290 triệu lao động nhập cư Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Viêm phổi Vũ Hán, nhưng hầu hết không thể tiếp cận hỗ trợ thất nghiệp. Theo SCMP, COVID-19 đang tác động sâu sắc đến việc làm ở Trung Quốc hơn nhiều so với dịch SARS hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đầu tháng 1, khi căn bệnh “viêm phổi lạ” bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc, cô Zou Lan – một lao động nhập cư 41 tuổi đã làm việc ở Nam Kinh hơn 10 năm – đã bị cảm.
Mặc dù khi đó các nhà chức trách vẫn chưa công bố mối đe dọa chưa từng có mà virus corona có thể gây ra, chủ của cô đã đề nghị cô về nhà nghỉ. Kể từ đó đến nay, cô vẫn chưa thể trở lại làm việc.
Không còn tiền trong khi phải chăm sóc 3 người con, bà mẹ đơn thân này đã cố gắng tìm việc làm trong 4 tháng qua. Sau nhiều lần xin việc thất bại, cô ngày càng trở nên tuyệt vọng.
“Chủ cũ của tôi đối xử tốt với tôi. Hồi tháng 1, bà ấy gọi điện nói tôi chờ bà ấy gọi điện, rằng họ muốn tôi quay trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát. Tôi đã chờ đợi hàng tháng trời và đang trở nên tuyệt vọng,” cô Zou nói. Không được hỗ trợ thất nghiệp từ nhà nước
Giống như hầu hết trong số 290 triệu lao động nhập cư ở Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp của cô Zou Lan không được ghi nhận trong thống kê thất nghiệp chính thức của Trung Quốc và cô đã bị loại khỏi diện được hỗ trợ của nhà nước.
Theo các con số chính thức được công bố, so với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 14,7% của Mỹ trong tháng 4, thì tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc chỉ ở mức 6% vào cùng thời điểm.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2,3 triệu người Trung Quốc đã nhận được trợ cấp thất nghiệp vào cuối tháng 3, một phần nhỏ trong số hàng chục triệu người ước tính đã mất việc khi đại dịch phá hủy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tình hình thất nghiệp của Trung Quốc là một cuộc khủng hoảng tiềm tàng đối với Đảng Cộng sản, không chỉ ở khía cạnh kinh tế, mà còn có ẩn chứa hàng loạt rủi ro về ổn định xã hội.
Tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPC), cuộc họp quốc hội thường niên bắt đầu tại Bắc Kinh vào cuối tuần trước, lần đầu tiên các quan chức đã bỏ qua các chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và việc làm được nhắc lại là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Nhưng mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết việc làm cho người dân, tình hình thực tế về nạn thất nghiệp của Trung Quốc dường như bị che mờ. Nghiên cứu từ công ty chứng khoán Zhongtai có trụ sở tại Sơn Đông vào cuối tháng 4 đã đưa tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên mức 20,5%, tương đương khoảng 70 triệu người mất việc.
Theo Li Tao, người sáng lập Công ty phát triển công tác xã hội Bắc Kinh, một tổ chức phi chính phủ giúp người lao động nhập cư, tác động của dịch COVID-19 đối với vấn đề việc làm ở Trung Quốc nghiêm trọng hơn nhiều so với dịch SARS năm 2002 – 2003 trước đây, hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Dịch SARS không biến thành đại dịch toàn cầu, và cuộc khủng hoảng tài chính 2008 tác động vào các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng ít ảnh hưởng tới ngành dịch vụ. Tuy nhiên, COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nguồn cung toàn cầu và ngành dịch vụ”, ông Li nói.
> Căng thẳng thương mại, dịch bệnh, thất nghiệp: Kinh tế TQ khó phục hồi Tiền lương bị cắt giảm
Trong làn sóng thất nghiệp mới nhất, người lao động nhập cư Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với tình trạng mất việc làm, mà tiền lương của họ cũng bị cắt giảm sâu. Gần 80% trong số họ đã trở lại làm việc từ tháng Tư, mặc dù hầu hết đều bị giảm lương, theo cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ của ông Li hồi tháng trước.
