(Bình luận quốc tế) – Cuộc khủng hoảng người di cư cho đến nay vẫn chưa có hồi kết trong khi châu Âu đang chia rẽ về cách giải quyết vấn đề này.
Jerusalem Post ngày 6/9 đăng tải bài phân tích của tác giả Zvi Mael, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Jerusalem về vấn đề đối ngoại và từng là cựu đại sứ Romania, Ai Cập, Thụy Điển về cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.
Truyền thông thế giới hiện tập trung vào yếu tố nhân đạo với dòng người tị nạn hướng đến bờ biển phía nam châu Âu. Một số quốc gia như Đức, Áo, Anh đã lên tiếng sẵn sàng tiếp nhận những người di cư trong khi các quốc gia khác bị chỉ trích vì phản đối hành động này.
Bức tranh thể hiện sự tiếc thương Aylan Kurdi, cậu bé 3 tuổi đã thiệt mạng trên hành trình chạy trốn chiến tranh và đói nghèo.
Trên thực tế, hàng ngàn người di cư chịu cảnh đau khổ cần phải được giúp đỡ vì họ đã buộc phải rời bỏ quê hương. Nhưng vấn đề cốt lõi của cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu thì vẫn chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả.
Từ nhiều năm qua, những người tị nạn đã cố gắng tìm cách tới lục địa già với các lý do rõ ràng. Châu Âu đã không đưa ra bất kỳ chính sách nào chỉ vì tin rằng vấn đề này sẽ không tạo ra tác động lớn. Liên Hợp Quốc có thể giúp đỡ và tìm cách đưa người tị nạn hòa nhập với cuộc sống mới.
Không có một biện pháp nào được thực hiện để giải quyết vấn đề trong khi về lâu dài, điều này có thể đe dọa đến hòa bình và truyền thống của châu Âu. Đây là vấn đề khẩn cấp mà các chính trị gia cần phải tìm cách đối phó bên cạnh yếu tố nhân đạo.
Đa số những người tị nạn đến từ châu Phi và Trung Đông, hai khu vực phải hứng chịu xung đột, thiên tai và nạn đói lan tràn do sự kém phát triển kinh tế, bệnh tật và nạn thất nghiệp.
Theo tác giả Zvi Mael, dường như châu Âu đang làm ngơ trước những gì xảy ra. Trong vòng 50 năm qua, hàng triệu người tị nạn đã tìm đến châu Âu với hy vọng vào công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều người thậm chí đã lựa chọn con đường nhập cư bất hợp pháp.
Châu Âu hiện đang là khu vực có tỷ lệ sinh ở mức thấp, khoảng 1,6 con/mẹ so với mức 2,11 cần thiết để duy trì dân số. Rõ ràng, các nước châu Âu cần nguồn nhân lực để tiếp tục phát triển kinh tế.
Xô xát xảy ra khi cảnh sát chỉ cho phép một số ít người di cư đi qua biên giới Macedonia-Hy Lạp.
Đa số những người Hồi giáo nhập cư ở châu Âu đều không muốn thích nghi với điều kiện sống với, ông Mael cho biết. Họ muốn duy trì văn hóa và tín ngưỡng riêng, áp đặt luật Hồi giáo vào cuộc sống. Nhiều người không tìm kiếm công việc, sử dụng ma túy và phạm tội ác.
Trong khi đó, chiến tranh và thiên tai đang ngày càng thúc đẩy người dân ở châu Phi và Trung Đông tìm kiếm một nơi an toàn hơn tại châu Âu. Họ hiểu rằng mình sẽ không bị trả về quê hương.
Theo nhận định của tác giả, dường như một số nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu hiểu ra rằng, họ đã sai lầm khi lật đổ chính quyền ở Libya sau khi nhà độc tài Muammar Gaddafi đã đồng ý hủy bỏ chương trình hạt nhân và trở nên gần gũi hơn với phương Tây.
Tình hình ở châu Phi không khả quan hơn vì sự trỗi dậy của các thế lực Hồi giáo cực đoan tại Kenya, Sudan, Nigeria, Mali hay Bờ Biển Ngà. Tại Trung Đông, Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tạo nên sự hỗn loạn trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không thể làm ổn định tình hình.
Đó là cái giá mà châu Âu đang phải trả. Quyết định sẵn sàng tiếp nhận 800.000 người di cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel như một giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.
Về lâu dài, châu Âu cần đến một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để giải quyết tình hình. Các quốc gia châu Âu phải tìm cách ổn định tình hình ngay tại Trung Đông, xây dựng khu vực an toàn ở Syria với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ để người dân có thể tái thiết lại cuộc sống.
Cùng thời điểm, châu Âu cần phải chủ động hợp tác với châu Phi, thông qua các chương trình phát triển quy mô lớn, đem đến việc làm và hy vọng mới cho người dân.
Đó là điều khó có thể xảy ra trong tương lai gần nhưng lại là sự tồn vong của cả châu Âu, tác giả Zvi Mael nhận định.
Đăng Nguyễn