ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: BINVIET News
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Nam sinh bị nghiền nát 2 chân và cựu binh Trung Quốc thuật lại hồi ức Thiên An Môn
Thursday, June 4, 2020 2:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Những sự kiện về vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã được tái hiện từ hai đầu chiến tuyến, khi một cựu binh Trung Quốc và nạn nhân gặp nhau ở Đài Loan.

Hai người họ đã từng thuộc về hai phía đối lập nhau trên Quảng trường Thiên An Môn, một người là sĩ quan thực thi lệnh giới nghiêm, một người là sinh viên đại học bị nghiền nát hai chân dưới bánh xe tăng của quân đội Trung Quốc. Sự sắp xếp của vận mệnh đã khiến Lý Hiểu Minh và Phương Chính lần đầu tiên gặp nhau ở Đài Bắc sau 30 năm (năm 2019). Họ cùng nhau hồi tưởng lại sự kiện Lục Tứ và cùng tiếp nhận buổi phỏng vấn độc quyền với trang Người Đưa Tin (Twreporter.org) của Đài Loan.


Lý Hiểu Minh (trái), một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc và Phương Chính (phải), một sinh viên đại học có đôi chân bị xe tăng nghiền nát trong vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989, họ ngồi bên nhau vào năm 2019 (ảnh: Chụp màn hình Twreporter).

Hơn 30 năm trước, khi diễn ra sự kiện Lục Tứ, Lý Hiểu Minh là một sĩ quan cấp thấp của quân đội thực thi lệnh giới nghiêm, trong khi đó Phương Chính là một sinh viên thể dục thể thao ở Bắc Kinh. Hai người ở “hai đầu của nòng súng”, và không có tiếp xúc cự ly gần.

Sáng ngày 4/6, khi Phương Chính bị một chiếc xe tăng cán nát hai chân, Lý Hiểu Minh vẫn đang cùng quân đội quanh quẩn một chỗ bên ngoài khu vực thành phố Bắc Kinh. Vào sáng ngày 5/6, khi Lý Hiểu Minh đến Quảng trường Thiên An Môn, thì Phương Chính đã làm xong phẫu thuật cắt bỏ đôi chân, anh dần dần tỉnh dậy và nằm trên giường bệnh của bệnh viện Tích Thủy Đàm, cách chỗ của Lý Hiểu Minh chừng 8 km.

videoinfo__video3.dkn.tv||50949d31a__

Ad will display in 09 seconds

Sau 30 năm, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Đài Bắc và lần đầu tiên cùng đứng trên sân khấu. Buổi sáng ngày 18/5/2019, tại “Hội nghiên cứu và thảo luận 30 năm tròn của sự kiện Lục Tứ” do Thư viện Dân chủ người Hoa đứng ra tổ chức, Lý Hiểu Minh nói 30 năm trước ông đã tận mắt nhìn thấy một chiếc quần dài có lỗ rách ở Quảng trường Thiên An Môn. Nói đến đây tâm tình ông bỗng xúc động đến nghẹn ngào, nhất thời không nói nên lời. Phương Chính thì đang ngồi trên chiếc xe lăn bên phía tay phải của Lý Hiểu Minh, lặng lẽ lắng nghe.

Sau đó, với tư cách là một nhà bình luận, Phương Chính nói: “Lần đầu tiên ngồi cùng anh ấy, tôi cũng là lần đầu tiên cảm thấy có một dư vị gì đó rất khác lạ, kỳ thực tôi đã không chuẩn bị tâm lý nhiều đến vậy …”. Lời vừa dứt, dưới sân khấu những tiếng vỗ tay vang lên, hai người không hẹn mà cùng đưa tay ra, nắm chặt bàn tay của đối phương.

Những ai đã từng bắt tay với hai người họ, sẽ biết sức mạnh của cái bắt tay này. Lý Hiểu Minh, sinh năm 1964, trên gương mặt gầy gò đến nay vẫn còn lưu lại vẻ cứng cỏi của một người lính; Phương Chính, sinh năm 1966, trên gương mặt cũng toát ra vẻ mạnh mẽ của một kiện tướng thể thao.

Đây có thể là lần đầu tiên hai người thuộc hai lực lượng đối lập năm xưa lần đầu tiên ngồi lại với nhau để tiếp nhận phỏng vấn. Tuy nhiên, cái bắt tay hòa giải đến muộn 30 năm này, là để họ trở thành “chiến hữu” nói rõ chân tướng của vụ thảm sát Thiên An Môn, chứ không đại biểu cho khởi đầu của sự hòa giải giữa người dân và kẻ thống trị.

Quân đội nhân dân không được nổ súng với người dân nhưng lại nhận được lệnh “chấp hành giới nghiêm bằng mọi giá”

Chiều 3/6/1989, khi đang ở sân bay quân sự Tam Gian Phường thuộc huyện Thông (nay là huyện Thông Châu), Lý Hiểu Minh khi đó là trạm trưởng radar kiêm Trung úy của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo binh số 116, Đại đội 2, đã nhìn thấy bầu trời ảm đạm ở vùng ngoại ô phía đông nam Bắc Kinh. Ngày 20/5, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Bằng đã ký “Lệnh thiết quân luật”. Ngày hôm đó, anh đã theo tập đoàn quân 39 (tập đoàn quân gồm nhiều quân đoàn hoặc sư đoàn), sư đoàn 116 xuất phát từ nơi đóng quân thành phố Thanh Hải, tỉnh Liêu Ninh. Hai ngày sau (22/5), anh đã đến sân bay Tam Gian Phường, ở trong lều trại quân dụng.

