Hải quân Australia đang được chính phủ nước này đầu tư rất mạnh nhằm đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới. Và tàu khu trục Hobart ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu này.
Australia là một nước lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Mặc dù khu vực châu Á được đánh giá sẽ là trọng tâm của thế giới trong tương lai. Nhưng những năm qua khu vực này luôn tồn tại những vấn đề căng thẳng trong việc tranh chấp lãnh hải giữa một số quốc gia.
Chính vì thế, các nước ở khu vực châu Á trong thời gian qua đã rất coi trọng và tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân. Và Hải quân Australia cũng không ngoại lệ, lực lượng này đang được chính phủ Australia đầu tư rất mạnh mẽ nhằm đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới.
Và năm nay, lực lượng hải quân Australia được trang bị phiên bản tàu khu trục lớp Hobart hiện đại.
Vào năm 2003, Bộ quốc phòng Australia đã lên kế hoạch trang bị 3 tàu khu trục lớp Hobart cho lực lượng hải quân trong tương lai. Kinh phí của dự án xây dựng 3 tàu khu trục này tiêu tốn khoảng gần 7 tỷ đô la Mỹ.
Tham gia dự án là các công ty đến từ các nước đồng minh thân cận của Australia như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha. Các chuyên gia vũ khí khẳng định, tàu khu trục lớp Hobart sẽ là một trong những chiếc tàu khu trục hiện đại hàng đầu thế giới.
Hình ảnh mô hình tàu khu trục lớp Hobart của Australia. |
Công ty Navantia của Tây Ban Nha đã thắng thầu trong phân khúc chế tạo phần thân tàu cho 3 khu trục lớp Hobart. Công ty Navantia là một công ty nổi tiếng và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các tàu khu trục. Navantia chính là nhà phát triển tàu khu trục F-100 hiện đại của Hải quân Tây Ban Nha.
Theo một số nguồn tin, thân của tàu khu trục lớp Hobart được xây dựng trên nền tảng của thân tàu F-100 và thân của Hobart được định dạng bằng 31 mô đun chức năng khác nhau, rất thuận tiện cho việc bảo trì, bảo dưỡng.
Và trong tương lai, các mô đun có thể sẽ được thay thế bằng các modul có chức năng khác để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới của Hải quân mà không cần thiết phải đóng mới hoàn toàn con tàu.
Công nghệ mô đun đang được áp dụng hầu hết vào việc xây dựng các chiến hạm hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Phiên bản hiện đại
Một trong những ưu điểm hàng đầu của tàu khu trục lớp Hobart đó là tàu được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Aegis 7.1, đây là phiên bản mới nhất, hiện đại nhất của Mỹ cung cấp cho các đồng minh của mình.
Hệ thống Aegis là viết tắt của cụm từ Airbonne Early-waring Ground Intergration Segment (Bộ phận hợp nhất các thông tin cảnh báo sớm từ đường không và trên mặt đất), và hiện nay Aegis được trang bị cho tất cả các tàu khu trục hiện đại của lực lượng Hải quân Mỹ.
Aegis là một hệ thống chiến đấu công nghệ cao tích hợp đồng nhất bao gồm các hệ thống như: hệ thống vũ khí Aegis và hệ thống dữ liệu và kiểm soát Aegis, hệ thống radar Aegis.
Hệ thống chiến đấu Aegis là một khái niệm về công nghệ phát hiện, theo dõi, cảnh báo và tấn công chính xác các mục tiêu với các giai đoạn xử lý cực kỳ tinh vi, hiện đại và vô cùng phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật phải rất tiên tiến.
Đến nay, Aegis vẫn là hệ thống chiến đấu toàn năng duy nhất trên thế giới. “Trái tim” của Aegis 7.1 trên tàu khu trục Hobart là Radar quét mạng pha điện tử chủ động AN/SPY-1D(V).
Radar này có khả năng phát hiện và theo dõi tới 200 mục tiêu cùng lúc, sự đáng sợ một cách khủng khiếp ở chỗ loại Radar này có thể phát hiện được mục tiêu có đường kính chỉ bằng quả Bóng nhỏ (gần 20 cm) ở cự ly lên tới 160 km và ngoài ra AN/SPY-1D(V) có thể phát hiện các loại tên lửa của đối phương, kể cả tên lửa đạn đạo ở phạm vi hơn 300 km.