Kinh tế trong nước phục hồi có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và tạo ra nhiều việc làm hơn trong những tháng tới, đặc biệt là công việc tạm thời trong ngành trang trí và dịch vụ, ông Li nói.
“Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để nói về bức tranh đầy đủ của các tác động. Hầu hết các nhà máy vẫn đang làm việc theo đơn đặt hàng trước đại dịch.”
Wang Guang, 39 tuổi, là một trong những người may mắn khi vẫn giữ được công việc tại một nhà máy điện tử ở Chu Hải. Tuy nhiên, mức lương của anh đã bị cắt khoảng 40% từ trên 4.000 tệ (561 USD) xuống dưới mức 3.000 tệ, mặc dù đã làm cho công ty trên 10 năm.
Nhà máy nơi anh Wang làm việc đã đình chỉ một phần hoạt động sản xuất vào năm ngoái sau khi chấm dứt hợp đồng kinh doanh với một công ty viễn thông lớn của Trung Quốc.
Việc sản xuất bị chậm lại do thiếu đơn đặt hàng đồng nghĩa với việc các công nhân bị giảm giờ làm, trong đó có anh Wang, người thường gửi 2.000 tệ mỗi tháng về quê cho vợ và hai đứa con ở một ngôi làng nhỏ tại miền trung Trung Quốc.
“Chúng tôi hiện đang thực hiện các đơn hàng đặt trước đại dịch, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi hoàn thành các đơn này,” anh Wang nói.
Vào tháng 2, khi Trung Quốc đang là vùng dịch lớn nhất thế giới, Wang và các đồng nghiệp được yêu cầu đi lau sàn nhà máy vì có quá ít việc để làm.
Việc cắt giảm lương đã khiến nhiều người trẻ tuổi rời đi, và bộ phận của anh từ 200 người giờ giảm xuống chỉ còn vài chục người, hầu hết những người ở lại trong độ tuổi 50.
Luật lao động Trung Quốc quy định rằng bất kỳ công việc nào được thực hiện sau giới hạn 8 giờ làm việc phải được trả bằng 1,5 lần mức lương làm việc thông thường, và số giờ làm thêm vào cuối tuần phải được trả gấp đôi.
Trong khi những người khác đã rời đi để tìm các nhà máy có nhiều giờ làm thêm, anh Wang quyết định ở lại vì cho rằng tìm kiếm một công việc mới chỉ “lãng phí thời gian,” khi hầu hết các công ty đều thu hẹp quy mô.
> Trung Quốc: Khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng và nguy cơ bất ổn xã hội
Trước đây, những người lao động nhập cư trẻ tuổi có thể nhảy việc từ nhà máy sang ngành dịch vụ vốn đang phát triển nhanh chóng. Nhưng hiện tại, các công việc trong ngành dịch vụ cũng đang cạn dần.
Một cuộc khảo sát đầu tháng Tư với 5.451 nhà hàng do Hiệp hội Khách sạn Trung Quốc thực hiện cho thấy khoảng 80% đã mở cửa trở lại, nhưng doanh thu trung bình chưa bằng 1/5 so với một năm trước đó, buộc họ phải sa thải nhân viên hơn là tuyển mới.
Lao động nhập cư từng là động lực trong sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và quá trình đô thị hóa nhanh chóng kể từ những năm 1980. Các khoản tiền từ các thành phố chuyển về khu nông thôn giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, và giúp nhiều người thoát nghèo.
“Khi dịch bệnh xảy ra, một số lao động nhập cư sẽ trở về quê nhà để giảm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, miễn là có cơ hội ở thành phố, 80% trong số họ sẽ trở lại vì không có công việc cho họ ở nông thôn”, ông Li cho biết.
Lê Vy (theo SCMP)
Xem thêm:
The post Ác mộng thất nghiệp tại Trung Quốc: Điều tồi tệ nhất vẫn chưa tới appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-25 23:00:02