Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Queensland (QUT) đã nghiên cứu một nguồn nguyên liệu khác lạ để ứng dụng vào sản phẩm công nghệ. Họ đã chỉ ra rằng tóc người từ các cửa hàng cắt tóc có thể được sử dụng để tạo ra màn hình OLED (LED hữu cơ).
Tóc người là một nguồn các-bon và ni-tơ tốt, rất hữu ích để tạo ra các hạt phát sáng. Tóc được xử lý và sau đó được đốt cháy ở nhiệt độ 240°C để tạo ra một loại vật liệu chứa các-bon và ni-tơ. Tiếp đến, nhóm nghiên cứu đã biến vật liệu này thành các ống nano các-bon có lớp phủ (carbon nanodots) có kích thước dưới 10 nanomet.
Các ống nanodots này sau đó được phân tán thông qua một chất trùng hợp (polime) để chúng kết tụ lại với nhau nhằm tạo nên thứ mà nhóm nghiên cứu gọi là “đảo nano.” Đây là vật liệu có thể được sử dụng làm lớp hoạt động trong thiết bị OLED.
Khi một điện áp nhỏ được truyền qua, các nanodot này sẽ phát ánh sáng màu xanh. Tuy không quá sáng, nó vẫn hữu ích đối với màn hình kích thước nhỏ như các thiết bị đeo trên người.
>> Phát minh mới: Tạo ra điện… từ không khí
Prashant Sonar, một tác giả của nghiên cứu cho biết: “Các thiết bị phát sáng hữu cơ có nguồn gốc từ các-bon (như tóc người) có thể được dùng cho một số ứng dụng trong nhà như bao bì thông minh. Chúng cũng có thể được dùng khi cần một nguồn sáng nhỏ như ở biển báo hoặc trong các dải băng thông minh. Ngoài ra, do không độc hại, chúng còn có thể được sử dụng trong các thiết bị y tế.”
Nhóm nghiên cứu cho biết trong tương lai, lông động vật từ các tiệm chăm sóc thú cưng hoặc thậm chí len cừu có thể được sử dụng trong các thiết bị tương tự.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Advanced Materials.
The post Tóc bỏ đi có thể dùng để chế tạo màn hình OLED mới appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-12 16:13:02
Nguồn: https://trithucvn.net/khoa-hoc/toc-bo-di-co-the-dung-de-che-tao-man-hinh-oled-moi.html