Lối ra của sân bay Tam Gian Phường có quân sĩ túc trực ngày đêm liên tục trong 24 giờ. Tất cả binh sĩ không thể ra ngoài, ngoài việc huấn luyện ra, họ chỉ có thể đọc “Báo giải phóng quân”, cũng có người mang theo radio để hiểu tình hình của phong trào sinh viên.

Lý Hiểu Minh, tốt nghiệp học viện quân sự khoa chính quy và được cử đến lực lượng trú phòng đảm nhiệm trưởng trạm radar. Anh có chút lúng túng không biết phải đối mặt với sinh viên thế nào. Một mặt, các binh sĩ có nghĩa vụ phải tuân theo mệnh lệnh cấp trên, nhưng mặt khác, trong quân đội họ được gọi là “sĩ quan sinh viên”. Hai năm trước, anh vẫn chỉ là sinh viên của học viện Công trình Khí giới Thạch Gia Trang. Nếu vẫn còn là một sinh viên đại học, anh cảm thấy rất có thể anh cũng sẽ xuống đường để lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ của sinh viên.


Một sinh viên trong phong trào Thiên An Môn đứng trước hàng rào lính Trung Quốc (ảnh chụp màn hình Twitter).

Mặc dù tâm trạng có một chút hỗn loạn, nhưng Lý Hiểu Minh ý thức được một cách rõ ràng rằng bản thân anh sắp phải trải qua một sự kiện lịch sử to lớn, anh bèn tìm giấy bút để ghi chép lại mọi việc diễn ra thường ngày. Anh ghi lại rằng khi mới đến Bắc Kinh, người đứng đầu quân đội của anh trong lúc giáo dục đã dặn kỹ mọi người rằng: Chúng ta là quân đội con em của nhân dân. Chúng ta tuyệt đối không thể nổ súng vào người dân. Người nào dám nổ phát súng đầu tiên thì kẻ đó sẽ chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Nhưng nội dung của mệnh lệnh từ cấp cao sau đó lại biến thành “Chấp hành lệnh giới nghiêm bằng mọi giá”.

Thế là, đoàn xe của Sư đoàn 116 xuất phát từ Thông Châu (một quận cận nội thành của thủ đô Bắc Kinh) tới Quảng trường Thiên An Môn. Mọi người ngồi trên xe không nói chuyện nhiều, bầu không khí rất nặng nề.

Tiến vào bên ngoài nội thành, suốt dọc đường đều có những người dân kiên quyết chặn đường và thậm chí nghĩ đủ mọi cách để chia cắt quân đội. Sư đoàn 116 chỉ có thể không ngừng thay đổi kế hoạch và tiến lên theo đường vòng. Trước tiên, Sư đoàn 116 đến đường Vương Bát Phần thuộc khu Triều Dương, sau đó đi về phía nam đến đường vành đai 3 phía đông và giao lộ giao thoa với đường Quảng Cừ, rồi rẽ hướng sang phía tây đến Song Tỉnh.


Một người biểu tình chia sẻ chai nước ngọt với một binh sỹ khi hai bên đối đầu trong phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Lý Hiểu Minh nhớ rằng lúc đầu không có nhiều người đứng ra chặn đường, nhưng quân đội không chọn cách xông lên phía trước mà lùi lại phía sau, nhờ vậy họ nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt từ phía người dân.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn đang không ngừng leo thang. Đoàn xe chạy đến một nơi vắng vẻ thì dừng lại, sau đó thông báo cho mọi người đi đến xe đạn dược để nhận đạn.

Vốn dĩ, thời điểm khi quân đội xuất phát từ Hải Thành (một thị xã của địa cấp thị An Sơn, tỉnh Liêu Ninh), các sĩ quan và binh sĩ đều đã nhận súng. Sĩ quan là súng ngắn loại 54, còn binh sĩ là súng tiểu liên AK-47, chỉ là không có đạn. Sau khi cánh cửa của xe đạn dược được mở ra, một hộp đạn được nhấc ra khỏi xe. AK-47 dùng hộp đạn có 36 viên đạn, các binh sĩ không cần phải đăng ký, có thể lấy thoải mái. Lúc này xung quanh cũng có một vài người dân vây xem, họ bị sốc đến mức không nói được lời nào. Lý Hiểu Minh cảm thấy tâm trạng nặng nề, đồng thời những xung đột hết sức căng thẳng cũng khiến một người lính như anh có chút sợ hãi.


Những người lính tham gia vụ đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Đến buổi tối, Sư đoàn 116 vẫn cất từng bước khó khăn tiến vào Bắc Kinh. Sư đoàn trưởng, đại tá Hứa Phong đã đưa một số sĩ quan mặc thường phục đi vào nội thành Bắc Kinh và gần Quảng trường Thiên An Môn để thám thính tình hình. Lúc này, bắt đầu có tin đồn nói rằng có nhóm quân đội khác trong lúc mở đường đã nổ súng giết người. Lý Hiểu Minh nhớ rằng sau khi Sư đoàn trưởng trở về sắc mặt nặng nề, nói với cấp dưới của mình rằng “chúng ta không nhận được mệnh lệnh từ cấp trên”, nói xong ông liền chui tọt vào trong xe truyền tin không ra nữa. Nhưng thực tế, một đài phát thanh công suất nhỏ trong Tiểu đoàn 1 Trung đoàn pháo phòng không vẫn có thể nhận được lời kêu gọi của Sư đoàn 116.

Lúc nửa đêm, tiếng động cơ inh ỏi khiến Lý Hiểu Minh giật mình tỉnh giấc. Anh mở mắt ra và thấy một chiếc xe bọc thép đang đẩy chiếc xe buýt chặn giữa đường, rồi mau chóng tiến vào nội thành, trên xe có binh sĩ đang nổ súng lên không trung, đe dọa người dân vây chặn xung quanh. Mặc dù Sư đoàn 116 vẫn án binh bất động, nhưng “quân đội con em của nhân dân” nổ súng vào người dân đã không chỉ còn là tin đồn nữa.

