Mỗi năm, hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm (của ngân sách Nhà nước và vốn xã hội hóa) bị trục lợi. Con số này ngày một gia tăng dần bởi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn.
Kiếm “bộn tiền”
Trao đổi với PV, ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm, bộ Tài chính cho biết, tin tức về số vụ trục lợi bảo hiểm được phát hiện ngày một tăng. Trong đó, hành vi trục lợi xảy ra ở hầu hết các loại hình, nghiệp vụ bảo hiểm. Vì thế, nó đang dần làm mất niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư…
Mỗi năm, hành vi trục lợi bảo hiểm gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng (Ảnh minh họa từ Internet)
Theo ông Nguyễn Minh Được, Giám đốc chi nhánh bảo hiểm miền Bắc: “Hiện nay, trục lợi bảo hiểm xảy ra nhiều nhất ở hai lĩnh vực, đó là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm y tế. Điển hình về thủ đoạn trục lợi bảo hiểm y tế thường là kê khai không trung thực về tình trạng bệnh tật, che giấu thông tin để được tham gia bảo hiểm hoặc tham gia với mức phí dành cho người bình thường. Mượn thẻ bảo hiểm y tế của người thân có tham gia bảo hiểm để tính chi phí bồi thường. Kéo dài thời gian nằm viện để hưởng lợi. Lập hồ sơ giả mạo để yêu cầu thanh toán (hồ sơ khống hoặc chỉnh sửa) có sự tiếp tay của nhân viên y tế. Công tác quản lý tại các cơ sở y tế địa phương có vấn đề: Thiếu chặt chẽ trong kiểm tra nhân thân bệnh nhân, lưu trữ thông tin, hồ sơ bệnh án, khó xác minh khi xảy ra sự việc tại địa bàn. Giao kết hợp đồng khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra hoặc lùi ngày hiệu lực hợp đồng”.
Cụ thể là trường hợp ông Nguyễn Tuấn M. (Vĩnh Phúc) tham gia bảo hiểm răng của công ty ông Được là 18 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, công ty phát hiện hàng loạt hóa đơn không có xác nhận của phòng khám và bác sỹ. Sau khi đánh giá hồ sơ, mời đến giám định tại đơn vị của công ty chỉ phát hiện ông M. điều trị 3 lần với số tiền rất nhỏ.
Ông Được còn cho biết: “Bạn tôi khi đi điều trị thắt búi trĩ tại một bệnh viện quốc tế có tiếng ở Hà Nội, được nhân viên y tế tại đây thông báo, nếu tự trả tiền thì chi phí cho ca điều trị này là 20 triệu đồng, nhưng nếu khám bằng thẻ bảo hiểm thì sẽ được chi trả là 30 triệu đồng”.
Thấy lạ, nhưng vì chẳng phải chịu chi phí điều trị nên anh này lập tức đồng ý khám theo thẻ bảo hiểm. Tuy nhiên, điều khiến anh ngạc nhiên hơn là mấy ngày sau, khi điều trị bệnh đã khỏi và người cũng khỏe trở lại, nhưng bác sỹ vẫn không cho anh xuất viện, với lý do “ở lại cho hết tiền bảo hiểm”.
Ở lĩnh vực xe cơ giới, trao đổi với PV, anh Phùng Anh Tuấn (nhân viên bảo hiểm ô tô L.) chia sẻ: “Mới đây, đi giám định ở Văn Giang, Hưng Yên, một vụ tai nạn xe ô tô bị lật, tổn thất 100% nhưng có nhiều điểm nghi ngờ khi thời điểm mua bảo hiểm quá cận với thời điểm xe bị lật, rồi xuống kiểm tra thấy bụi bẩn phủ kín xe, mạng nhện giăng đầy. Thông thường xe qua phà từ Hà Nội đi Hưng Yên đều ghi lại vé, tuy nhiên chính ngày hôm đó chiếc xe lại không có trong danh sách. Người dân quanh khu vực cũng xác minh vụ tai nạn đã xảy ra lâu rồi. Vì vậy công ty cũng đã từ chối bồi thường hàng trăm triệu”.
