có khác gì bán cỏ hoa?
Không chỉ trang điểm đậm nhạt cần hài hòa phù hợp, mà trang phục cũng nên thích hợp. Xuân nên mặc tươi, hạ nên mặc thoáng, thu nên mặc nhã, đông nên mặc đẹp. Gặp khách mặc trang trọng, đi xa mặc nhẹ nhàng. Ngắm hoa mặc đơn sơ, ngắm tuyết mặc diễm lệ. Gấm Thục lụa Ngô, lụa thô vải sợi, đều phải rộng rãi xiêm y, tay áo to, vạt áo lớn, tạo nên vẻ nho nhã thanh tao. Đó là cốt cách cao sang của các thi nhân mặc sỹ. Nếu cô gái bần hàn, thì dù là trâm gai váy vải, cũng tự nên trang nhã.
3. Chọn nữ tỳ
Mỹ nhân không thể không có nữ tỳ, giống như hoa không thể thiếu lá, trơ cành trơ nhụy, thì cho dù là cực phẩm mẫu đơn như Diêu Hoàng, Ngụy Tử, ta nào có buồn coi?
Nữ tỳ đẹp mấy người, phải chọn người thanh khiết. Lúc thì sai pha trà, tưới hoa, lúc sai đốt hương, treo tranh, lúc lại mở sách, bê nghiên, mài mực. Nên đặt tên trang nhã, như Mặc Nga, Lục Kiều, Tử Ngọc, Vân Dung, Hồng Hương… đều là những cái tên đẹp. Nếu tất cả đều là tên hoa, thì sẽ lạm và sáo mòn, như thế không được đặt.
4. Đồ dùng trang nhã
Khuê phòng ắt phải có đồ dùng. Tủ áo chén ăn, sao có thể bày cùng đồ thanh khiết? Đồ bày biện cần: Giường mây thiên nhiên, chõng nhỏ ghế thiền, hương án bút nghiên cùng với giấy hoa tiên. Bộ đồ rượu, ấm chén trà, lọ hoa, đài gương, bộ đồ thêu, cầm tiêu kỳ xứng.
Còn chăn gấm đệm vải, rèm họa trướng thêu, cũng cần tinh xảo và trang nhã. Bày biện có trật tự, tôn dáng vẻ cửa, phòng. Nếu sức không làm được, thì chăn hoa lau sậy, đệm bông, rèm vải, trướng giấy, cũng thành cảnh sắc riêng.
5. Hiểu rộng cổ xưa
Nữ nhân biết chữ càng có dáng vẻ nho nhã thanh cao. Cho nên xem truyền kỳ, ngắm đồ họa, là học thức chốn khuê phòng. Từ tiên nữ Hà Cô, nữ hiệp Mộc Lan, Hồng Phất, cho đến hình ảnh các mỹ nhân ôn nhu tri lễ như Cử Án, Đề Úng, tới bậc hiền hậu trung trinh như Tiệt Phát, Hoàn Hùng,… đều là những mẫu mực của nữ nhân. Tranh vẽ về họ, nơi khuê các nên treo.
Sai tỳ nữ cầm tràng hạt, cầm phất trần, hành lễ ở dưới, hoặc cùng tham thiền, tụng kinh kệ, nói chuyện tiên, kể chuyện nữ hiệp, thực sự vui vẻ tâm hồn, gột rửa đi trần tục. Như 6 loại sách: Cung khuê truyện, Liệt nữ truyện, Chư gia ngoại truyện, Tây tương, Hoàn hương ký, Điêu trùng quán đàn từ, cũng nên biết để đàm luận ca vịnh.
Nếu có nữ nhân không biết chữ, lúc rảnh rỗi nên học. Cùng đàm luận cổ kim kỳ thắng, hồng phấn tự sẽ có tri âm.
6. Thần thái, tình, thú
Mỹ nhân có thái, có thần, có thú, có tình và có tâm. Sắc thái khi vui vẻ: Môi hồng mặt trời đỏ, nét ngài đón gió xuân. Sắc thái khi giận dữ: Mắt sáng như sao khẽ liếc, đôi mày liễu ngước lên. Sắc thái lúc sụt sùi: Hoa lê mưa ướt, ve đậu cành sương. Sắc thái khi đang ngủ: Tóc mây lõa xõa, vắt ngang ngực. Sắc thái khi trễ nải: Kim vàng nhón ngược, chõng thêu ngồi nghiêng [1]. Sắc thái khi mắc bệnh: Chau mày sắc kém, nét mặt hao gầy như lụa hồng. Tiếc hoa yêu nguyệt tỏa hương tình, đình lan lối nhỏ thả nhàn tình, bên song cửa lặng lẽ vẻ u tình, lời nhỏ nhẹ yêu kiều vẻ nhu tình, không biết ngày biết đêm, khi khóc lại thoắt cười ấy si tình.
Dung mạo trong gương, bóng ảnh dưới trăng, bóng hình sau rèm cửa, đó là không thú. Mắt trước đèn, chân trong chăn, tiếng sau trướng, ấy là dật thú. Rượu ngà ngà, trang sức gỡ, còn ngái ngủ, đây là biệt thú. Mồ hôi thấm phong lưu, lệ rơi nỗi tương tư, mộng với gió cùng mây, chính là kỳ thú. Thần thái đẹp như hoa diễm lệ, khoan khoái như ánh trăng thu, thanh khiết như mảnh băng tâm giữa ngọc hồ, mệt mỏi như mây lặng, phiêu đãng nhẹ bay như hương trà như khói tỏa, thoắt tan đi rồi lại thoắt tỏa lan.
Đó đều là những hình ảnh chân thực của mỹ nhân. Đắc thần thái là trên hết, đắc tình thú là thứ hai, đắc sắc thái là thứ ba, còn đắc tâm quả là khó nói.
Đài Cô Tô, nơi Phù Sai và Tây Thi nửa đời sóng bước, chẳng bằng suối Nhược Da, nơi Tây Thi và Phạm Lãi một lần gặp mặt. Cung Tử Đài, nơi Nguyên Đế và Chiêu Quân 10 năm vô ích, chẳng sánh được biên tái một tiếng tỳ bà. Cho nên, cả đời không đắc được, mà lại được một lời; nhiều năm chẳng đắc được, mà