Vì cứu cô bạn học mà bị xe tăng nghiền nát đôi chân

Cũng vào tối ngày 3/6, Phương Chính, sinh viên năm cuối của Học viện Thể dục Thể thao Bắc Kinh, đang có mặt tại Quảng trường Thiên An Môn. Từ giữa tháng 5 – cũng chính là thời gian Lý Hiểu Minh bắt đầu theo quân đội đến Bắc Kinh, Phương Chính thường đến quảng trường Thiên An Môn tham gia tĩnh tọa cùng mọi người.

Vào thời điểm này, các sinh viên đã chiếm lĩnh quảng trường Thiên An Môn hơn 20 ngày, mọi người tĩnh tọa, tuyệt thực, ca hát và diễn thuyết. Về vấn đề này, chính phủ và quân đội luôn hành xử với sự kiềm chế nhất định. Sáng sớm ngày 3/6, quân đội một lần nữa chuẩn bị tiến vào Quảng trường, và một lần nữa bị các sinh viên cùng người dân thành thị ngăn lại, hai bên giằng co cũng chỉ là dùng tiếng hát để áp chế đối phương. Khi binh sĩ rút về Đại lễ đường Nhân dân, họ còn giành được những tràng pháo tay và lời khen của quần chúng, như “Giải phóng quân nhân dân muôn năm”. Chẳng ai có thể ngờ được rằng “hành động dọn sạch hiện trường” sẽ diễn ra vào buổi tối hôm đó.


“Ngày 3/6/1989, lúc 3 giờ sáng – Các sinh viên bao vây xe tải để ngăn những người lính tiến vào Quảng trường Thiên An Môn”, một cư dân mạng chia sẻ trên Twitter (ảnh chụp màn hình).

Vào cái đêm không thể bị lãng quên trong lịch sử, hơn 200.000 người từ 19 chi nhánh quân đội được huy động từ khu cảnh vệ Bắc Kinh, khu cảnh giới Thiên Tân, 14 tập đoàn quân và quân đoàn không quân… được lệnh tiến vào Quảng trường Thiên An Môn từ mọi hướng xung quanh Bắc Kinh, không tiếc bất cứ giá nào – cũng chính là được phép nổ súng.

Từ khu Mộc Tê Địa trên phố Tây Trường An đến Tây Đơn, từ một dãy nơi cầu vượt phía nam của quảng trường Thiên An Môn, Chu Thị Khẩu, khu vực Tiền Môn, tại lối ra phía nam của đường Nam Trì Tử trên phố Đông Trường An, tiếng súng vang lên không ngớt. Trong mưa đạn người dân thành thị lần lượt ngã xuống, được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Nhưng đối với tất cả những điều này, trong thời đại khi mà truyền thông vẫn chưa phát triển, các sinh viên trên Quảng trường không thể nhận được tin tức ngay trong giờ phút đầu tiên. Mãi cho đến hơn 10 giờ tối, Phương Chính cùng những người khác mới nghe nói rằng quân đội đang tiến thẳng về Quảng trường Thiên An Môn, dọc đường đã nổ súng giết hại rất nhiều người dân vô tội, còn có người áo quần vẫn đang dính đầy máu vội vàng chạy đến Quảng trường Thiên An Môn phơi ra cho mọi người xem. Bầu không khí bỗng chốc trở nên hết sức căng thẳng.


Ngày 4/6/2020, cư dân mạng chia sẻ lại các bức ảnh về vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Vào lúc 11 giờ đêm, một chiếc xe bọc thép đơn độc đi vào quảng trường, sau khi bị tấn công bởi bom xăng, chiếc xe bắt đầu tấn công tứ phía. Trong bộ phim tài liệu Thiên An Môn, nhà văn Lưu Hiểu Ba, người đang có mặt ở Quảng trường Thiên An Môn tại thời điểm đó hồi tưởng lại: “Đột nhiên cái loa của Quảng trường Thiên An Môn vang lên, bắt đầu đưa ra thông báo khẩn cấp từ phía quân đội thực thi lệnh giới nghiêm, nói rằng đất nước đã hạ quyết tâm dập tắt cuộc bạo loạn phản cách mạng bằng mọi giá. Mấy trăm nghìn người ở Quảng trường trong nửa giờ đồng hồ đều đã tản đi hết, chỉ còn lại những người xung quanh đài tưởng niệm, tình cảnh thực sự cảm thấy rất đáng sợ”.

Vào lúc 2:30 phút sáng, quân đội bao vây Quảng trường và bao vây những sinh viên còn lại vào chính giữa. Phương Chính là một trong số đó. Ông nhớ rằng vẫn có khoảng 3, 4 nghìn sinh viên trong Quảng trường, trong đó có sinh viên thuộc trường đại học Bắc Kinh, cũng có các sinh viên từ các trường đại học bên ngoài đến chi viện, và có hơn 20 sinh viên đến từ trường đại học Thể dục Bắc Kinh giống như anh. Hầu hết mọi người ngồi gần “Đài tưởng niệm các anh hùng nhân dân”, một số khác thì ngồi quanh tượng Nữ Thần Tự Do ở phía bắc của Đài tưởng niệm do các sinh viên chính tay dựng nên.


