ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Masanobu Fukuoka và Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm
Sunday, June 28, 2015 0:12
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

B4INREMOTE-aHR0cDovLzIuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1PMzVZQThXb19vSS9WWS1iRUFMUFlySS9BQUFBQUFBQVdrWS9KS0ZzLUJLOUg3WS9zMzIwLzE2YThiX21hc2Fub2J1X2Z1a3Vva2FfdmFfY3VvY19jYWNoX21hbmdfbW90X2Nvbmdfcm9tLmpwZw==
Để “không làm gì cả”, người nông dân phải nắm rõ những quy luật và mối quan hệ của cây trồng với cỏ dại và các loài côn trùng, với môi trường và con người.
Cách đây không lâu, khi được nghe chuyện một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu gạo hàng đầu tại ĐBSCL đang cùng với nông dân thử nghiệm và áp dụng những phương thức canh tác mới hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam, tôi liên tưởng đến cuốn sách rất nổi tiếng của Masanobu Fukuoka (1913-2008): Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm.
Nông nghiệp “không làm gì cả”
Ông Masanobu Fukuoka không phải là một nông dân bình thường, ông được xem là ông tổ của nông nghiệp tự nhiên và là một triết gia. Ông sinh ra tại thị trấn Iyo, một thị trấn nhỏ trên bờ biển phía Tây thành phố Matsuyama thuộc đảo Shikoku, Nhật Bản, trong một gia đình có truyền thống làm nông nghiệp lâu đời. Ông học trung cấp về vi sinh và khoa học nông nghiệp, sau đó làm việc tại Cục Hải quan Yokohama ở bộ phận kiểm tra cây trồng, chủ yếu giám sát vấn đề bệnh học của các giống cây. Năm 25 tuổi, một biến cố lớn về tâm linh đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Bị trầm cảm nặng sau khi cận kề cái chết qua cơn bệnh viêm phổi cấp, trong khi lang thang và kiệt sức trên ngọn đồi nhìn ra bến cảng Yokohama, tiếng kêu chói tai của một con diệc ăn đêm đã làm ông thức tỉnh hoàn toàn. Hãy nghe ông Masanobu Fukuoka kể lại trải nghiệm này trong cuốn Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm: “Trong khoảnh khắc, toàn bộ nghi ngờ lẫn màn sương u tối trong tôi đều tan biến… Tâm trí tôi trở nên nhẹ nhàng, sáng sủa. Tôi nhảy nhót điên cuồng vì vui sướng. Tôi có thể nghe được tiếng những chú chim nhỏ chiêm chiếp trên cây, và thấy những con sóng lấp lánh phía xa dưới vầng thái dương đang lên. Những chiếc lá cây nhảy múa, xanh và lóng lánh. Tôi cảm thấy rằng đây chính thực là thiên đường trên địa giới. Tất cả những thứ từng chiếm lấy tâm hồn tôi, mọi thống khổ, đều biến mất, tựa những giấc mơ, những ảo ảnh, và rồi một thứ gì đó mà người ta gọi là “bản tính thực” hiển lộ…”.
Để “không làm gì cả”, người nông dân phải nắm rõ những quy luật và mối quan hệ của cây trồng với cỏ dại và các loài côn trùng, với môi trường và con người.
Phải chăng đây là sự giác ngộ? Ông Masanobu Fukuoka không nói đến từ “giác ngộ”, nhưng ông thừa nhận rằng “từ trải nghiệm của buổi sáng hôm đó, cuộc đời tôi đã thay đổi toàn bộ”.
Sau biến cố tâm linh này, ông xin nghỉ việc và lang thang khắp nơi với hy vọng truyền bá những trải nghiệm về nhận thức thế giới tự nhiên của ông, nhưng chẳng ai lắng nghe mà ông còn bị xem là kẻ lập dị. Năm 1938, ở tuổi 26, ông trở về trang trại của gia đình với ý nghĩ rằng cả trăm lời giải thích của ông sẽ chẳng hiệu quả bằng việc thực hành triết lý, và ông bắt đầu áp dụng phương pháp làm nông tự nhiên, “nông nghiệp không làm gì cả” (do-nothing farming).
Nhưng, để thật sự đạt đến “làm mà không làm”, để đạt đến cảnh giới vô vi ấy, ông Masanobu Fukuoka đã phải cần đến 30 năm để thử nghiệm những phương thức khác nhau với định hướng xuyên suốt là thuận theo thế giới tự nhiên, trở về với thế giới tự nhiên. Cuối cùng, câu trả lời của ông chính là nông nghiệp tự nhiên dựa trên bốn nguyên tắc: không cần cày cuốc, không cần bón phân (hóa học hay vi sinh), không làm cỏ (kiểm soát cỏ và không dùng thuốc diệt cỏ), và cuối cùng là không diệt côn trùng! Việc ông Masanobu Fukuoka làm là trả toàn bộ rơm rạ lại đồng ruộng, chỉ dùng một ít phân gia cầm nhằm mục đích phân hủy rơm rạ, chọn thời điểm gieo hạt hợp lý, và rồi cứ để mọi thứ thuận theo lẽ tự nhiên cho đến kỳ thu hoạch.