Bên cạnh đó, tính năng siêu việt của AN/SPY-1D(V) là khả năng nhận dạng và phân biệt chính xác các mục tiêu trong các địa hình phức tạp, ví dụ như khu vực ven bờ (tức là các mục tiêu nằm trong khu vực vừa núi, đảo, gần bờ). Đây là điều mà radar trên tàu khu trục trước đây của Australia không thể có.
Tích hợp đồng bộ với Radar AN/SPY-1D(V) là tên lửa phòng không Sea Sparrow phiên bản cải tiến và tên lửa đánh chặn các mục tiêu trên không siêu chính xác như tên lửa SM-2 và SM-3 block 1A của Mỹ.
Tên lửa SM-3 block 1A có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo liên lục địa ở phạm vi tới 500km và ở độ cao tới 160km, hệ thống tên lửa đối không tầm xa SM-2 tầm bắn lên tới 170km, tầm cao 24km chuyên tiêu diệt các loại máy bay.
Hình ảnh đồ họa của tàu khu trục lớp Hobart. |
Bên cạnh các hệ thống phòng không vào loại uy lực hàng đầu thế giới, tàu khu trục lớp Hobart còn được trang bị hàng loạt các loại vũ khí chống hạm và chống ngầm tối tân.
Cụ thể là 8 hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa MK41 của Mỹ với 48 ống phóng. Các ống phóng này được thiết kế theo định dạng mô đun để có khả năng phóng được nhiều loại tên lửa có trọng lượng, kích thước khác nhau.
Phiên bản tên lửa chống hạm Harpoon Project RGM-84L Block 2 mà nó mang theo có thể tiêu diệt gọn những chiến hạm hiện đại nhất hiện nay.
Ngoài ra, tàu khu trục lớp Hobart cũng được trang bị pháo chính cỡ nòng 127 mm MK45 Mod4 của Công ty BAE Systems Anh, MK45 Mod4 sử dụng nhiều loại đạn và có vận tốc bắn khá nhanh.
Ở hai mạn tàu Hobart còn lắp ống phóng ngư lôi MK32 Mod 9, có thể phóng ngư lôi săn ngầm MU90 do công ty ngư lôi châu Âu phát triển có tầm bắn 40 km.
Loại ngư lôi hạng nặng này đủ uy lực để khiến mọi tàu ngầm của đối phương phải khiếp sợ. Tàu khu trục lớp Hobart còn mang theo một máy bay trực thăng MH-60R, thực hiện nhiệm vụ chống hạm và chống tàu ngầm.
Có một số nguồn tin còn cho rằng, tàu khu trục Hobart còn được trang bị cả các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk của Mỹ. Tomahawk có tầm bắn trung bình lên đến 2000 km dùng để tấn công các mục tiêu trên đất liền với độ sai số chỉ vào khoảng 3-5 mét.
Tàu khu trục lớp Hobart còn được trang bị hệ thống liên kết, truyền tải và phân tích dữ liệu đa kênh cho phép cập nhật liên tục các thông tin ở thời gian thực từ hệ thống vệ tinh toàn cầu của Mỹ, giúp cho hệ thống tác chiến trên tàu luôn có đầy đủ và nhanh nhất tất cả thông tin về diễn biến tình hình khu vực xung quanh, trong phạm vi nó đang kiểm soát.
Theo các chuyên gia quân sự thì với việc lực lượng hải quân Australia trang bị 3 tàu khu trục lớp Hobart khi kết hợp với các tàu khu trục Aegis của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là quá đủ để tạo nên một lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo hoàn hảo không chỉ cho toàn lãnh thổ Australia mà bao gồm cả một phần lãnh thổ của Mỹ.
Tàu khu trục Hobart quá đa năng, không những đảm bảo được nhiệm vụ trên biển mà chúng còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo cho toàn lãnh thổ Australia. Một điểm mà không phải tàu khu trục nào cũng đảm trách được nhiệm vụ phức tạp trên.
Tiến Phương
2017-01-28 04:00:09
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/kham-pha-suc-manh-dang-ne-cua-tau-khu-truc-hobart-a313783.html