Tượng Nữ Thần Tự Do của các sinh viên trong phong trào Thiên An Môn 1989 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Vào lúc 3:30, Lưu Hiểu Ba và những người khác bắt đầu thuyết phục các sinh viên rút lui. Sau đó, 3 người trong nhóm của ca sĩ Đài Loan Hầu Đức Kiện lái xe để tìm quân đội cảnh giới, họ đã tìm được một vị đại tá để thương lượng. Vị đại tá đó sau khi báo cáo với cấp trên đã trả lời rằng, hy vọng nhóm người Hầu Đức Kiện có thể thuyết phục thành công các sinh viên trên Quảng trường rời đi. Phong Tùng Đức, phó Tổng Chỉ huy của Bộ Chỉ huy Bảo vệ quảng trường Thiên An Môn, đã chủ trì biểu quyết giữa các sinh viên, cuối cùng cầm loa tuyên bố giải tán.

Sau khi chiếm giữ Quảng trường Thiên An Môn trong hơn 20 ngày, tất cả các giáo viên và học sinh ở lại đều hát vang bài Quốc tế ca, hoặc là khóc, hoặc là dìu nhau rút khỏi Thiên An Môn.

Các sinh viên tản đi theo các hướng khác nhau, có người thì đi về phía đông, có người thì đi về phía tây. Phương Chính vốn không phải là người lãnh đạo phong trào sinh viên lúc đó, chỉ là cùng mọi người theo sau một hàng ngũ. Có một cô gái trẻ cùng trường theo học khóa dưới rất sợ hãi, anh bảo cô hãy theo sau anh.

Họ rời Quảng trường Thiên An Môn từ phía nam, đi dọc theo phố Tiền Môn đến phố Tân Hoa Bắc, rồi đi qua một con đường về phía bắc. Sau khi đi đến phố Tây Trường An, họ đi về phía tây đến vùng lân cận Lục Bộ Khẩu. Nơi đây chỉ là cách Quảng trường Thiên An Môn 1 km theo đường thẳng, đối diện là trung tâm hành chính của Trung Quốc – Trung Nam Hải, khi đó vào khoảng 6 giờ sáng.

Đột nhiên, Phương Chính nghe thấy phía sau có tiếng nổ, ngay sau đó anh ngửi thấy mùi khói nồng nặc – có người nói rằng quân đội đã bắn lựu đạn hơi cay, nhưng Phương Chính lại chắc chắn rằng đó là lựu đạn hơi độc. Một quả phát nổ ngay bên cạnh anh phóng ra khói vàng khói xanh dày đặc bao trùm phạm vi hai ba mét xung quanh anh, một cảm giác ngạt thở lập tức khiến mọi người cảm thấy đầu óc choáng váng.


Phương Chính ngồi trên xe lăn chia sẻ hồi ức Thiên An Môn tại Diễn đàn Oslo, phía sau anh là bức ảnh chụp của báo nước ngoài ghi lại hình ảnh hai chân anh bị nghiền nát vì xe tăng (ảnh chụp màn hình Twitter).

Anh muốn đưa cô bạn đi cùng lên vỉa hè, như vậy sẽ an toàn hơn, anh gắng sức vừa dìu vừa ôm, cố gắng giúp cô vượt qua hàng rào sắt cao khoảng một mét, chia cách đường cái và vỉa hè. Chính ngay lúc này, một chiếc xe tăng theo mép đường lao vút đến, khi Phương Chính quay đầu lại, anh nhìn không rõ diện mạo của chiếc xe tăng, chỉ thấy nòng súng đã ở trước mặt.

Anh đẩy cô nữ sinh sang hàng rào bên kia, bản thân anh ngã xuống, nửa thân trên của anh tựa vào hàng rào sắt. Chiếc xe tăng cán qua hai chân anh và cuộn anh ta về phía trước. Toàn bộ thân thể của Phương Chính nghiêng ngả theo bánh xích của chiếc xe tăng, sau đó “bịch” một tiếng toàn thân anh rơi xuống đất.

“Từ quả lựu đạn hơi độc phát nổ sau thân tôi, sau đó do quá đau đớn khiến tôi hoàn toàn mất đi tri giác, nhiều nhất không quá 15 giây”.

Mười mấy năm sau, có người đã đưa ra một tấm ảnh cho Phương Chính. Phần thân trên của nhân vật trong tấm ảnh dựa vào lan can sắt. Một chiếc quần dài bị thủng rách và hai chân máu thịt lẫn lộn. Mặc dù khuôn mặt nạn nhân đã bị những người xung quanh che khuất, nhưng từ quần áo mặc khi đó, còn có đôi chân còn lại dài ngắn khác nhau, vừa nhìn vào anh liền nhận ra, đó chính là anh.

Quân giải phóng: “Tôi đã càn quét một băng đạn về phía người dân”

Khi đó những người có mặt tại hiện trường đã ghi nhớ chiếc xe tăng cán qua người Phương Chính, biển số là 106. Theo nghiên cứu của học giả Ngô Nhân Hoa, đội quân này là một phần của Trung đoàn số một thuộc Sư đoàn xe tăng số một của khu phòng bị Thiên Tân, người đứng đầu Sư đoàn này là đại tá La Cương.

Ngày 4/6, Sư đoàn 116 chỉ có Trung đoàn 347 do Trung đoàn trưởng Ngải Hổ Sinh, người đã hô vang khẩu hiệu tiến vào Quảng trường Thiên An Môn. Lý Hiểu Minh khi ấy đi theo Sư đoàn, nhớ rằng cả ngày hôm đó tất cả họ đều vẫn đang “lượn vòng” bên ngoài nội thành, đến tối đoàn xe mới dừng lại trên một con đường cao tốc, bên cạnh là một cánh đồng, mọi người đều không sao ngủ được, cũng không có tâm trạng để trò chuyện.

Vào lúc 6 giờ sáng ngày 5/6, Trưởng ban Quân đoàn Tác chiến 38 đứng trên một chiếc xe quân sự với một khẩu súng máy đi đến Sư đoàn 116, “áp giải” họ đến Quảng trường Thiên An Môn.

