Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư Philippines trong vụ kiện với Trung Quốc tiết lộ, mọi việc rất khó khăn với Manila khi Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện.
Với suy nghĩ của nhiều người, có vẻ như đội ngũ pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về tuyên bố ở Biển Đông đã khá dễ dàng đưa mọi diễn biến theo ý mình sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia quá trình tố tụng.
Nhưng ngược lại, theo Paul Reichler, Trưởng đoàn luật sư của Manila, công việc của ông và các cộng sự đã trở nên khó khăn hơn khi Bắc Kinh không chịu tham gia vụ kiện.
Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư biện hộ cho Philippines. |
“Điều này biến các thẩm phán phải trở thành luật sư cho phía Trung Quốc”, Reichler nói trong một cuộc phỏng vấn điện thoại hôm 13/7 sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở Hague đưa ra một quyết định có lợi cho Manila.
“Họ phải đảm nhiệm công việc của luật sư của Trung Quốc và cố gắng đưa ra các bằng chứng mà họ cho rằng nếu như Trung Quốc tham gia vụ kiện thì nước này cũng sẽ trình bày như vậy”, Reichler tiết lộ.
Hội đồng 5 thẩm phán trong vụ kiện đường chín đoạn bao gồm Thomas Mensah người Ghana, Jean-Pierre Cot người Pháp, Stanislaw Pawlak người Ba Lan, Alfred Soons người Hà Lan và Rüdiger Wolfrum người Đức.
Theo Reichler, tất cả đều là những chuyên gia về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển. Một hiệp ước mà cả Philippines và Trung Quốc đều ký kết.
Nói về việc phải đấu lại với cả 5 vị thẩm phán dưới danh nghĩa là luật sư của Trung Quốc, trưởng phái đoàn luật sư Manila thừa nhận rằng “mình đã phải đấu với những luật sư giỏi nhất thế giới” đại diện cho Trung Quốc.
Trung Quốc không tẩy chay các thủ tục tố tụng hoàn toàn, Reichler lưu ý. Bắc Kinh đã đệ trình một dự thảo ngắn gọn trong tháng 12/2014 về câu hỏi liệu tòa án có thẩm quyền phán xét trong vấn đề này hay không. “Họ đưa ra 4 đến 5 luận điểm. Đó là bản dự thảo tốt”, ông nói.
“Tòa án đã xem xét các luận điểm đó và họ phát triển một loạt các lập luận khác mà Trung Quốc có khả năng sẽ đưa ra” nếu nước này tham gia đầy đủ vào vụ kiện.
Sau khi tòa án quyết định rằng có thẩm quyền xét xử vụ kiện, thủ tục tố tụng chuyển đến các câu hỏi thực tế. Các tranh luận này sẽ là bước cuối cùng mà đoàn luật sư của cả hai bên thực hiện.
Trong vụ kiện, tòa án đã cho phép mở rộng biện hộ bằng văn bản bổ sung sau khi kết thúc phần tranh tụng của Philippines. Nước này đã trình thêm các tài liệu và bằng chứng từ phía Đài Loan.
Phía Đài Loan đã lập luận rằng, Ba Bình (thuộc chủ quyền Việt Nam) không chỉ là đá và luôn nổi kể cả ở thời điểm thủy triều lên cao, nó còn là một hòn đảo có khả năng duy trì sự sống tự nhiên của con người. Điều đó cho phép Ba Bình được hưởng vùng lãnh hải 200 hải lý của vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên tòa án đã bác bỏ lập luận của Đài Loan khi phán quyết rằng Ba Bình không phải là đảo tự nhiên có khả năng duy trì sự sống của con người nếu không có sự cải tạo từ Đài Loan. Do đó nó chỉ được quyền hưởng quy chế 12 hải lý.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Reichle đã lên tiếng bác bỏ lời vu cáo của truyền thông khi nói Mỹ đứng sau sắp đặt vụ kiện giúp Philippines. Ông cũng khẳng định chuyên môn của mình thông qua sự thành công trong các vụ kiện tương tự.
Trước đó Trung Quốc phàn nàn rằng trường hợp vụ kiện của Manila với Bắc Kinh là một phần âm mưu của phương Tây. Washington và Manila là đồng minh lâu năm và gần đây đã tăng cường hợp tác quân sự.
Ông nhắc lại hồi những năm 1980 mình đã giúp Nicaragua thắng một vụ kiện tương tự chống lại Mỹ và ngay cả một số quan chức chính phủ Mỹ hiện nay vẫn còn dị nghị với ông vì điều này.
“Mỹ đã rất ngạc nhiên về vụ kiện của Philippines”, ông nói. “Họ không ngờ rằng Manila sẽ làm điều này”.
Đọc thêm>>> Trung Quốc bác bỏ lời khuyên của Mỹ làm theo gương Ấn Độ
Minh Vũ