Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông Carrie Lam trong chuyến thăm Bắc Kinh tuyên bố Hồng Kông không sợ chế tài cũng như những lời đe nẹt của Mỹ. Bà cũng khẳng định chế tài của Mỹ sẽ không thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người Hồng Kông.
Trong buổi phỏng vấn được phát trên kênh Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc, bà Lam nói rằng người Hồng Kông không cần phải lo sợ việc Mỹ đe dọa cắt ưu đãi đặc biệt để trừng phạt việc Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông, vì đã có sự quyết tâm của chính quyền trung ương và sự ủng hộ của người dân Hồng Kông.
Khi tới Bắc Kinh, bà Carrie Lam khẳng định bà hoàn toàn ủng hộ việc xúc tiến xây dựng luật an ninh Hồng Kông. Trong cuộc họp báo với quan chức Bắc Kinh hôm thứ Tư 3/6, bà cũng lên án Mỹ và Anh là có “tiêu chuẩn kép” về vấn đề Hồng Kông.
Anh Quốc gần đây cùng theo chân Hoa Kỳ, mạnh mẽ lên án đạo luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông; ngoại trưởng Anh kêu gọi Trung Quốc hãy “lùi bước trước vực thẳm” và đe dọa thành lập liên minh quốc tế để gây áp lực lên Bắc Kinh về vấn đề Hồng Kông. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản đối: “Chúng tôi cũng khuyên phía Anh lùi bước trước vực thẳm”.
Từ ngày 21 đến 22 tháng 5, bà Carrie Lam tới Bắc Kinh để họp Quốc hội. Sau đó 2 tuần, bà lại trở lại Bắc Kinh cùng với các quan chức cấp cao của Ủy ban Kỷ luật Hồng Kông, tại đó bà tuyên bố cả chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh đều không sợ áp lực từ bên ngoài.
“Tôi hy vọng các nước khác sẽ tôn trọng lập trường cứng rắn của Trung Quốc về vấn đề này và không đơn phương hành động dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực”, bà Lam nói tại Bắc Kinh.
“Vấn đề chủ quyền của Trung Quốc đang bị phá hoại ở Hồng Kông bởi các thế lực cổ súy cho sự ly khai và thậm chí cả chủ nghĩa khủng bố đang nổi lên ở Hồng Kông. Chính quyền trung ương không còn cách nào khác ngoài dùng hành động nghiêm ngặt để bảo vệ “một quốc gia” trong chính sách “một quốc gia, hai chế độ””, bà Lam nói.
“Một số chính phủ nước ngoài đã sử dụng tiêu chuẩn kép ngầm khi đánh giá và bình luận về luật an ninh quốc gia Hồng Kông”.
“Bất kỳ một quốc gia nào đều có quyền tài phán hợp pháp để ban hành pháp luật. Mỹ cũng không phải ngoại lệ, Anh cũng không phải ngoại lệ”.
Giới chức Trung Quốc đại lục chỉ trích rằng việc Tổng thống Trump ra lệnh dùng quân đội và cảnh sát xử lý cuộc bạo loạn toàn quốc và thậm chí có lúc thiết luật một cách hung bạo khiến cho cả cảnh sát và người biểu tình thiệt mạng còn tồi tệ hơn nhiều việc cảnh sát Hồng Kông xử lý cuộc khủng hoảng 2019. Vì thế Mỹ và đồng minh còn không đủ tiêu chuẩn và chẳng thuyết phục được ai khi lên tiếng chỉ trích Hồng Kông.
“Địa vị đặc biệt của Hồng Kông đến từ Luật Cơ bản, bao gồm khu vực thuế quan độc lập, cầu cảng tự do và trung tâm tài chính toàn cầu. Và việc Mỹ ra các chế tài như rút lại sự ưu đãi đặc biệt của họ với Hồng Kông vốn giúp Hồng Kông có lợi thế thương mại, sẽ không tác động gì đến Hồng Kông được” bà Lam nói tiếp.
Ngoài trừng phạt từ phía Mỹ, Anh đang được thúc giục phải “dẫn đầu các phản ứng quốc tế” chống lại việc Trung Quốc thúc đẩy luật an ninh quốc gia, theo BBC
Các cựu quan chức viết thư gửi Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ quan ngại về cái họ gọi là “sự vi phạm trắng trợn” hiệp định Trung – Anh. Họ thúc giục ông Johnson thành lập “trung tâm liên lạc quốc tế” gồm các nước đồng minh để phối hợp hành động, giống với một tổ chức được thiết lập năm 1994 trong nỗ lực chấm dứt xung đột tại Yugoslavia.
Li Haidong, giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Thời Báo Hoàn Cầu rằng các chính trị gia Anh Quốc này đang “sống trong giấc mơ của quá khứ về một Đế quốc Anh Vĩ đại”.
“Trung Quốc nay hùng mạnh và đoàn kết hơn nhiều nước Yugoslavia xưa kia và Phương Tây thì lại yếu đuối và suy giảm ảnh hưởng hơn nhiều so với hồi 1990, vì thế nếu họ dùng phương pháp đối phó như tại Balkans năm 1990 để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, họ chắc chắn sẽ nhận phải sự trả đũa thảm khốc và không thể chịu nổi”, ông Li nói.
Phát ngôn viên của Chính phủ Anh khẳng định rằng nước Anh đã đóng vai trò lãnh đạo các đối tác quốc tế trong việc thúc giục Trung Quốc “nghĩ lại”.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: “Anh sẽ không nhắm mắt bỏ qua”. Ông khẳng định luật an ninh quốc gia Hồng Kông “vi phạm rõ ràng” nền tự trị được đảm bảo trong luật pháp Trung Quốc cũng như thỏa thuận 1997.
Raab xác nhận rằng Anh sẽ cho phép những người Hồng Kông có hộ chiếu Anh tại nước ngoài (BNO) tới Anh để học tập và làm việc trong giai đoạn được kéo dài là 12 tháng.
Anh có kế hoạch xây dựng một liên minh quốc tế với mục đích buộc Trung Quốc “lùi bước trước bờ vực thẳm”, ông Raab nói.
Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao trung Quốc cật lực lên án các phát ngôn trên của chính phủ Anh và nói đã gửi phản kháng lên phía Anh:
“Chúng tôi cũng khuyên phía Anh hãy lùi bước trước miệng vực thẳm, từ bỏ tư duy thuộc địa và tư duy Chiến Tranh Lạnh, công nhận và tôn trọng thực tế rằng Hồng Kông đã trở về và là một đặc khu hành chính của Trung Quốc, tuân theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế và quan hệ quốc tế, và ngay lập tức chấm dứt can thiệp và công việc của Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc. Nếu không, Anh sẽ chỉ là ‘nhấc hòn đá định ném, đá lại rơi vào chân’”.
Trần Minh
Xem thêm:
The post Carrie Lam: Hồng Kông không sợ chế tài của Mỹ appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-03 23:39:02
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/carrie-lam-hong-kong-khong-so-che-tai-cua-my.html