Được rao giá lên tới 800 triệu, Keangnam Hà Nội dường như “xa vời” với các doanh nghiệp nội, còn với các “đại gia” ngoại, đây cũng không phải là một mức giá dễ chịu.
Mới đây, tòa án Hàn Quốc vừa gửi văn bản tới những đối tác đang có nhu cầu mua lại tòa nhà cao nhất Việt Nam. Theo đó Landmark 72 được định giá ở mức 830 tỷ won, tương đương 770 triệu USD.
“Trong trường hợp trả giá trên 800 triệu USD, QIA hoặc bất cứ công ty nào có nhu cầu đều sẽ được quyền đàm phán độc quyền. Ngược lại, cuộc đàm phán sẽ bị huỷ và sẽ chuyển sang đấu thầu cạnh tranh”, thông báo của tòa án Hàn Quốc nêu rõ.
Với mức giá trên 800 triệu USD (tương đương hơn 16.000 tỷ đồng), có lẽ Keangnam sẽ là “xa vời” đối với các doang nghiệp Việt Nam. Còn với 2 “đại gia” QIA và Goldman Sachs, hoặc bất cứ đối tác ngoại nào, đây không hề là một mức giá dễ chịu.
Mức giá 800 triệu USD sẽ khiến các đối tác phải cân nhắc kĩ trước khi quyết định có mua lại hay không
Trao đổi về con số 800 triệu USD, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho hay, luôn luôn có 3 yếu tố cơ bản để xác định giá trị của một bất động sản khi muốn chuyển nhượng, nhất là những “siêu” dự án như Keangnam. Thứ nhất là tổng số vốn bỏ ra để đầu tư cho dự án, thứ hai là triển vọng của dự án có khả năng thu hồi vốn cao hay thấp, và cuối cùng là so sánh tương quan với giá các giao dịch khác trên thế giới .
“Nguồn hồi vốn lớn nhất của Keangnam là ở mảng văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, hiện mảng này của tòa nhà cao nhất Việt Nam đang gặp khó bởi bất động sản chưa thực sự khởi sắc, bên cạnh đó là sự cạnh tranh ráo riết của các dự án khác trong phân khúc căn hộ cao cấp”, vị này nhận định.
Tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower được “gã khổng lồ” Keangnam Enterprises của Hàn Quốc đầu tư với tổng số vốn 1.200 tỷ won (hơn 1 tỷ USD). Tòa nhà này cao 72 tầng, gồm 3 tòa nhà cao tầng chung đế.
Trong đó có 2 tòa nhà chung cư cao 48 tầng với 922 căn hộ cao cấp. Tòa nhà tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm giải trí cao 72 tầng, khoảng 350 mét – cao nhất Việt Nam. Khu vực văn phòng hạng A từ tầng 12 đến tầng 46. Từ tầng 48 đến tầng 60 là khu căn hộ dịch vụ cho thuê, còn từ tầng 62 đến 70 là khách sạn Intercontin ental.
Vào thời điểm bất động sản Việt Nam đang lên “cơn sốt” đỉnh điểm, giá căn hộ tại đây được rao bán ở mức cao kỷ lục khoảng 3.000 USD/m2, tương đương 7-8 tỷ đồng/căn.
Tính đến thời điểm hiện tại, các căn hộ ở hai khối nhà 48 tầng đã được bán gần hết cho các cư dân. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng thu hồi vốn của Keangnam khi được mua lại. Vì lẽ đó, nhiều người đặt câu hỏi về mức giá 800 triệu USD mà tòa án Hàn Quốc mới đưa ra là dựa trên những tiêu chí đánh giá nào.
Ngoài ra, bất cứ một bất động sản nào cũng sẽ bị hao mòn theo thời gian, Keangnam không phải là một ngoại lệ. Sau gần 5 năm đưa vào sử dụng, tòa nhà 72 tầng ít nhiều cũng bị hư hại, khoản phí khấu hao cho điều này cũng là một yếu tố quan trọng cho các đối tác cân nhắc kỹ trước khi quyết định ngã giá.
Mới đây nhất, tháng 1/2015, trung tâm thương mại Parkson Keangnam đã đột ngột tuyên bố đóng cửa. Nguyên nhân được “ông trùm” bán lẻ này đưa ra là do làm ăn thua lỗ và một số khúc mắc với phía Keangnam Landmark 72. Những lùm xùm giữa chủ quản lý tòa nhà với các đối tác kinh doanh lớn đã phần nào cho thấy không ít vấn đề bất cập trong hoạt động thương mại tại đây.
Với tất cả các yếu tố trên, nhận định về mức giá 800 triệu USD mà tòa án Hàn Quốc đưa ra có phần “chát” không phải không có cơ sở. Chưa biết “đại gia” nào sẽ sở hữu Keangnam Hà Nội, nhưng chắc chắn có không ít những thách thức dành cho vị chủ nhân mới của toà nhà này.
P.Tuyen
2015-05-08 18:40:13
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/keangnam-rao-ban-800-trieu-usd-cao-hay-thap-a187792.html