Trong khi thế giới đang chiến đấu với một đại dịch chưa từng có, Trung Quốc nắm lấy cơ hội này để thực hiện các kế hoạch công nghiệp trở thành một siêu cường công nghệ.
Được biết đến với cái tên “China Standards 2035” (Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035), bản thiết kế chi tiết về kinh tế này là sự tiếp nối của “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025), một kế hoạch công nghiệp nhằm mục đích giúp Trung Quốc đạt được thống lĩnh trong 10 lĩnh vực công nghệ vào năm 2025.
Bắc Kinh đã đưa ra Tiêu chuẩn Trung Quốc vào tháng 3/2018 trong cuộc họp được tổ chức tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc. Mục tiêu của kế hoạch là Trung Quốc sẽ thống trị các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, và IoT (Internet Vạn Vật, một mạng lưới trong đó mọi thiết bị được nhúng các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành để kết nối vào mạng máy tính) bằng cách phát triển các tiêu chuẩn công nghệ và xuất khẩu chúng ra thị trường quốc tế.
Lợi dụng đại dịch
Đại dịch hiện đã trở thành một phần của Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035, sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn hóa Quốc gia Trung Quốc (SAC) công bố một tài liệu mới có tên là “Những điểm chính của Tiêu chuẩn hóa Quốc gia năm 2020” vào tháng 3.
Tài liệu này xây dựng “lộ trình ban đầu cho Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035; đặt ra các hành động sẽ được thực hiện, và cách thức thực hiện trong năm tới”, theo hãng tư vấn độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ Horizon Advisory trong báo cáo tháng 4 khi phân tích tài liệu này.
Horizon Advisory lưu ý rằng tài liệu này đại diện cho các bước tiếp theo của Trung Quốc trong chiến lược tổng thể của nó.
Tài liệu này giải thích cách Trung Quốc “nên thúc đẩy phát triển các phương pháp phát hiện và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng”, trong khi thúc đẩy các tiêu chuẩn bao gồm “các tài liệu kiểm soát phòng chống dịch bệnh và thiết bị hỗ trợ chuỗi công nghiệp”.
Emily de La Bruyère, đồng sáng lập của Horizon Advisory, cho biết có minh chứng rõ ràng rằng, khi gửi các vật tư và chuyên gia y tế đến các quốc gia khác để chống lại virus, Bắc Kinh tìm cách xuất khẩu “các tiêu chuẩn chăm sóc và quản lý y tế công cộng của Trung Quốc”, bà nói.
Một số quốc gia, bao gồm Israel, Hà Lan, Tây Ban Nha và Cộng hòa Séc, đã phàn nàn rằng các vật tư y tế của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn hoặc vận hành lỗi.
Bruyère làm rõ rằng, viện trợ của Bắc Kinh cho các nước khác cũng đi kèm các hệ thống công nghệ thông tin, chẳng hạn như gói dịch vụ “chống dịch bệnh” trên phạm vi quốc tế do người khổng lồ Trung Quốc Tencent cung cấp. Tencent giải thích trên trang web của mình rằng các gói này chứa các dịch vụ như các chương trình máy tính để tổ chức các cuộc họp và cơ sở dữ liệu trực tuyến về kiến thức y tế về virus.
Các quan chức Hoa Kỳ trước đây đã cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Tencent, nêu rõ rằng mối quan hệ của nó với bộ máy an ninh nhà nước Trung Quốc khiến nó trở thành “cánh tay giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Ngoài ra, “Tencent cũng vận hành nền tảng thông tin COVID-19 quốc tế của Bắc Kinh”. Bruyère bổ sung.
Khi các công ty trên khắp thế giới chạy đua để phát triển vắc-xin cho Covid-19, Bắc Kinh cũng muốn sử dụng số lượng lớn người tham gia thử nghiệm lâm sàng, “tận dụng vai trò đó để mở rộng các tiêu chuẩn của nó về nghiên cứu phát triển, sản xuất, phân phối và chăm sóc sức khỏe trong cuộc đua nước rút để tìm ra phương pháp chữa trị tương lai”, ông Nathan Picarsic, một người đồng sáng lập Horizon Advisory cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc đặc biệt ưu tiên đến phát triển sản xuất dược phẩm và tiêu chuẩn trong cả hai kế hoạch Made in China 2025 và China Standards 2035.
