Sau hai tháng bị trì hoãn do COVID-19, kỳ họp “lưỡng hội“ hàng năm sẽ bắt đầu hôm nay và kéo dài khoảng một tuần trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất trong hàng thập kỷ: nền kinh tế suy giảm, các mục tiêu xã hội và kinh tế mờ nhạt và phản ứng quốc tế dữ dội chống lại Bắc Kinh.
Hàng nghìn đại biểu sẽ tụ họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh từ 21-22/5 để tham dự “lưỡng hội” – bao gồm kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), trong bối cảnh ĐCSTQ đang phải vật lộn để đáp ứng các mục tiêu kinh tế và xã hội đặt ra trước đại dịch virus corona. Đây là lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ, “lưỡng hội” bị chậm so với thường kỳ vào tháng Ba vì sự lan rộng của dịch Viêm phổi Vũ Hán.
Trước đó, trong cuộc họp Bộ chính trị của đảng hồi tháng Tư, những thách thức đối với nền kinh tế Trung Quốc được miêu tả là “chưa từng thấy”.
Các cuộc họp năm nay diễn ra trong khi Bắc Kinh đang bị quốc tế phản đối dữ dội vì cách thức xử lý vụ dịch thời gian đầu, khiến nó lây lan toàn thế giới và gây ra cái chết cho hơn 320.000 người.
Trong khi đó, quan hệ với Mỹ đang ở mức thấp nhất chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và đang bị thay thế bởi một cuộc chơi đổ lỗi về nguyên nhân của dịch bệnh.
Ông Shi Yinhong, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế của Đại học Nhân dân, cho biết sự cần thiết phải có một đạo luật về cân bằng kinh tế trong nước và sự phản đối dữ dội trên toàn cầu có thể buộc chính phủ phải hoạch định lại chiến lược.
“Các nguồn lực quốc gia đang giảm dần và đại dịch đang tạo ra một môi trường toàn cầu phức tạp hơn. Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy một sự thu hẹp nhất định về chiến lược của Trung Quốc,” ông nói.
Tuy nhiên, ông Richard McGregor, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Đông nam Á Lowy tại Sydney, Úc, không cho rằng đại dịch sẽ làm thay đổi tư duy chiến lược của Trung Quốc.
“Các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc sẽ không thay đổi – bao gồm việc củng cố uy tín của đảng ở trong nước và mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài trên một loạt lĩnh vực: thương mại, các tiêu chuẩn công nghệ, quân sự, đặc biệt ở khu vực biển Đông, và trong cạnh tranh với Mỹ,” ông nói.
> Chuyên gia: Trung Quốc chuẩn bị 5 năm tới chiến tranh với Mỹ
Trong khi đó, làm cách nào để xử lý sức ép quốc tế đang gia tăng về đại dịch cũng làm phát sinh những cuộc tranh luận nảy lửa tại Trung Quốc.
Một bên là các “Chiến binh sói,” những nhà ngoại giao và những người thích tấn công mạnh mẽ những chỉ trích bên ngoài. Phần còn lại là những người, như cựu Thứ trưởng Ngoại giao Fu Ying, cho rằng cách hành xử cứng rắn như vậy không đủ để thay đổi các thiên kiến chống lại Trung Quốc.
Bà Elizabeth Economy, giám đốc ban nghiên cứu châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại New York, nói rằng trong khi cách thức ngoại giao “Chiến binh sói” đang làm nhiều người trong cộng đồng quốc tế căm ghét, bà không thấy chiều hướng thay đổi của Bắc Kinh.
“Những nỗ lực này là để thuyết phục dư luận Trung Quốc rằng Bắc Kinh làm tốt hơn các nước khác, và đó là lý do vì sao Bắc Kinh có ít động lực để thay đổi hành vi của họ,” bà nói.
Thiệt hại đối với nền kinh tế do đại dịch sẽ có thể khiến Bắc Kinh lùi một vài bước, cả trong Sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng các kết nối hạ tầng và thương mại quốc tế, nhưng việc mở rộng con đường Tơ lụa số hoá của Bắc Kinh trong các kênh dữ liệu truyền thông sẽ vẫn tiếp tục, bà Economy nhận định.
Năm nay, Trung Quốc thông báo sự sụt giảm đầu tiên về kinh tế kể từ năm 1976. Số liệu chính thức được công bố cho thấy mức giảm 6,8% trong quý I. Năm ngoái, tăng trưởng cũng chỉ đạt 6,1%, mức chậm nhất kể từ năm 1990.