Sau khi quân đội nổ súng, tất cả đường phố ở Bắc Kinh hầu như không có người, vậy nên không có quá nhiều trở ngại cho việc thẳng tiến. Nhưng khi băng qua một cây cầu vượt, từ trong những ngôi nhà xung quanh vẫn không ngừng vang lên những tiếng mắng chửi: “Bè lũ phát xít”, “quân giết người”…, có người từ chỗ cao ném gạch đá xuống để “trọng đãi” giải phóng quân.

Bên cạnh có một người lính tên Lý Vĩ lửa giận bốc lên, anh ta nổ súng bắn mấy phát về phía cầu vượt, vỏ đạn văng trúng người Lý Hiểu Minh, anh quát Lý Vĩ mấy câu, anh này không nổ súng nữa.

Vào khoảng 9 giờ sáng, Sư đoàn 116 đã đến Quảng trường Thiên An Môn, nơi chỉ còn lại cảnh hoang tàn. Lý Hiểu Minh nhìn thấy các bậc thang, cột trụ bằng đá cẩm thạch xung quanh “Đài tưởng niệm anh hùng Nhân dân” đều đã bị nghiền nát bởi xe tăng và xe bọc thép, dấu vết của bánh xích cán qua có thể nhìn thấy rõ ràng. Trên Quảng trường đâu đâu cũng đều là rác, chủ yếu là lều bạt, quần áo và các nhu yếu phẩm hàng ngày. Anh cúi người xuống, lục lọi trong đống rác và tìm thấy một chiếc quần dài màu đen có lỗ thủng và một chiếc áo bông có dính máu. Mặc dù không có tận mắt nhìn thấy thi thể, nhưng một người lính tên Hàn Hồng Thủy nói với Lý Hiểu Minh: “Trạm trưởng, lúc chúng tôi đang dọn rác, nhìn thấy trên mặt đất có đến mấy vũng máu như vậy”.


“Bức ảnh bị cấm về Quảng trường Thiên An Môn. Những người lính đứng trên những thi hài đã bị nghiền nát của các sinh viên biểu tình”, một cư dân mạng chia sẻ trên Twitter ngày 11/5/2020 (ảnh chụp màn hình Twitter).

Khi Sư đoàn 116 đến Quảng trường Thiên An Môn, trung đoàn pháo phòng không dưới sự quản lý của Lý Hiểu Minh bất ngờ phát hiện Đại đội 6 lạc khỏi đội ngũ, nghe nói bị bao vây gần Tân Hoa Xã ở phía tây nam của Quảng trường. Trung đoàn đã cử Vu Học Quân – chỉ huy của Đại đội 1 đi tiếp ứng. Khi đưa Đại đội 6 trở về Quảng trường, quân binh của hai Đại đội gặp phải sự trách mắng và các đợt tấn công bằng gạch đá của người dân. Vu Học Quân bảo lính nổ súng lên không trung để hù dọa người dân đang bám theo sau. Nhưng về sau chính tai Lý Hiểu Minh nghe thấy một người lính khoe khoang nói rằng: “Tôi đã càn quét một băng đạn về phía người dân”. Một băng đạn chính là 36 phát đạn của khẩu súng AK-47. Khoảng cách giữa người dân và người lính cũng chỉ là một hai trăm mét, vậy nên với khoảng cách như vậy thì một băng đạn này ít nhất cũng có thể tạo ra thương vong cho mười mấy người.

Khi Lý Hiểu Minh theo quân đội đến Quảng trường Thiên An Môn, tại bệnh viện Tích Thủy Đàm cách quảng trường 8 km, Phương Chính cũng vừa mới tỉnh dậy. Cơn đau vẫn còn hết sức rõ ràng, anh đưa tay ra thì đã không bao giờ có thể sờ được hai bắp chân của mình nữa. Trong quá trình phẫu thuật, chân phải của anh đã bị cắt cụt đến trên bắp đùi và chân trái thì bị cắt cụt đến đầu gối.

Nghe các nhân viên y tế kể lại, sau khi bị thương, đầu tiên anh được đưa đến bệnh viện trên đường Nhị Long gần Lục Bộ Khẩu hơn. Nhưng vì anh bị thương quá nặng, bệnh viện quy mô nhỏ đó không thể điều trị được, nên anh được chuyển đến bệnh viện Tích Thủy Đàm.

Sau khi tỉnh dậy, anh nói rằng anh là sinh viên của học viện Thể dục Bắc Kinh, bệnh viện đã thông báo cho nhà trường, các giáo viên và bạn học lại thông báo cho gia đình anh. Gia đình vội vã từ quê nhà ở Hợp Phì, tỉnh An Huy đi tàu hỏa gần 20 tiếng đồng hồ đến Bắc Kinh, lúc đó đã là chiều ngày 7/6.

Vào ngày 7/6, tình hình tại Quảng trường Thiên An Môn đã ổn định. Sau khi quân đội của Lý Hiểu Minh đóng quân ở đó được hai ngày, theo lệnh của Bộ chỉ huy lệnh giới nghiêm, quân đội bên anh được phân tán đến khu vực được chỉ định chấp hành nhiệm vụ thiết quân luật.


Twreporter dẫn ảnh AP / Vincent Yu / Dazhi. Hai ngày sau sự kiện Lục Tứ Thiên An Môn, tình hình ở khu vực Bắc Kinh (Chụp màn hình Twreporter).

