‘Chán’ khoa trương, Samsung và HTC tìm về sự đơn giản cho giao diện và tập trung vào nhu cầu của người dùng.
“Siêu phẩm” Samsung Galaxy S6
“Ông lớn” công nghệ Samsung đã tập trung vào việc đơn giản hóa giao diện TouchWiz trên Galaxy S6.
Trên “siêu phẩm” của mình, Samsung đã nỗ lực đơn giản hóa phần mềm được cài đặt sẵn trên chiếc Galaxy S6. Một nhân viên của Samsung cho biết: “Chúng tôi cố gắng loại bỏ các chức năng không cần thiết và đơn giản hóa giao diện người dùng”.
Theo đó, Samsung tập trung vào việc tăng cường một số tính năng cơ bản cũng như sẽ loại bỏ những tính năng không cần thiết trên dòng điện thoại mới của hãng.
Trước đây, một trong những lối mòn mà các sản phẩm của Samsung gặp phải chính là giao diện màn hình TouchWiz bị người dùng đánh giá là chưa thực sự thân thiện và hữu ích. Màu sắc của giao diện còn lòe loẹt, đặc biệt dựa trên khả năng tùy biến mở của Android gốc, Samsung đã “ra sức” bổ sung thêm các công cụ, phần mềm, tính năng, ứng dụng hỗ trợ trên TouchWiz nhiều khi trở nên rối rắm, phiền phức vì người dùng không có nhu cầu sử dụng.
Giao diện TouchWiz “tham lam” trên Galaxy Note 4
Do đó, mới đây, Galaxy S6 Edge Plus được trình làng chạy Android 5.1 mới nhất của Samsung với giao diện TouchWiz phẳng, đẹp, các ứng dụng không cần thiết được loại bỏ, chỉ còn lại những ứng dụng hữu ích trên màn hình chính. Nếu cần người dùng có thể sử dụng CH Play để tải về những ứng dụng mong muốn bằng tài khoản Samsung hoặc tài khoản Google một cách dễ dàng.
Sau Samsung, đến lượt HTC lại “tiếp bước” trong công cuộc đơn giản hóa giao diện và tập trung vào nhu cầu sử dụng của người dùng khi chỉ trang bị một số tùy biến nhẹ nhàng trên chiếc One A9 vừa ra mắt.
Giao diện Android được tối giản trên chiếc One A9 vừa ra mắt (Ảnh: The Verge)
Cụ thể, Nigel Newby-House – trưởng nhóm sản phẩm của HTC cho biết, công ty đang bắt đầu đơn giản hóa giao diện Sense. Ông yêu cầu các kỹ sư của HTC dừng việc tái thiết kế các icon, menu thay vào đó tập trung vào một vài tính năng đặc trưng của HTC như BlinkFeed, Zoe và các theme.
Như vậy, trong “cuộc chiến” smartphone của các “đại gia” làng công nghệ, cuộc chạy đua khoa trương thương hiệu đã nhường chỗ cho việc tập trung đơn giản hóa giao diện và thực sự quan tâm tới nhu cầu của người dùng.
K.Hương