Sợ bị bắt, bị đối xử bất công tại tòa án hoặc bị tống vào tù, nhiều người từng ở tuyến đầu trong phong trào biểu tình Hồng Kông đã tìm cách sang Đài Loan để tránh né.
“Tôi bị buộc tội tham gia tụ tập bất hợp pháp, vì vậy tôi phải tuân theo các điều kiện để được tại ngoại: giờ giới nghiêm, thường xuyên báo cáo cho đồn cảnh sát, không được rời Hồng Kông”, Andy, một người Hồng Kông 22 tuổi cho biết.
Anh bị bắt vào ngày 11/8/2019, ngày mà một người biểu tình bị bắn vào mắt phải. Người phụ nữ, người có thể bị mù mắt phải vĩnh viễn, đã trở thành biểu tượng của phong trào chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông.
Theo thông cáo báo chí của chính phủ Hồng Kông, kể từ ngày 2/3/2020, trong số 7.549 người bị bắt do tham gia cuộc biểu tình thì có 3.091 người là sinh viên. Hầu hết những người biểu tình bị bắt đang phải đối mặt với cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp, bạo loạn và sở hữu vũ khí tấn công.
Khi phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông tiếp diễn được hơn nửa năm, ngày càng nhiều người Hồng Kông đã sang Đài Loan vì sợ bị đàn áp chính trị.
“Tìm cách chạy trốn thực sự không khó. Sau khi bạn bị bắt, sẽ có người liên lạc với bạn và đề nghị giúp đỡ bạn”, Andy nói và chia sẻ rằng anh không biết gì về điều này cho đến khi anh bị bắt.
“Đối với những người biểu tình từng bị bắt ở Hồng Kông, vào thời điểm hiện tại, nếu bạn đến Đài Loan, bạn sẽ thấy thiên đường. Nếu không, bạn sẽ thấy không có lối thoát”, Andy nói.
Không giống như phần lớn người tham gia biểu tình, Andy là sinh viên Đại học Nghệ thuật Quốc gia Đài Loan từ năm 2017. Nhờ lợi thế này, Andy đã nộp đơn xin cho phép anh được quay lại Đài Loan để tiếp tục việc học mặc dù anh vẫn đang phải đối mặt với cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp ở Hồng Kông.
“Tôi có thể tự do vào Đài Loan, nhưng những người không có danh tính như là một sinh viên học tập tại Đài Loan thì ở một tình huống rất khác….Nếu bạn vào Đài Loan một cách bất hợp pháp, chính phủ Đài Loan có thể xử lý theo quy tắc nhập cư, thay vì coi đó là trường hợp đặc biệt. Và nếu lệnh bắt được ban hành, bạn là người bị truy nã”, Andy cho biết.
Các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan đã hợp tác chặt chẽ với nhau để trao đổi thông tin và tổ chức các hoạt động dân chủ nhằm giúp đỡ người biểu tình Hồng Kông ở Đài Loan.
Alvin Chang, phát ngôn viên của Hiệp hội Thanh niên Dân chủ Đài Loan cho biết: “Thật ra, Hội đồng các vấn đề về đại lục của Đài Loan đã liên tục ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông chạy trốn sang Đài Loan. Hội đồng không tiết lộ chi tiết trước công chúng vì để giảm thiểu rủi ro cho việc giúp đỡ những người này”.
“Trước đây, rất ít người Đài Loan quan tâm đến Hồng Kông. Mãi cho đến khi có tin tức về cuộc biểu tình rất lớn phản đối dự luật dẫn độ ở Hồng Kông vào ngày 12/6, người Đài Loan mới nhận ra….Chúng tôi có một kẻ thù chung”, Chang cho biết.
“Hồng Kông và Đài Loan đang ở trên một chiếc thuyền. Không phải Đài Loan ủng hộ Hồng Kông mà là Hồng Kông đang che chắn cho Đài Loan”, Josh, sinh viên đại học Đài Loan năm thứ tư nói.
Josh hiện đang làm thiện nguyện viên tại một nhà thờ ở Đài Loan, nơi thu nhận sự hỗ trợ từ các vùng khác nhau ở Đài Loan để chuyển đến người biểu tình ở Hồng Kông.
Josh hiện đang lo lắng cho tình trạng của một số người Hồng Kông sang Đài Loan nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ. “Những thách thức thực sự bắt đầu sau khi họ trốn sang Đài Loan một cách an toàn. Vấn đề trong việc tìm kiếm việc làm, đi học hoặc đảm bào an ninh”, Josh cho biết.
Giống như nhiều người Đài Loan khác, Josh coi số phận của Hồng Kông và Đài Loan có liên quan mật thiết với nhau.
“Hồng Kông và Đài Loan có cùng một người hàng xóm áp bức là Trung Quốc, kẻ đang tiếp tục sử dụng chính trị để kìm hãm luật pháp và tự do, nhưng vẫn muốn thuyết phục và lừa dối người khác….Tôi ghét nó”, anh nói.
Theo HKFP
Băng Thanh dịch và biên tập
The post Hồng Kông hôm nay, Đài Loan ngày mai: người biểu tình tìm sự giúp đỡ và cảm thông từ bên kia eo biển appeared first on Đại Kỷ Nguyên.