Đoàn xe của Sư đoàn 116 đi về hướng đông. Khi lái xe đến khách sạn quốc tế gần cầu vượt Phục Hưng Môn, đột nhiên có vài tiếng súng nổ từ tòa nhà vọng đến. Tất cả đoàn xe dừng lại, nhiều binh sĩ nhanh chóng rời khỏi xe, nằm sấp trên mặt đất và nổ súng vào tòa nhà. Sau khi tiếng súng dừng lại, Lý Hiểu Minh nhìn thấy mấy tấm kính cường lực bên ngoài của tòa nhà vỡ vụn ra giống như những bông hoa tuyết vậy, từng mảnh từng mảnh rơi xuống mặt đất.

Đằng sau khách sạn quốc tế là tòa chung cư ngoại giao. Rất nhiều quan chức đại sứ quán nước ngoài và gia đình họ đều sống ở trong đó, vì cũng có không ít viên đạn bắn về phía tòa chung cư ngoại giao, nên ngày hôm sau, có rất nhiều người nước ngoài rời khỏi Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 8 hoặc ngày 9/6, các bác sĩ và y tá của bệnh viện Tích Thủy Đàm vô cùng lo lắng chạy đến nói với Phương Chính, rằng họ nghe người ta nói quân đội sắp tiếp quản bệnh viện và bắt giữ “phần tử bạo loạn phản cách mạng”. Phương Chính khi đó vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm đến tính mạng, nếu chẳng may bị quân đội bắt đi, e rằng lành ít dữ nhiều. Các nhân viên y tế tốt bụng đã đẩy giường bệnh của anh đến một phòng phân phối điện, rồi khóa kín cửa lại.

Qua một đoạn thời gian, y tá chạy đến mở cửa và nói với anh rằng đó chỉ là một phen sợ chuyện không đâu, không phải là quân đội sẽ tiếp quản bệnh viện, mà là cảnh sát của phân cục Tây Thành của Cục công an thành phố Bắc Kinh muốn đến bệnh viện để ghi chú điều tra.

Kể từ khoảnh khắc đối mặt với cảnh sát đó, Phương Chính đã bắt đầu kể về những gì mà chính bản thân anh đã trải qua trong sự kiện Lục Tứ hơn 30 năm nay, mãi cho đến tận bây giờ.

Hai đầu chiến tuyến đều là nạn nhân

Ngày 21/5/2019, Lý Hiểu Minh, Phương Chính cùng một số nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã cùng đến tham quan Đài tưởng niệm quốc gia Tưởng Giới Thạch. Ngay trước Đài tưởng niệm có đặt một chiếc “xe tăng” làm bằng nhựa, thể tích còn lớn hơn cả xe tăng thật. Hai bên thân xe màu xanh đậm còn in những ngôi sao năm cánh màu đỏ và chữ “Bát Nhất”, ám chỉ Quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc. Ngay phía trước xe tăng có một người nhựa hiên ngang đứng đó. Nòng súng của “chiếc xe tăng” chĩa xuống nhắm thẳng về phía “người” này. Quảng trường Tự Do những lúc gió lớn sẽ khiến “nòng súng” bị rung động lên xuống, như thể đang điều chỉnh góc độ nã pháo vậy.

Cảnh tượng này đủ để gợi lên ký ức của rất nhiều người.

Hơn 30 năm trước tại Bắc Kinh, hình ảnh một chàng thanh niên quả cảm một mình đứng chặn cả đoàn xe tăng với tấm thân gầy gò bằng xương bằng thịt của mình đã được cả thế giới nhớ đến. Cho đến nay, danh tính thực sự của người hùng được xem là “châu chấu đá xe” này vẫn chưa được xác nhận, có người nói anh là Vương Duy Lâm, nhưng nhiều người hơn gọi anh là “tank man” (người hùng chặn xe tăng).

Năm 2009, dưới sự giúp đỡ của Chu Phong Tỏa, Phong Tùng Đức, những người lãnh đạo phong trào sinh viên 1989, Phương Chính đã đến được Hoa Kỳ xin tị nạn chính trị. Sài Linh đã gửi cho anh một bức ảnh ghép về cảnh Vương Duy Lâm hiên ngang quả cảm đứng chặn cả đoàn xe tăng và Phương Chính bị xe tăng cán qua đôi chân lại với nhau. Phương Chính rất thích tấm ảnh này, cảm thấy nó cho thấy “hai mối quan hệ giữa xe tăng và con người”.

“Chiếc xe tăng” trong Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch đã dùng hình thức nghệ thuật tương tự phơi bày ba mối quan hệ giữa người và xe tăng. Phương Chính cảm thấy rằng nó “không nặng nề đến thế”, nhưng nó cũng nhắc nhở mọi người đừng bao giờ lãng quên lịch sử.

“Từ chối lãng quên” là điều mà Phương Chính và rất nhiều nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc đã làm trong hơn 30 năm nay. Ngay từ lần đầu tiên đối diện với cảnh sát tiến hành hồ sơ điều tra, Phương Chính đã vững tin một điều rằng anh không phải là côn đồ, không có tấn công quân đội, nhưng bị xe tăng từ phía sau lao đến cán qua người, khiến anh vĩnh viễn mất đi đôi chân của mình. Mặc dù vậy, nhiều người có cùng trải nghiệm với anh trong lúc được hỏi đến đã đổi giọng thành “bị xe buýt cán bị thương”. Mặc dù cô bạn học nhờ được Phương Chính đẩy ra may mắn thoát nạn, nhưng cô cũng không nguyện ý đứng ra làm chứng cho anh.

Vốn dĩ sau khi tốt nghiệp năm 1989, anh đã được bố trí làm giáo viên khoa Thể dục của một trường đại học ở Quảng Châu, vì bị thương tật nên cũng đã mất đi tư cách giảng dạy. Năm 1992, Phương Chính đã tham gia “Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ ba dành cho người khuyết tật”, anh đã giành được hai huy chương vàng cho môn ném lao và môn ném đĩa dành cho nam. Hai năm sau, anh còn muốn tham gia Thế vận hội Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương dành cho người khuyết tật, nhưng đã bị chính phủ ngăn cản. Sau nhiều năm, cuộc sống hàng ngày của anh cũng thường bị các cơ quan chính phủ theo dõi và đàn áp.

