Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thành lập một ủy ban điều tra các hãng công nghệ lớn như Facebook và Google về hành vi bóp nghẹt tiếng nói của những người conservative, tức những người ủng hộ văn hóa truyền thống phương Tây, nhưng bị phe khuynh tả gán nhãn “bảo thủ”.
Trong tiếng Việt, từ conservative thường được dịch là “bảo thủ” (conservatism là chủ nghĩa bảo thủ), nhưng có thể gây hiểu sai nghĩa. Conservatives là những người duy trì những giá trị truyền thống như tín ngưỡng, không nạo phá thai, không đồng tính luyến ái, … Trái ngược với trường phái này là Liberalism (chủ nghĩa tự do).
Là người theo chủ nghĩa bảo thủ, Tổng thống Trump đang xem xét thành lập một ủy ban để điều tra những cáo buộc về tình trạng thiên vị và kiểm duyệt của các tập đoàn khổng lồ về công nghệ như Facebook, Google. Chính quyền ông Trump cũng có thể thúc đẩy các đánh giá tương tự từ các cơ quan quản lý liên bang, ví như Ủy ban Truyền thông Liên bang (Federal Communications Commission – FCC) và Ủy ban Thương mại Liên bang (Federal Trade Commission – FTC).
Daily Caller dẫn nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng nói với Thời báo Phố Wall: “Thiên hướng khuynh tả trong giới công nghệ là một mối quan ngại nhất định phải được giải quyết, hoặc chí ít phải được phơi bày ra để người dân Mỹ hiểu rõ hơn về hiện trạng trước mắt”.
Toàn quyền kiểm soát
Trong một dòng chia sẻ trên Twitter gần đây, ông Trump tuyên bố sẽ đưa ra một kế hoạch giải quyết các khiếu nại xoay quanh hành vi thiên vị của các mạng xã hội.
“Thế lực Cánh tả Cực đoan đang nắm toàn quyền chỉ huy và kiểm soát các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter và Google”, ông Trump chia sẻ trên Twitter hôm 16/5, đồng thời nói thêm rằng chính quyền của ông “đang nỗ lực để khắc phục tình trạng bất hợp pháp này”.
Facebook Inc., hãng công nghệ đồng sở hữu hai thương hiệu mạng xã hội Facebook và Instagram, đã có động thái bào chữa khi được đề nghị cho ý kiến về kế hoạch mới của ông Trump.
“Người dùng mạng xã hội ở cả hai phe đều không tán đồng với một số chính sách của chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cam kết lắng nghe những quan điểm bên ngoài và truyền đạt rõ ràng nguyên nhân chúng tôi đưa ra những quyết định đó”, mạng xã hội này tuyên bố. Twitter và Google cũng đưa ra những tuyên bố tương tự.
Chính quyền Trump cũng đang xem xét hủy bỏ các biện pháp bảo vệ liên bang được Nghị viện thông qua trong Mục 230 của Đạo luật về Thông tin liên lạc năm 1996 (Section 230 of the 1996 Communications Decency Act), cho phép các doanh nghiệp hoạt động trên mạng được miễn trừ trách nhiệm đối với các hành vi của người dùng, cũng như được hưởng mức độ tự do lớn trong việc kiểm soát nội dung.
Các nhà phê bình cho rằng Mục 230 hiện đang trao quá nhiều quyền lực cho các hãng công nghệ khổng lồ.
Các nhóm conservative lập luận rằng các nền tảng công nghệ lớn đang góp phần làm định hướng quan điểm của người dùng thông qua kết quả xếp hạng tìm kiếm (VD: Google), tại news feeds (VD: Facebook), kiểm soát nội dung, bên cạnh các loại hành vi khác.
Mạng xã hội khuynh tả
Tổng thống Trump từ lâu đã bất bình về tình trạng các hãng công nghệ ngăn chặn tiếng nói của những người conservative. Mùa hè năm ngoái, ông Trump đã triệu tập một hội nghị về mạng xã hội tại Nhà Trắng. Tại đây các nhà phê bình conservative đã đề cập đến tình trạng thiên vị của các hãng công nghệ lớn.
Vào thời điểm đó, chính quyền ông cũng đã xem xét một loạt các hành động tiềm năng, bao gồm các bước để trao quyền cho Ủy ban Truyền thông Liên bang và Ủy ban Thương mại Liên bang kiểm soát các hành vi kiểm duyệt internet của các hãng công nghệ lớn. Nhưng những đề xuất này đã vấp phải chỉ trích và do đó đã phải ngừng lại.
Tương tự ông Trump, các nghị sỹ Cộng hòa (vốn theo chủ nghĩa conservative) cũng bày tỏ nghi hoặc về các hãng công nghệ. Kết quả cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2018 cho thấy 64% nghị sĩ Cộng hòa cho rằng các hãng công nghệ lớn ủng hộ quan điểm của những người liberal hơn những người conservative.
Hạ nghị sĩ Matt Gaetz đề cập đến chuyện Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, từng là dân biểu của bang North Carolina và là người có tiếng nói conservative hàng đầu, cũng là nạn nhân của một chính sách ngầm của Twitter, gọi là “kiểm duyệt ngầm (shadow banning)” hồi năm 2018. Chính sách này khiến tài khoản của ông Meadows khó tìm trên Twitter, ngay cả khi người dùng gõ trực tiếp tên ông trên thanh công cụ tìm kiếm.
“Khi Twitter kiểm duyệt ngầm ông Mark Meadows, tôi không chắc họ có biết ông sẽ trở thành Chánh văn phòng Nhà Trắng hay không”, Hạ nghị sĩ Gaetz chia sẻ. Ông Gaetz cũng là nạn nhân của chính sách kiểm duyệt ngầm này.
Chính quyền Trump sắp hành động
Nhà lập pháp Đảng Cộng hòa là đồng minh của ông Trump cho biết chính quyền ông sắp hành động trước thềm bầu cử năm 2020.
“Tổng thống Trump ngày càng ý thức được những hành vi kiềm tỏa và kiểm duyệt mà chúng tôi phải đối mặt từ sự thiên vị của các hãng công nghệ lớn”, Hạ nghị sĩ Matt Gaetz chia sẻ. “Đã có những cuộc thảo luận rất tích cực về những gì chính quyền Trump có thể làm với các Sắc Lệnh Hành Pháp để tạo ra một thị trường mạng xã hội công bằng và công tâm”, ông nói.
Động thái của Nhà Trắng diễn ra khi mối căng thẳng gia tăng giữa chính quyền Tổng thống Trump và Thung lũng Silicon, nơi có trụ sở của các tập đoàn công nghệ nêu trên. Bộ Tư pháp Mỹ đã chuẩn bị hồ sơ kiện Google xoay quanh cáo buộc vi phạm chống độc quyền, theo thông tin từ những người quen thuộc với vấn đề này.
The post Tổng thống Trump xem xét điều tra các hãng công nghệ khuynh tả appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-05-26 02:52:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-xem-xet-dieu-tra-cac-hang-cong-nghe-khuynh-ta.html