Vụ đánh bom sân bay ở Istanbul lời nhắc nhở đối với ông Erdogan rằng đã đến lúc Thổ Nhĩ Kỳ cần phải chấm dứt hành động thù địch với người Kurd để tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống IS.
Theo Guardian, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đầu là Thủ tướng Binali Yildirim đã đổ lỗi cho vụ đánh bom sân bay Istanbul là do Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành. Cuối tháng 10 năm ngoái, phiến quân IS từng đánh bom một cuộc tuần hành ôn hòa ở Ankara, khiến 103 người thiệt mạng. Đây cũng là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu như những nghi vấn này là chính xác, nó lại một lần nữa dấy lên những câu hỏi về thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với IS, nhóm phiến quân kiểm soát một khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq cũng như lôi kéo được mạng lưới ủng hộ rộng rãi ở bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá bởi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã làm ngơ trước mối nguy IS. |
Vấn đề cơ bản là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quá tin vào mối đe dọa của người Kurd ở khu vực phía đông nam so với phiến quân IS. Nhận thức này đã dẫn đến những cáo buộc rằng Ankara hỗ trợ IS hay tồi tệ hơn là giúp cho khủng bố trỗi dậy vào năm 2014.
Những cáo buộc vốn không được chứng minh này, nằm trong bản danh sách do Đại học Columbia ở New York công bố. Theo đó, người Hồi giáo dòng Sunni ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bí mật cung cấp, đào tạo, tài trợ và hỗ trợ các chiến binh IS trong cuộc chiến chống lại người Kurd, chính phủ Syria và người Shia ở Iraq.
Việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp cung cấp vũ khí cho IS có vẻ là điều phi thực tế. Nhưng nếu Ankara đòng vai trò trung gian, tham gia vào các hoạt động buôn lậu dầu mỏ của IS từ Iraq và Syria lại đáng tin cậy hơn cả.
Năm 2014, thủ lĩnh đảng Nhân dân Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (CHP) Kemal Kılıçdaroğlu đã công bố tài liệu nhằm chứng minh rằng, Ankara đã cung cấp vũ khí cho các nhóm đối lập chống chính phủ Syria, chứ không phải hỗ trợ IS.
Chính phủ của tổng thống Erdogan cũng bị cáo buộc hỗ trợ nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra, do Saudi Arabia, đồng minh của Ankara hậu thuẫn. Tuy vậy, al-Nusra bị Mỹ và Anh coi là khủng bố. Hai quốc gia này cũng là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, ông Erdogan cũng bị các đối thủ chính trị cáo buộc gián tiếp hỗ trợ IS, từ chối ủng hộ lực lượng dân quân người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq. Ông Erdogan nhiều lần tuyên bố Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và lực lượng peshmerga không hơn những kẻ khủng bố, nằm cùng danh sách với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã khôi phục lại mâu thuẫn dai dẳng với PKK vào mùa hè năm ngoái. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét các thị trấn của người Kurd ở đông nam nước này, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên và cả dân thường.
Bạo lực đã tạo nên làn sóng tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu mềm ở Istanbul do nhóm nổi dậy “Diều hâu tự do người Kurd” (TAK) có liên hệ với PKK tiến hành. Thổ Nhĩ Kỳ coi TAK là tổ chức khủng bố và cần phải bị tận diệt hơn bao giờ hết.
Trong những tháng gần đây, dù phiến quân IS đứng đằng sau nhiều vụ tấn công khủng bố ở Ankara nhưng chính phủ nước này luôn tìm cách đổ lỗi cho người Kurd, làm phức tạp cuộc chiến chống IS. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thừa nhận sự liên quan của IS sau khi có bằng chứng không thể chỗ cái về việc phiến quân Hồi giáo lên kế hoạch tấn công ở Ankara hồi tháng 10 năm ngoái.
Tổng cộng có 36 nghi can đứng trước mức án tù tổng thể lên tới 11.750 năm, theo các công tố viên ở Ankara. Có khả năng IS đứng sau vụ đánh bom sân bay Istanbul ngày 28/6 nhằm đáp trả làn sóng bắt giữ và nã pháo của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các mục tiêu của phiến quân ở Syria.
Mặc dù IS ban đầu có thể muốn thân thiện với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhóm khủng bố này ngày càng bị thuyết phục bởi tư tưởng coi Ankara là kẻ thù, nằm trong “liên minh thập tự chinh” do Mỹ dẫn đầu.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể phản biện lại quan điểm nói IS hình thành mạng lưới bí mật bên trong nước này. Nhưng những vụ bắt giữ gần đây lại cho thấy điều ngược lại. Ankara cũng không chấp nhận rằng, hệ thống an ninh và việc hu thập thông tin tình báo chống khủng bố đã thất bại hay nước này đang bị kéo vào vòng xoáy nội chiến Syria. Dù những bằng chứng củng cố điều này càng không thể chối cãi.
Dường như việc ông Erdogan luôn muốn đổ lỗi cho mọi thứ tồi tệ xảy ra là do người Kurd. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải trả giá vì tổng thống đã làm ngơ trước mối đe dọa Hồi giáo cực đoan. Theo Guardian, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần phải xóa bỏ mâu thuẫn còn tồn tại và tập trung toàn lực đối đầu với IS.
Hồi tuần này, Ankara đã bắt đầu cải thiện quan hệ với Nga và Israel. Đây là hai nhân tố chống IS mạnh mẽ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường hợp tác trong hoạt động tuần tra biên giới trên không với NATO. Những dấu hiệu này cho thấy Ankara đang thay đổi.
Hệ quả của một sự thay đổi như vậy là ông Erdogan sẽ phải tạm ngừng cuộc chiến chống PKK, tái thiết lệnh ngừng bắn và chấp nhận rằng, cái giá để hợp nhất các lực lượng chống IS và ngăn chặn sự tàn sát ở Syria là việc đạt được giải pháp toàn diện với người Kurd.
Đăng Nguyễn