Ngay khi Đại hội thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật kết thúc, Phương Chính đã từ nơi diễn ra thi đấu của tỉnh Quảng Đông đi đến Hải Nam, nơi anh bắt đầu cuộc sống 8 năm với tư cách là một freelancer (người lao động tự do). Mãi đến khi anh kết hôn năm 2000, anh mới trở về quê nhà tỉnh An Huy.

Cùng là năm 2000, Lý Hiểu Minh đã sang Úc và bắt đầu học thạc sĩ về kỹ thuật điện tại học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne bằng chi phí của mình. Ngay từ 7 năm trước, anh đã cởi bỏ quân phục và chuyển sang làm kỹ sư ngành điện.

Năm 2002, gia đình Lý Hiểu Minh đã đến đoàn tụ ở Úc, không còn nỗi lo về sau, anh đã quyết định đứng ra và trở thành cựu thành viên lực lượng thực thi lệnh giới nghiêm đầu tiên công khai kể về những gì bản thân đã trải qua trong sự kiện Lục Tứ đó.

Có người từng khen anh là một người hùng, nhưng Lý Hiểu Minh đã kiên quyết phủ nhận, nói rằng trước khi gia nhập quốc tịch Úc, anh đã phải chịu sự theo dõi của Cục An ninh Quốc gia và Tổng cục An ninh Bộ Chính trị, nhưng bản thân anh chưa từng chịu sự bức hại thực chất, cũng có thể nói là người đã nhận được lợi ích từ sau khi Trung Quốc cải cách mở cửa, chỉ là hiện giờ đến sinh sống ở một đất nước dân chủ, xã hội tự do, anh cảm thấy nói ra sự thật theo lương tri của mình là một điều rất bình thường.

Tuy vụ thảm sát Lục Tứ đã trôi qua hơn 30 mươi, nhưng những người lính nguyện ý công khai nói ra sự thật chỉ lác đác một vài người, bao gồm cả Lý Hiểu Minh trong đó. Hơn 10 năm trước, một người lính trong quân đội thực thi thiết quân luật khi đó tên là Trương Thế Quân đã viết thư ngỏ cho Hồ Cẩm Đào, nhưng anh đã bị chính quyền giam lỏng vì điều này. Lý Hiểu Minh cho rằng điều này không có gì đáng ngạc nhiên:

“Với loại chính phủ độc tài như ĐCSTQ, để duy trì quyền thống trị nó sẵn sàng sử dụng các chính sách đàn áp để che đậy sự thật và khiến mọi người quên đi. Trong hoàn cảnh chính trị trong nước, người nào chỉ cần nhắc đến sự kiện Lục Tứ, chính phủ chắc chắn sẽ gây rắc rối cho bạn, thậm chí giam lỏng hoặc bỏ tù”.

Lý Hiểu Minh, cựu quân nhân thuộc Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Hoa

“Mặc dù bản thân tôi vốn không nổ súng, nhưng với tư cách là một người lính khi đó, tôi cảm thấy nhục nhã và tội lỗi”, Lý Hiểu Minh nói với trang Người Đưa Tin, năm 2002, lần đầu tiên anh gọi điện cho “Người mẹ Thiên An Môn” Đinh Tử Lâm, “Nhân danh chính tôi, thay mặt cho những người có lương tâm trong quân đội, bày tỏ lời xin lỗi đến các nạn nhân đã chết và bị thương trong sự kiện Lục Tứ”. Trước đó, Lý Hiểu Minh cũng từng đọc câu chuyện về Phương Chính trên Internet, bây giờ anh ta tận mắt gặp được người đương sự vì hành vi tàn bạo của quân đội mà bị tàn phế nặng như vậy, nhìn thấy Phương Chính cứ cách một lúc lại phải dùng cả hai tay để nâng mình khỏi xe lăn một chút hoặc vặn vặn cổ, khiến anh “cảm thấy rất day dứt”.

Khi tay của hai người họ nắm chặt với nhau, điều đó có nghĩa là mở đầu cho sự hòa giải chăng? Lý Hiểu Minh cảm thấy: “Nếu muốn hòa giải, trước tiên cần phải vạch trần sự thật, thứ hai cần phải thành tâm sám hối sâu sắc tận đáy lòng. Quan trọng hơn là chỉ có nạn nhân mới có quyền nói tha thứ hay không tha thứ”.

“Tỉnh ngộ lúc nào, sám hối lúc nào, điều đó có thể chấp nhận được”, Phương Chính trả lời: “Hiểu Minh khi đó không có nổ súng, trên tay cũng không có dính máu, anh ấy không phải là kẻ bức hại mà chỉ là một người lính bình thường. Anh ấy chỉ là công cụ bị chính phủ lợi dụng, vậy nên giữa những người bình thường với nhau rất dễ để hòa giải. Mấy năm nay, có rất nhiều cựu chiến binh Trung Quốc cũng bị chính phủ đối xử bất công và bức hại. Họ cũng giống như chúng tôi vậy, đều là nạn nhân bị bức hại của cái chính phủ này”.

Rời khỏi chính phủ toàn trị Trung Quốc, cố gắng đòi lại công lý trên mảnh đất dân chủ

Đến nay, Phương Chính đã rời Trung Quốc được hơn 10 năm và Lý Hiểu Minh đã sống ở Úc gần 21 năm. Lý Hiểu Minh nói: “So với Trung Quốc, sự khác biệt lớn nhất là sự khác biệt giữa quốc gia dân chủ và quốc gia theo thể chế độc tài. Đừng nói dân chủ không thể trở thành miếng cơm ăn, nếu không có dân chủ thì ngay cả cơm có thể cũng không có mà ăn. Nếu các con của tôi diễu hành trên đường phố ở Úc, chính phủ, quân đội sẽ không bao giờ nổ súng với chúng”.