Liu Shangxi, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Tài chính Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Tài chính, đã đề xuất phát hành 5 nghìn tỷ NDT (700,5 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua từng phần không lãi suất.
Tuy vậy, cựu phó Thống đốc ngân hàng trung ương Wu Xiaoling lại lạnh nhạt với đề xuất này, ông nói rằng nhất định phải hạn chế chi tiêu chính phủ để đảm bảo tính hiệu quả chi tiêu tài khoá.
Năm nay lại là hạn chót Bắc Kinh tự đề ra để tăng gấp đôi quy mô GDP từ năm 2010. Điều này đã dẫn đến những tranh cãi về việc liệu Trung Quốc có nên bám vào mục tiêu này không khi dường như nó đã trở nên vượt khỏi tầm với sau đại dịch.
Đây cũng là năm Đảng Cộng sản kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ 13. Báo cáo của truyền thông nhà nước cho biết các cuộc tranh luận về kế hoạch 5 năm kế tiếp cấp tỉnh thành đã bắt đầu, và chỉ thị sẽ được đưa ra vào mùa thu. Một kế hoạch chi tiết hơn, dựa trên chỉ thị đó, sẽ được biểu quyết tại kỳ họp lưỡng hội năm sau.
> Mỹ chúc mừng Tổng thống Đài Loan, Trung Quốc phẫn nộ
Không ngạc nhiên khi đã có sự đồng thuận rộng rãi về việc hoạch định các chính sách cho kế hoạch 5 năm kế tiếp đang diễn ra trong một bối cảnh rất khác so với năm 2015. Tuy vậy, cũng có những cách nghĩ khác nhau về việc các chính sách sẽ được thay đổi như thế nào.
Zhao Xijun, hiệu phó trường tài chính Đại học Nhân dân, nói Trung Quốc cần suy nghĩ nhiều hơn từ khía cạnh kinh tế toàn cầu trong kế hoạch 5 năm kế tiếp, vì sức mạnh kinh tế của họ đã tăng lên rất nhiều. Đất nước cần phải có sự mở rộng thông minh hơn qua những bài học rút ra từ 5 năm qua, ông nói.
“Đầu tư nước ngoài không nên tiếp tục là sự trợ giúp đơn phương, mà nó cần dựa trên thị trường, và Trung Quốc cần cân nhắc cách Mỹ và châu Âu có thể phản ứng trước những hành vi đó.”
Wang Huiyao, chủ tịch nhóm cố vấn Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hoá tại Bắc Kinh, nói Trung Quốc dự kiến tiến nhanh hơn trong việc tự lực đối với các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn trong kế hoạch 5 năm kế tiếp.
“Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14, chúng ta có thể chứng kiến những thay đổi to lớn trong lĩnh vực y tế công cộng và công nghệ cao như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chíp từ nước ngoài,” ông Wang nói.
“Chúng ta cũng có thể chứng kiến một cú hích mạnh mẽ thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, cho phép trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big data) đóng một vai trò lớn hơn trong những năm tới.”
Lưỡng hội sẽ gồm cuộc họp báo duy nhất của năm do Thủ tướng hay một trong 25 thành viên Bộ Chính trị của ĐCSTQ chủ trì, nói cách khác, nó sẽ ngắn hơn thường lệ.
Các sự kiện sẽ kéo dài một tuần, bằng khoảng một nửa so với thông thường, Ma Fung-kwok, một đại diện Hồng Kông tại NPC, nói với các phóng viên.
Các đại biểu từ Hồng Kông cần phải kiểm tra virus corona tại Thâm Quyến một ngày trước khi bay tới Bắc Kinh, ông nói.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đồng thời cắt giảm khách mời ngoại giao đoàn, giới hạn mỗi sứ quán một đại diện tại lễ khai mạc của cả NPC và CPPCC, theo nguồn tin ngoại giao.
Những người tham dự một trong hai buổi lễ nhất định phải tới nhà khách chính phủ Diaoyutai tại Bắc Kinh trước một ngày, tại đó họ sẽ được thử virus và chỉ được phép vào Đại Lễ đường Nhân dân khi có kết quả âm tính.
Chỉ các tổ chức truyền thông nhà nước mới được phép vào lễ đường, nơi tổ chức tất cả các sự kiện chính, theo nguồn tin từ các hãng truyền thông Trung Quốc.
Xuân Lan (theo SCMP)
Xem thêm:
The post “Lưỡng hội” Trung Quốc họp trước thách thức lớn nhất trong vài thập kỷ appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-20 20:39:02