Còn anh Bùi Minh Nhật (nhân viên công ty bảo hiểm B.V) cho biết: “Chính tôi cũng đã giúp công ty tránh phải bồi thường hơn 500 triệu đồng, một khách hàng mua bảo hiểm cho một chiếc BMW. Sau một tuần khách hàng báo xe bị thủy kích, động cơ bị hỏng. Biết trước thời gian đó, khu vực đó có mưa, kiểm tra dịch vụ cứu hộ, phát hiện xe bị trước khi tham gia bảo hiểm. Công ty đã từ chối bồi thường cho người này”.
“Bó tay” với trục lợi bảo hiểm?
Mới đây, tại hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm 2015, đại diện bộ Tư pháp cho biết, đã tiếp thu đề xuất của bộ Tài chính và bổ sung một nội dung mới trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, coi hành vi trục lợi bảo hiểm là một tội danh; đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù. Theo đại diện bộ Tư pháp, nếu được chấp nhận, đây sẽ là những quy định cần thiết tạo cơ sở pháp lý, công cụ hữu hiệu nhằm phát triển thị trường bảo hiểm.
Trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư TP.Hà Nội thừa nhận, văn phòng thường xuyên nhận được đơn của các khách hàng liên quan trục lợi bảo hiểm, trong đó có cả vấn đề bảo hiểm xã hội. Trục lợi bảo hiểm thuộc hành vi vi phạm pháp luật nào là câu hỏi mà các chuyên gia bảo hiểm, luật sư và cơ quan quản lý cũng đang tranh cãi tìm câu trả lời.
“Khi yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp, doanh nghiệp bảo hiểm có thể viện dẫn Điều 139, Bộ luật Hình sự, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với những quy định tương đối nghiêm khắc đối với hành vi thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác”, luật sư Tú chia sẻ. “Tuy nhiên, thực tế áp dụng có những khó khăn và bất cập”, một lãnh đạo Bảo hiểm Dầu khí PVI cho hay.
Cũng theo luật sư Tú, những hành vi trục lợi bảo hiểm hiện nay đều có dấu hiệu của các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả tài liệu, khai báo gian dối hay tội điều động hoặc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, trong một số trường hợp, qua quá trình điều tra, các công ty bảo hiểm đã phát hiện ra khách hàng có dấu hiệu lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền bảo hiểm, từ đó công ty bảo hiểm đã từ chối bồi thường cho khách hàng. Như vậy, trên thực tế, khách hàng đã có hành vi lừa đảo nhưng vì công ty bảo hiểm từ chối bồi thường và chưa chi trả tiền bồi thường cho khách hàng, vậy chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của cục Quản lý – Giám sát bảo hiểm trong giai đoạn 2007- 2014 cho thấy, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm đã phát hiện và có bằng chứng cụ thể để từ chối chi trả bảo hiểm là gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31,3%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỷ đồng, trung bình gần 110 tỷ đồng/năm. Đấy là chưa tính đến những hồ sơ bồi thường có dấu hiệu trục lợi nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng để từ chối chi trả. |
Luật sư Mạnh Xuân Sơn (Công ty luật Hoàng Đạo, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, các mức hình phạt với hành vi trục lợi bảo hiểm chưa cao, đồng thời thiếu sự kiểm soát và xử lý của các bên liên quan, mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, hệ thống văn bản pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn nhiều chồng chéo và chịu sự điều chỉnh của nhiều nguồn luật như Bộ luật Dân sự, luật Hàng hải, luật Hàng không dân dụng, luật Kinh doanh bảo hiểm… và nhiều văn bản dưới luật khác. Vì thế, rõ ràng hoàn thiện hệ thống luật pháp về bảo hiểm là việc cần được quan tâm thực hiện. |
Đức Kế