“Ở Hoa Kỳ, con trẻ sẽ có được tương lai tốt hơn”, Phương Chính nói. Anh hiện là Hội trưởng của quỹ Giáo dục Dân chủ Trung Quốc, và có ba cô con gái. Người con thứ hai và thứ ba của anh sinh ra ở Hoa Kỳ, người con lớn đang theo học đại học. Anh nói bản thân anh sẽ không yêu cầu các con phải làm gì hoặc không làm gì. Khi có bạn là những nhân sĩ vận động dân chủ đến nhà chơi, anh cũng không bảo các con phải tránh đi, mọi chuyện cứ thuận theo tự nhiên và để chúng hiểu dần. Về vấn đề này, con gái lớn của anh cũng không phản đối, bắt đầu từ năm 12 tuổi, cô đã theo cha tham gia hoạt động tưởng niệm Lục Tứ, cùng biểu diễn tiết mục với các bạn thuộc “thế hệ Lục Tứ thứ hai”, hoặc là bán áo sơ mi, hoặc là bán sách.


Phương Chính chia sẻ tại cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ cho Hồng Kông, được tổ chức trước trụ sở Văn phòng Thương mại và Kinh tế Hồng Kông ở San Francisco, Mỹ, năm 2019 (ảnh c.hụp màn hình Twitter)

Lý Hiểu Minh, hiện là Tổng thư ký của Liên minh Dân vận Trung Quốc ở hải ngoại (Úc), cách đây hơn một năm anh đã từ bỏ công tác để dành thời gian chỉnh lý các tấm ảnh lưu niệm năm xưa. Anh đã quyên tặng huy hiệu kỷ niệm “Vệ sĩ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và các cuốn sổ kỷ niệm mà bản thân anh nhận được sau vụ thảm sát ngày 4/6 cho viện bảo tàng địa phương lớn nhất ở Melbourne. Viện bảo tàng cũng rất hứng thú với những bộ sưu tập đặc biệt này. Lý Hiểu Minh cảm thấy: “Sự kiện Lục Tứ không chỉ là sự tình của riêng người Trung Quốc, người Hoa, mà nó cũng là lịch sử của cả thế giới”.

Trong khoảng thời gian hơn một năm qua, Lý Hiểu Minh cũng đã viết tự truyện về câu chuyện cuộc đời của mình theo kiểu Tam bộ khúc, nội dung lần lượt là cuộc sống ở Trung Quốc, cuộc sống ở Úc. Anh còn dựa theo năm sáu trang giấy mà anh đã dụng tâm chép lại trong khoảng thời gian chấp hành mệnh lệnh về thiết quân luật mà mở rộng viết ra những trải nghiệm của chính mình trong sự kiện Lục Tứ. Nhiều người bạn ở Úc cũng rất ủng hộ, nói rằng anh có những câu chuyện rất hay, nên viết nó ra. Tuy hai cô con gái ngày trước không quan tâm lắm về những điều này, nhưng Lý Hiểu Minh hy vọng rằng chúng có thể thông qua ghi chép của anh để biết cái gì là Lục Tứ, biết được bố chúng là nhân vật gì trong đó.

Điều Lý Hiểu Minh càng chờ đợi hơn cả, rằng nếu có một ngày sự kiện Lục Tứ được bình phản, ông có thể ra tòa để làm chứng để chỉ ra những kẻ đã nổ súng mà anh được biết và những người tuy không đích thân giết người nhưng đã đưa ra mệnh lệnh, buộc họ phải chịu sự phán xét trước công lý cũng như lịch sử.

Tuy nhiên, đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày 4/6, rất nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc chưa bao giờ nghe nói về nó, với những người già thì thảm kịch này cũng đang dần dần rơi vào quên lãng. Phương Chính cảm thấy rằng thời gian để minh oan cho sự kiện Lục Tứ có lẽ vẫn xa vời. Hiện tại, dưới sự thống trị của Tập Cận Bình, e rằng càng khó đoán trước được.

Đặc biệt dưới sự cai trị toàn trị của thời đại Tập, các nhà hoạt động dân chủ ở hải ngoại và nhân sĩ bất đồng chính kiến ở Trung Quốc chỉ có thể thông qua “vượt tường lửa” lập nên một sự liên kết mỏng manh. Phương Chính cho rằng nếu muốn ở bên ngoài bức tường lung lay chính quyền, gần như là điều không thể. Tất cả những gì có thể làm bây giờ chỉ có thể giữ lửa, chờ đợi thời cơ.

Phương Chính nói: “Kẻ thù của ĐCSTQ đâu đâu cũng có, không cần chúng tôi kích động, hơn nữa bản thân nó vẫn luôn không ngừng tạo ra kẻ thù. Thống trị càng hà khắc, càng nảy sinh càng nhiều vấn đề, kẻ thù mà nó tạo ra cũng ngày càng nhiều. Không chừng thời gian thống trị của Tập Cận Bình sẽ rất ngắn. Đến lúc đó, chúng tôi sẽ có cơ hội bình phản?”.

Theo Thạch Vũ Tuy, Twreporter
Vũ Dương biên dịch

videoinfo__video3.dkn.tv||75de64f1c__

Ad will display in 09 seconds

The post Nam sinh bị nghiền nát 2 chân và cựu binh Trung Quốc thuật lại hồi ức Thiên An Môn appeared first on Đại Kỷ Nguyên.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.