Số tiền 221 triệu USD mà chính quyền ông Obama gửi cho Palestine vài giờ trước khi ông Trump nhậm chức nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo ở khu Bờ Tây và Dải Gaza cũng như giúp Palestine cải tổ an ninh…
Theo tin từ Business Insider, các quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền cựu Tổng thống Obama đã lặng lẽ chuyển 221 triệu USD cho giới chức Palestine trong những giờ cuối cùng tại nhiệm của ông mặc sự phản đối của đảng Cộng hòa.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và một vài cố vấn của Quốc hội Mỹ cho biết chính quyền của ông Obama chỉ chính thức thông báo cho Quốc hội việc sử dụng số tiền này vào sáng 20/1, chỉ vài giờ trước khi ông Donald Trump nhậm chức.
Ngoài 221 triệu USD chuyển cho chính quyền Palestine, chính quyền Obama còn chi 6 triệu USD cho các vấn đề đối ngoại, bao gồm 4 triệu USD cho các chương trình biến đổi khí hậu và 1,25 triệu USD cho các tổ chức của Liên hợp quốc.
Cựu Tổng thống Mỹ Obama. |
Theo thông báo của chính quyền Obama, khoản tiền được chuyển đi từ Cục Phát triển Quốc tế Mỹ được sử dụng cho mục đích hỗ trợ nhân đạo ở khu Bờ Tây và Dải Gaza cũng như cung cấp cho nhà chức trách Palestine để ủng hộ về mặt chính trị và cải tổ an ninh, giúp chuẩn bị cho sự điều hành của chính phủ, luật pháp ở nhà nước Palestine trong tương lai.
Lưỡng viện Mỹ ban đầu thông qua việc cung cấp tiền cho Palestine lấy từ ngân sách các năm 2015 và 2016. Tuy nhiên, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa là Ed Royce của bang California, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Đối ngoại của Hạ viện và Kay Granger của bang Texas, thành viên Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện đã phản đối chi tiền.
Mặc dù nhánh hành pháp Mỹ thông thường sẽ tôn trọng việc lưỡng viện giữ lại các khoản tiền song quyết định đó của lưỡng viện sẽ không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý sau khi các khoản tiền được chuyển đi.
Chính quyền của cựu Tổng thống Obama và chính quyền của tân Tổng thống Donald Trump luôn có quan điểm khác nhau về vấn đề hòa giải Palestine và Israel.
Trong khi chính quyền ông Obama cũng như hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc đều không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Còn ông Trump suốt chiến dịch tranh cử luôn khẳng định rằng chính quyền Mỹ dưới thời của ông sẽ công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia tách của Israel. Điều này đã thổi bùng lên làn sóng phản đối của người Palestine.
Đó là lý do mà ông Trump khi vừa nhậm chức đã quyết định chuyển Đại sứ quán của Mỹ ở Tel Aviv tới Jerusalem, đồng thời chỉ định ông David Friedman làm Đại sứ nước này tại Israel. Ông Friedman là một luật sư, ủng hộ việc đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem và có tư tưởng ủng hộ việc mở rộng các khu định cư tại khu Bờ Tây bị người Do Thái chiếm đóng trái phép.
Tổng thống đương nhiệm Trump và cựu Tổng thống Obama. |
Trước đó, hôm 6/1, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã cảnh báo ông Donald Trump rằng việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel tới Jerusalem sẽ vượt qua “giới hạn đỏ” và gây nguy hiểm đối với các triển vọng hòa bình.
Kể từ khi lên cầm quyền, cựu Tổng thống Obama đã nhiều lần khẳng định ủng hộ của Mỹ với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền tồn tại song song với Israel.
Tổng thống Obama từng phát biểu rằng “người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước độc lập, có chủ quyền và chấm dứt sự chiếm đóng của Israel,” đồng thời nhấn mạnh đàm phán trực tiếp giữa hai bên là con đường để đạt được mục đích thành lập một nhà nước Palestine.
Ông Obama từng có nhiều nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Ông luôn ” tin tưởng về triển vọng có một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh một nhà nước Do Thái.”
Theo giới bình luận, khoản tiền được chính quyền Obama chuyển cho Palestine vào những phút cuối tại nhiệm của ông Obama nhiều khả năng sẽ chọc giận một số thành viên trong lưỡng viện cũng như Nhà Trắng của ông Trump.
Xem thêm >> Lý do Điện Kremlin đặt cược vào thời đại của Trump dù biết mạo hiểm
Thanh Hiền
2017-01-25 17:40:08