Liên hợp giữa quân sự – dân sự
Cả hai kế hoạch đều dựa vào sáng kiến của nhà nước Bắc Kinh về việc thúc đẩy hợp tác giữa quân đội và công nghiệp tư nhân để thúc đẩy đổi mới công nghệ. Nỗ lực này được đặt ra bởi “Liên hợp giữa quân đội và dân sự”, được giám sát bởi một cơ quan chính phủ có tên là Ủy ban Trung ương về Phát triển Liên hợp Quân sự – Dân sự.
Trong tài liệu SAC tháng 3, liên hợp quân sự – dân sự đã được đề cập nhiều lần, bao gồm cả kế hoạch “tăng cường nỗ lực chung của các tổ chức kỹ thuật theo tiêu chuẩn quân sự và dân sự”.
Các hạn chế xuất khẩu mới của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc đã được ban hành vào cuối tháng 4 để ngăn chặn dòng chảy công nghệ của Hoa Kỳ vào quân đội Trung Quốc theo chiến lược hợp nhất quân dân sự ở Bắc Kinh.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ hiện yêu cầu các công ty Hoa Kỳ phải có giấy phép để bán một số mặt hàng cho các công ty ở Trung Quốc hỗ trợ quân đội Trung Quốc, ngay cả khi các mặt hàng này được sử dụng cho mục đích dân sự. Danh sách các mặt hàng bao gồm thiết bị sản xuất chất bán dẫn và cảm biến.
Bruyère nói rằng trong khi các hạn chế xuất khẩu sẽ không ngăn chặn tham vọng của ĐCSTQ, “thì những biện pháp đó là những bước đầu tiên cần thiết để hiểu mối đe dọa và cạnh tranh về các tiêu chuẩn”.
“Các chiến lược của Bắc Kinh được xây dựng dựa trên bản lề là sự tiếp cận công nghệ và đổi mới của Hoa Kỳ. [Do đó] Bắc Kinh lo ngại bị ‘phong tỏa công nghệ cao’”, bà nói thêm.
Kể từ tháng Năm năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ cũng đã đưa một loạt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen, nghĩa là các công ty Mỹ cần phải có giấy phép đặc biệt để hợp tác kinh doanh với họ. Những công ty này bao gồm Huawei và 114 chi nhánh của nó nằm ngoài Hoa Kỳ; năm công ty siêu máy tính Trung Quốc và nhiều ‘bí danh’ của chúng; Công ty hạt nhân lớn nhất Trung Quốc CGNPG và ba chi nhánh của nó; Các công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc như SenseTime Group và Megvii Technology, và các nhà sản xuất thiết bị giám sát như Hikvision.
Vào tháng 11/2019, Bộ Thương mại đã công bố một quy trình bảo mật các mạng viễn thông của Hoa Kỳ và chuỗi cung ứng của họ, áp dụng “phương pháp tiếp cận theo tình huống cụ thể”, để xem xét và ngăn chặn bất kỳ giao dịch gây rủi ro bảo mật. Theo Reuters, thủ tục này được xem là nhắm mục tiêu vào các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei và ZTE.
Sau đó, vào tháng 1, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố hạn chế xuất khẩu đối với các công ty công nghệ Hoa Kỳ sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích hình ảnh vệ tinh, mà các chuyên gia cũng coi là một động thái để ngăn chặn công nghệ xâm nhập vào Trung Quốc.
Picarsic nói rằng cách tiếp cận của Trung Quốc khác về cơ bản là khác với các nước khác trong việc theo đuổi đổi mới công nghệ.
Thay vì đầu tư vào “nghiên cứu cơ bản và khoa học và công nghệ cơ bản”, thì ĐCSTQ tận dụng các lỗ hổng trong các quy định và mua cổ phần của các công ty nước ngoài như một cách để thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối cùng, chế độ Trung Quốc sử dụng nó “làm chỗ đứng để gây ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn, đảm bảo quyền kiểm soát đối với phân khúc công nghiệp lớn hơn”, theo ông Picarsic.
