Một nhóm chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Moscow (NUST MISIS) đã chế tạo thành công một loại vật liệu giúp các phương tiện chiến đấu tàng hình.
Theo tạp chí khoa học nhà nước Nga Physical Review, loại siêu vật liệu giúp các phương tiện chiến đấu tàng hình kể trên là một hợp chất được sở hữu thuộc tính vốn không tồn tại trong tự nhiên. Nó có khả năng “điều khiển” các sóng điện từ bằng phương pháp ngăn chặn, hấp thụ, tăng cường, đồng thời “bẻ cong” chúng, khiến cho những vật thể được bao trùm bởi chất liệu này không bị phát hiện.
Siêu vật liệu có khả năng giúp các phương tiện chiến đấu trở nên tàng hình trước các hệ thống nhận tín hiệu của đối phương. Trong ảnh là xe tăng T-90 của Nga. |
Loại siêu vật liệu nói trên có thể được sử dụng rộng rãi trong việc phát triển những loại vũ khí mới và thiết kế các siêu máy tính, nơi những tín hiệu điện thông thường sẽ mở đường cho những tín hiệu quang tử.
Tạo ra loại chất liệu độc nhất vô nhị kể trên là thành quả lao động và hợp tác chặt chẽ giữa nhóm nghiên cứu từ NUST MSIS và các đồng nghiệp ở Đại học Crete, Hy Lạp.
Năm 2016, Nga và Hy Lạp đã ký một bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu công nghệ lượng tử và cùng nhau cấp vốn cho dự án trên, trong đó có cả việc nghiên cứu các loại siêu vật liệu.
Giám đốc dự án, ông Alexei Basharin cho hay: “Một phần thí nghiệm trong nghiên cứu của chúng tôi là tạo ra một loại siêu vật liệu duy nhất, bao gồm một tấm lưới phẳng với mắt lưới siêu nhỏ, được gọi là siêu phân tử. Tấm lưới này được tạo ra từ một tấm thép thông thường”.
Ông Alexei Basharin cầm trên tay một miếng siêu vật liệu. |
Theo ông Basharin, nhờ vào hình dạng và cấu tạo đặc biệt của những phân tử này, các nhà khoa học đã chế tạo thành công loại siêu vật liệu có tính chất rất độc đáo. Siêu vật liệu này có thể được dùng để chế tạo những bộ cảm biến siêu nhạy, giúp phát hiện chất nổ và vũ khí hóa học.
“Nếu bổ sung thêm một chất bán dẫn phi tuyến sẽ biến siêu vật liệu trên thành một màn hình có thể điều chỉnh được cho những công nghệ tàng hình, có thể biến những phương tiện chiến đấu trở nên khó nhận diện hơn đối với sóng radio, hồng ngoại hoặc những loại sóng khác”, NUST MISIS cho biết trong một tuyên bố.
Bên cạnh đó, loại siêu vật liệu mới này cũng có thể trở thành nguyên tố quan trọng trong các loại vũ khí laser và làm nền tảng cho máy tính lượng tử.
Theo NUST MISIS, Công ty Truyền thông Vệ tinh Nga (RSCC) và các cơ quan không gian có liên quan đã bày tỏ sự hứng thú của họ đối với loại siêu chất liệu mới này.
Nhờ những lợi thế về công nghệ tàng hình, Nga còn gây bất ngờ khi tuyên bố có thể phát triển loại cầu lắp ghép tự động có khả năng tàng hình trước các hệ thống dò tìm của đối phương nhằm tăng cường khả năng sống sót cho binh lính và thiết bị quân sự khi đi qua cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Bulgakov cho biết, cầu cũng được thiết kế có thể lắp ráp nhanh chóng, nhẹ nhưng lại có trọng tải lớn và có thể kéo dài hơn. Một ưu điểm khác của cầu là chi phí bảo dưỡng và vận hành rất rẻ và độ bền cao. Nhà thầu chính thực hiện dự án cầu tàng hình này là Học viện Hậu cần quân đội Khrulev.
Hiện tại, trên thế giới, nhiều quốc gia đang tích cực phát triển công nghệ tàng hình để ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Là một trong những nước có quân đội mạnh mẽ nhất thế giới, Nga đang không ngừng đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng này.
Xem thêm: IS tìm được điểm yếu khiến tăng Leopard 2 mất khả năng ‘bất bại’
Danh Tuyên
2017-01-28 15:40:10