Cuộc họp ba bên ở Tehran mới đây đã hé lộ những rạn nứt trong mối quan hệ Nga – Iran, đặc biệt đối với lợi ích riêng mà Moscow và Tehran mong muốn đạt được khi can thiệp quân sự vào Syria.
Ngày 10/6, Iran đã tổ chức cuộc họp ba bên với Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Syria. Trong cuộc thảo luận ở Tehran, ba bộ trưởng quốc phòng đã thể hiện quyết tâm “tiếp tục hoạt động quân sự cho đến khi khủng bố bị quét sạch tân gốc”, đặc biệt là ở Syria.
Thiếu tướng Hossein Dehghan, Bộ trưởng Quốc phòng Iran cũng bày tỏ quan ngại về lệnh ngừng bắn ở Syria, đặc biệt là tại mặt trận Aleppo. “Chúng tôi đồng ý với một lệnh ngừng bắn mà không dẫn đến việc khủng bố củng cố sức mạnh trong khu vực”.
Theo al-Monitor, tuyên bố của ông Dehgan ám chỉ việc phe đối lập chống chính phủ Syria, nhóm Jaish al-Fatah tấn công ngôi làng Khan Tuman ngày 7/5, khiến 13 sỹ quan Iran thiệt mạng và nhiều người khác bị bắt làm con tin. Bên cạnh đó, nhiều thành viên trong lực lượng Green Berets của Iran cũng bị tổn thất nặng nề ở mặt trận Aleppo.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và người đồng cấp Iran Hossein Dehghan. |
Sự việc xảy ra ngày 7/5 là vụ tấn công quy mô nhất nhằm vào lực lượng Iran và cũng là trận đánh có số binh sĩ Iran thiệt mạng lớn nhất kể từ khi Tehran can thiệp vào cuộc nội chiến Syria. Kể từ đó, lập trường ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Syria của Iran có phần dao động. Tehran cho rằng Nga sẵn sàng theo đuổi các mục đích riêng bất chấp việc Iran phải hứng chịu những tổn thất, theo al-Monitor.
Bên cạnh đó, các quan chức chính trị và quân sự Iran bắt đầu bày tỏ quan điểm nghi ngờ về mục tiêu lâu dài của Nga ở Syria. Mục tiêu quan trọng nhất, duy trì tuyến đường tiếp tế đến Liban của Iran cũng bị cắt đứt trong khi Tehran đã tiêu tốn 9 đến 15 tỷ USD ở Syria kể từ năm 2011. Đó là lý do vì sao giới chức Iran không còn hoàn toàn tin tưởng vào Nga.
Trong vòng hai tháng qua, Iran cũng bày tỏ sự ngờ vực với đối tác chiến lược Nga, sau báo cáo rằng Moscow và Washington đã đạt thỏa thuận bí mật. Theo thỏa thuận này, Nga chấp nhận lệnh ngừng bắn mà không thông báo với Iran trong khi tạm ngừng không kích các nhóm đối lập, bao gồm cả Jabhat al-Nusra.
Al-Monitor nhận định, Iran muốn khẳng định vị thế trong cuộc chiến Syria bằng việc tổ chức cuộc họp ba bên tại Tehran. Iran cũng không chấp nhận rút lui cho đến khi tất cả các mục tiêu đã được hoàn thành. Ngay cả quan hệ Syria và Nga cũng có dấu hiệu rạn nứt. Trong một thông điệp gửi đến Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhấn mạnh rằng ông sẽ không hài lòng nếu không giành được chiến thắng ở Aleppo.
Mặc dù Moscow coi việc tương tác với Washington mang ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn là tập trung vào lợi ích chiến thuật nhưng mục đích của Nga Syria cũng không thể đạt được nếu như không hợp tác với Tehran và Damascus.
Đó là lý do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến Iran tham dự cuộc họp ba bên ngày 10/6. Nguồn tin Iran nói với al-Monitor cho biết, ông Shoigu đã lấy làm tiếc vì sự việc xảy ra ở Khan Tuman và vì Iran không được thông báo về lệnh ngừng bắn ở Aleppo.
Quan trọng hơn, ông Shoigu nói rằng Nga hoàn toàn cam kết hợp tác với Iran trên mọi phương diện chính trị và quân sự. Mặc dù cam kết này của Nga phù hợp với mục tiêu chiến thuật của Iran và Hezbollah nhưng nó không thể xóa nhòa sự bất đồng giữa hai nước.
Al-Monitor nhận định, những bất đồng giữa Tehran và Moscow trọng mục tiêu địa chính trị ở Syria nằm ở chỗ, cái giá mà hai bên phải trả để đạt được một thỏa thuận toàn diện, hợp tác lâu dài là quá lớn. Nga chỉ muốn duy trì chính phủ Syria cũng như căn cứ quân sự Hmeymim và cảng Tartus ở phía Đông Địa Trung Hải. Trong khi Iran lại muốn bảo toàn khu vực phía nam Syrira, giúp cho nước này có thể tiếp tục duy trì sự ủng hộ đối với nhóm vũ trang Hezbollah ở Liban.
Iran luôn lo ngại, một khi đã đạt được mục đích, Nga có thể quên mất lý do mà nước này chấp nhận gửi binh sĩ và vũ khí đến hỗ trợ đồng minh ở Syria.
Theo Al-Monitor, Tehran không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tuc hợp tác với Nga trong tương lai gần. Về lâu dài, Iran có thể sẽ phải tập trung toàn lực cho cuộc chiến Syria hoặc từ bỏ mục tiêu ban đầu. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi nội bộ ở Iran, đặc biệt là những phe phái vốn phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria.
Đăng Nguyễn