Giao thông vận tải
Báo cáo của Horizon Advisory chỉ ra rằng Trung Quốc đã tiến hành các bước tiến trong nâng cấp các tiêu chuẩn quốc tế thông qua Nền tảng Hậu cần Giao thông Vận tải Quốc gia do nhà nước kiểm soát, gọi là LOGINK.
LOGINK là một mạng chia sẻ thông tin hậu cần được xây dựng và triển khai bởi một số bộ của chính phủ Trung Quốc, bao gồm Bộ giao thông vận tải, Bộ khoa học và công nghệ, Bộ thương mại, và Bộ công an. Nó hợp tác với các công ty Trung Quốc như công ty vận tải khổng lồ COSCO và công ty điều hành hậu cần Cainiao, được điều hành bởi gã khổng lồ công nghệ Alibaba.
Trung Quốc muốn các nước phải thông qua phần mềm hậu cần và dữ liệu LOGINK để có thể truy cập vào một lượng lớn dữ liệu được sử dụng trong vận chuyển hàng hóa.
Bắc Kinh “tìm cách cách mạng hóa việc truy cập và kiểm soát thông tin toàn cầu của ĐCSTQ, để thúc đẩy vị trí hệ thống thông tin của các công ty Trung Quốc, và củng cố các tiêu chuẩn quốc tế của chính nó trở thành như là tiêu chuẩn cho nền tảng thông tin giao thông hiện đại cùa toàn cầu”, báo cáo của Horizon Advisory cho biết.
LOGINK là thành viên của nhóm thương mại Hiệp hội Hệ thống Cộng đồng Cảng Quốc tế.
Mạng 5G
Thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông không dây, 5G, là một trọng tâm khác của chế độ Trung Quốc.
Huawei hiện là hãng đóng góp lớn nhất cho các tiêu chuẩn 5G, theo báo cáo tháng 3 của công ty tư vấn và phân tích chiến lược có trụ sở tại Hoa Kỳ – Strategy Analytics.
Công ty này đi đầu trong cuộc chơi về việc cung cấp phần mềm và thiết bị phần cứng toàn-của-Huawei (được gọi là thiết bị đầu cuối) cho cơ sở hạ tầng mạng 5G, trong khi các công ty viễn thông khác dẫn đầu về các thông số kỹ thuật cụ thể.
“Cuộc thi tiêu chuẩn là cuộc tranh chấp chiến lược của thế kỷ”, Bruyere giải thích. “Rõ ràng, Bắc Kinh đã lên kế hoạch cho nó, ít nhất kể từ năm 2000”, bà nói thêm.
Chính sách tương lai
Bà nói thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ cần hiểu sự cạnh tranh tiêu chuẩn của mình với Trung Quốc, chẳng hạn như tác động lâu dài của các mạng lưới và nền tảng của Trung Quốc, và làm thế nào mà sự cạnh tranh đó có thể đe dọa các hệ thống kinh tế, an ninh và chính trị của Mỹ.
Chính phủ Hoa Kỳ không thể chỉ tập trung vào các công ty riêng lẻ của Trung Quốc như Huawei, Bruyère nói, vì “sự hỗ trợ của chính quyền Bắc Kinh có thể dễ thay thế họ bằng những thực thể mới”.
Picarsic lưu ý rằng, “Bắc Kinh dự định cuộc đua này sẽ là một cuộc đua lâu dài vào thời bình”. Ông làm rỗ thêm rằng Bắc Kinh có lợi thế, nhờ quy mô thị trường và “bảo vệ cẩn thận cơ sở hạ tầng và dữ liệu quan trọng của riêng nó”.
Hoa Kỳ chỉ có thể cạnh tranh với Trung Quốc nếu hợp tác với các đồng minh của mình, Picarsic kết luận.
Theo Frank Fang, The Epoch Times ngày 13/5/2020,
Hương Thảo dịch và biên tập
The post Trung Quốc tấn tới ‘cạnh tranh tiêu chuẩn công nghệ’ trong bối cảnh đại dịch appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-20 21:26:03