Việc sử dụng rơm rạ một cách tự nhiên để tạo độ phì nhiêu, dinh dưỡng cho đất tình cờ được ông phát hiện từ một khu ruộng bỏ hoang tại tỉnh Kochi, ở đó cây lúa phát triển cực kỳ khỏe mạnh, xuyên qua những cọng rơm rạ ngổn ngang, chẳng cần đến bàn tay chăm sóc của con người. Hiệu quả năng suất lúa và ngũ cốc trên những thửa ruộng tự nhiên của ông Masanobu Fukuoka được chứng minh không thua kém so với những thửa ruộng canh tác hiện đại nhất tại Nhật thời điểm những năm 1970. Một bên rất an nhàn như “không làm gì cả”, một bên phải huy động nhân công, máy móc nông nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ… Nghe qua đúng là khó chấp nhận, nhưng đó lại là sự thật.
Sửa chữa những sai lầm hệ thống
Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm đến nay đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ và đã được bán ra hơn 1 triệu bản. Năm 1979, ông Masanobu Fukuoka đã nổi tiếng với nông nghiệp tự nhiên và bắt đầu được mời đi khắp thế giới để diễn thuyết tại các hội nghị quốc tế, giảng dạy tại các trường đại học cũng như hướng dẫn và làm việc trực tiếp tại các dự án nông nghiệp tự nhiên, các dự án về cải tạo đất và chống sa mạc hóa, từ Hoa Kỳ, Brazil, các nước châu Phi, châu Âu, cho đến Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam (1995), Philippines, Trung Quốc…
Theo giải thích của “nông dân – triết gia” Masanobu Fukuoka trong cuốn Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm, khi đưa những nhát cày đầu tiên xới đất trên đồng ruộng, con người đã tạo ra cho đất một sự phụ thuộc, đã tạo ra cho đất một “cơn nghiện”. Càng cày xới, càng bón phân thì đất càng thoái hóa, càng bạc màu, trong khi vẫn muốn năng suất không đổi hoặc tăng lên, con người phải tiếp tục nghiên cứu những giống lúa mới hơn, phương thức canh tác hiện đại hơn, phân bón và thuốc trừ sâu hiệu quả hơn…
Đó như là một sai lầm hệ thống và không biết đâu là điểm dừng, khi mà lòng tham và nhu cầu của con người dường như vô tận. Và sai lầm hệ thống thì đôi khi chỉ được sửa chữa triệt để bằng cách thay thế chính hệ thống đó!
Ông Masanobu Fukuoka đã chứng minh được rằng, sản phẩm của nông nghiệp tự nhiên là sản phẩm sạch nhất, và có giá cả thấp nhất, có lẽ đó cũng là điều mà cả thế giới loài người đang mong đợi. Tại Việt Nam hiện nay, các trang mạng bán sản phẩm “sạch” dù với cái giá cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường nhưng lại đang ăn nên làm ra khi các ông bố, bà mẹ nháo nhào tìm mua với hy vọng đảm bảo an toàn sức khỏe cho con và cho mình. Điều này được hiểu là niềm tin về an toàn thực phẩm của người Việt Nam dường như không còn nữa, có vẻ như cả dân tộc đang bị đầu độc qua đường thực phẩm vì việc sử dụng những hóa chất độc hại tràn lan, đa phần từ Trung Quốc mà nhà chức trách đang “bó tay”.
Mặc dù các giống cây trồng và cách thực hành của ông Masanobu Fukuoka như mô tả trong cuốn sách liên quan chủ yếu đến điều kiện đặc thù của Nhật Bản, thế nhưng những triết lý của ông và nguyên tắc canh tác tự nhiên đã được nghiên cứu áp dụng thử nghiệm trên khắp thế giới.
Tại Ấn Độ, nông nghiệp tự nhiên thường được gọi là Kheti Rishi. Tuy vậy, nông nghiệp tự nhiên hiện vẫn ít được áp dụng một cách thành công do những nguyên tắc ngặt nghèo của nó.
Rõ ràng để “không làm gì cả”, người nông dân phải nắm rõ những quy luật và mối quan hệ của cây trồng với cỏ dại và các loài côn trùng, với môi trường và con người, không dùng thiên kiến của con người, không dùng tâm phân biệt để đánh giá tự nhiên mà phải nhìn nhận thế giới tự nhiên “như nó vốn có”. Hiếm có người nông dân nào trên thế giới “làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”, nên nông nghiệp tự nhiên tưởng như “không làm gì cả” nhưng rất khó thực hành là vậy.
Trong cuốn sách, ông Masanobu Fukuoka không chỉ nói đến “nông nghiệp không làm gì cả”, ông còn nói đến nguồn gốc của ô nhiễm môi trường, nói đến nhu cầu lệch lạc của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp cũng góp phần gia tăng việc sử dụng hóa chất, nói đến thức ăn và văn hóa ẩm thực, cũng như những mặt hạn chế của khoa học nông nghiệp hiện đại, với cách nhìn không tách rời khỏi thế giới tự nhiên mà ông được chứng ngộ và trải nghiệm. “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người”, ông viết.

Ghi chú: 
Các bạn muốn mua sách trên mạng, có thể theo link dưới đây đặt hàng sẽ được giao tận nơi.
- Cuộc cách mạng Một-Cọng-Rơm, bản dịch tiếng Việt được xuất bản năm 2015 bởi NXB Tổng hợp TPHCM: http://phoenixbooks.vn/cuoc-cach-mang-mot-cong-rom-masanobu-fukuoka/
- The One-Straw Revolution: http://www.nybooks.com/books/imprints/classics/the-one-straw-revolution/
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.