Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã nói về tương lai u tối của EU khi cho rằng tổ chức này mở rộng quá nhanh nên sẽ sớm thất bại.
Trong khi cả thế giới còn đang bàn tán về những nguyên nhân khiến người Anh muốn rời khỏi châu Âu, những mâu thuẫn nội tại của EU và triển vọng của tổ chức này trong tương lai thì cố Thủ tướng Lý Quang Diệu lại là một trong những người đã từng cảnh báo điều này từ vài năm trước.
Trong thời gian cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu lan rộng tại châu Âu vào năm 2009 ông Lý Quang Diệu đã nhiều lần được đề nghị cho biết quan điểm của mình về tình hình tại châu lục này. Ông đã thể hiện mình có một cái nhìn bao quát, có chiều sâu và sự hiểu biết tường tận về EU.
Cựu thủ tướng của Singapore Lý Quang Diệu (phải) và cựu thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt trong cuộc gặp ở Singapore hồi năm 2012. |
Tháng 9/2011, Ông Lý trong một cuộc đối thoại đã dự báo sự sụp đổ liên minh tiền tệ ở châu Âu, và nói rằng đó sẽ là “một công việc đầy đau đớn”, nhưng một châu Âu bình đẳng với mọi thành viên là điều quá khó. Khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã bước sang năm thứ hai.
Tại cuộc nói chuyện tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore ông đánh giá rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nỗ lực hết sức để tránh cho đồng Euro sụp đổ, điều đó cũng thể hiện rằng “lý tưởng của họ về một châu Âu thống nhất là không thể đạt được”. “Tôi không nhìn thấy triển vọng họ sẽ cứu được nó. Mặc dù vậy họ sẽ cố gắng và đang tiếp tục làm việc này”, ông nói thêm.
Khi được một người hỏi rằng Singapore có mua trái phiếu của các nước châu Âu đang chìm trong nợ nần hay không, ông Lý khẳng định GDP của Singapore chỉ bằng một phần của EU, và “không đủ để cứu được châu Âu. Tôi cũng không nghĩ rằng việc mua trái phiếu của họ sẽ đồng nghĩa với cứu được họ”.
Nhà lãnh đạo kỳ cựu nhận định rằng chính đồng tiền chung euro chính là căn nguyên của vấn đề: “Vấn đề cơ bản của đồng Euro là nó khiến cho mọi quốc gia trong khối này bắt buộc phải bước đi cùng một nhịp, trong khi đó điều này không thể. Bạn không thể mong đợi người Hy Lạp có thể đuổi cùng nhịp của một người Đức”.
“Cuối cùng tôi cũng không biết khi nào lý tưởng của EU sẽ thành hiện thực. Nhưng với một châu Âu phân tầng thành hai, ba nhóm với những thói quen chi tiêu, tiết kiệm khác nhau, việc hợp nhất là quá khó để đạt được.
Ông Lý cũng cho biết ông không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hứng thú với việc “giải cứu châu Âu chỉ vì lợi ích của lục địa này. Họ chỉ quan tâm tới việc mua trái phiếu châu Âu giá rẻ và đem lại cho họ lợi nhuận lớn”.
Báo cáo tại thời điểm đó ước tính khoảng 1/4 dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể là đồng Euro.
Trong một cuộc phỏng vấn cùng cựu thủ tướng Tây Đức Helmut Schmidt với tờ Die Zeit hồi tháng 5/2012, trước câu hỏi liệu mô hình EU có phải là một nguồn cảm hứng cho thế giới khi Liên minh này đã nắm tay nhau bước qua hai cuộc thế chiến, Lý Quang Diệu đã trả lời một cách dứt khoát theo quan điểm của mình là không.
“Tôi không xem EU như là niềm cảm hứng cho thế giới. Tôi thấy đó là một doanh nghiệp đã được hình thành một cách sai lầm bởi nó đang mở rộng quá nhanh và có thể sẽ thất bại”, cựu lãnh đạo Singapore nói.
Khi được phóng viên hỏi thêm rằng, vậy có nghĩa là châu Á không thể học hỏi gì từ sự hội nhập của châu Âu, ông Lý cũng nói thêm rằng “châu Á cần đi từng bước một và vấn đề ở đây là vị thế áp đảo của Trung Quốc”.
Ngoài ra, trong cuốn sách “Lý Quang Diệu: Cách nhìn thế giới” được xuất bản năm 2013, ông Lý cũng từng bàn nhiều về châu Âu. Trong đó ông đã nói về vấn đề người nhập cư nhức nhối hiện nay mà EU đang phải đối mặt – một trong những nguyên nhân chính khiến dẫn đến cuộc trưng cầu Brexit ở Anh:
“Châu Âu không thể dừng dòng người nhập cư bởi họ là những người đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của khu vực. Do đó chính phủ các nước châu Âu sẽ còn để cho người nhập cư tràn vào quốc gia mình chừng nào họ còn có thể, và sẽ chỉ dừng lại khi đối mặt với sự phản đối của các phe đối lập trong các cuộc bầu cử”.
Đọc thêm>>> Brexit đang mở đường cho Rentry – Nga gia nhập EU?
Ông Lý Quang Diệu cho rằng lý tưởng về sự đồng nhất của EU là không thể và vị thế của châu Âu trên trường quốc tế sẽ ngày một yếu đi so với các cường quốc khác trên thế giới:
“Trước áp lực của các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc và sau này có thể là Ấn Độ, châu Âu sẽ chỉ là diễn viên phụ trong trật tự thế giới. Đa phần các quốc gia châu Âu sẽ chỉ có vị thế tương tự như bất kỳ quốc gia nhỏ nào khác trên thế giới. Với tiềm lực của mình, nước Đức có thể một mình gánh vác trọng trách, nhờ quy mô dân số và thành công về kinh tế. Còn người Anh sẽ giữ được một số ảnh hưởng nhờ mối quan hệ đặc biệt với Mỹ.
Châu Âu không thể hy vọng có tiếng nói trọng lượng tại bàn đàm phán bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, cho dù các lãnh đạo châu Âu hiện nay vẫn chưa muốn tin vào điều đó”.
Minh Vũ