- Không dùng bột xay từ gạo mà dùng gạo, bánh mỳ, mỳ udon (mì Nhật làm từ lúa mạch)… để chế biến thành các loại cháo phù hợp với từng giai đoạn.
- Ngay từ giai đoạn đầu khi mới tập ăn dặm, người Nhật cũng cố gắng cho bé ăn riêng từng món ăn chứ không trộn chung với nhau. Mục đích là để trẻ làm quen với nhiều vị khác nhau, từ đó kích thích vị giác, tạo niềm vui khi ăn dặm.
- Cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, rau quả khác nhau, trừ các loại thực phẩm dễ gây dị ứng và khó tiêu ( ví dụ: không bổ sung cá thịt đỏ: như cá thu, cá ngừ…khi trẻ trong giai đoạn 5-6 tháng tuổi).
- Khi cho ăn, luôn tạo cho trẻ một môi trường phù hợp (yên tĩnh, không bật vô tuyến, ngồi một chỗ, không cho chạy lung tung, và không ép buộc…).
- Tập cho bé tự ăn dần.
Khi nào bé có thể ăn dặm? Ở mỗi trẻ tốc độ phát triển khác nhau, tuy nhiên bạn có thể tập cho bé ăn dặm khi bé được 5-6 tháng tuổi và bé có các biểu hiện sau đây:
- Bé đã giữ vững cổ
- Bé tự ngồi được
- Bé tỏ ra thích thú với thức ăn
- Khi đưa thìa vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi đẩy ra
Thời gian đầu khi tập bé ăn dặm bạn sẽ gặp ít nhiều khó khăn, bạn đừng vội vàng, nên tạo bầu không khí vui vẻ trong thời gian ăn uống của bé…Hãy biến thành khoảng thời gian hạnh phúc của cả mẹ và bé.
Lưu ý về thực phẩm cho bé
- Mật ong: Không bổ sung mật ong cho bé dưới 1 tuổi để phòng tránh nhiễm trực khuẩn Clostridium.
- Trứng: Một số bé có thể dị ứng với trứng. Do đó, khi bé được 7-8 tháng, bắt đầu cho bé ăn lòng đỏ trứng luộc chín kỹ, quan sát biểu hiện của bé có dị ứng hay không (rối loạn tiêu hóa, nổi mẩn, ngứa…) rồi mới cho bé ăn tiếp lòng trắng trứng.
- Sữa bò: Chỉ cho bé trên 1 tuổi uống sữa bò. Tuy nhiên có thể dùng chế phẩm từ sữa bò như pho-mát làm nguyên liệu thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi.
Các giai đoạn ăn dặm cơ bản ở Nhật 1. Giai đoạn 1 từ 5~6 tháng tuổi: giai đoạn tập nuốt
Đây là giai đoạn bắt đầu cho trẻ làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ/sữa công thức. Tùy theo sự phát triển của từng trẻ mà có thể bắt đầu sớm hay muộn, lượng ít hay nhiều. Lúc đầu, ngày cho ăn một bữa với 1 thìa nhỏ (độ 5ml) cháo nghiền loãng. Sau đó, các mẹ có thể nâng dần lên 2 bữa, mỗi bữa hai thìa nhỏ: một thìa cháo, một thìa rau củ nghiền pha loãng, sau có thể tăng lên vài thìa cháo, một thìa rau và một thìa thức ăn mềm. Tất cả các món ăn cho bé đều ở dạng dung dịch loãng và đặc biệt là không nêm gia vị. Thực phẩm sử dụng ở giai đoạn này chủ yếu là: Chất bột: gạo, bánh mỳ, tinh bột, khoai tây, khoai lang; Rau quả: cà-rốt, chuối, rau chân vịt, bí đỏ, củ cải, cà-chua; Hoa quả các loại; Chất đạm: Chủ yếu là cá trắng (cá thờn bơn, cá tráp trắng…), đậu phụ.
2. Giai đoạn 2 từ 7~8 tháng tuổi: giai đoạn nhai trệu trạo
Giai đoạn này có thể cho trẻ ăn 2 bữa mỗi ngày vào bữa sáng và bữa tối. Lượng thức ăn và độ cứng cũng tăng lên. Mỗi bữa có thể cho trẻ ăn khoảng 50g cháo, hoa quả và rau 20g, thức ăn 30g. Các loại thực phẩm tương tự như trên, nhưng cháo và các thức ăn nghiền khác đặc hơn một chút (dạng sột sệt giống như sữa chua). Đồng thời, có thể cho ăn thêm lòng đỏ trứng, pho mát đã chế biến, thịt lườn gà, cá hồi, có thể dùng các món ăn chế biến từ một lượng nhỏ sữa tươi.
3. Giai đoạn 3 từ 9~11 tháng tuổi: giai đoạn tập nhai
Giai đoạn này cho trẻ ăn ngày 3 bữa: sáng, trưa, tối. Lượng thức ăn: tinh bột: 90g, rau và quả 30g, chất đạm 40~45g. Cháo không cần nghiền nát nữa mà có thể để nguyên hạt gạo, đặc hơn dạng sột sệt một chút. Thức ăn có thể không cần nghiền nữa mà để nguyên hình dạng nhưng phải cắt nhỏ, mỏng và ninh mềm. Trẻ có thể ăn được hầu hết các loại thực phẩm và các loại gia vị như muối, xì dầu với lượng nhỏ. Tuy nhiên, cần tránh các loại thức ăn khó tiêu hoặc quá cứng (ví dụ: đậu phụ rán, thịt bò, thịt lợn quá nhiều mỡ…), mật ong, các loại nước sốt bán sẵn, các loại hạt nêm…
4. Giai đoạn 4 từ khi bé 1 tuổi đến 1 tuổi rưỡi: giai đoạn nhai khỏe (ăn sam)
Giai đoạn này trẻ có thể ăn một ngày 3 bữa, kèm theo hai bữa ăn quà. Đồng thời, trẻ có thể ăn cơm nhão và các thức ăn đượ thái dày hơn, to hơn.
Trẻ có thể ăn hầu hết các loại thực phẩm, trừ các loại nhiều dầu mỡ, thức ăn sống (gỏi cá, thịt các loại, tiết canh) hoặc khó nhai, khó tiêu…Đối với các trẻ đủ chiều cao và cân nặng thì không cần uống sữa bột mà chuyển sang sữa tươi thông thường.
Các loại cá có ở thị trường Việt Nam
- Cá thịt trắng: Đây là các loài cá có thành phần thịt trắng, thông thường biểu hiện ra bên ngoài bằng những tảng thịt, thớ thịt trắng muốt. Cá thịt trắng ở thị trường Việt Nam: Cá tra, cá rô phi, cá tuyết Thái Bình Dương, cá tuyết Đại Tây Dương, cá tuyết lục, cá tuyết chấm đen, cá minh thái Alaska.
- Cá thịt đỏ : Là các loại cá có thành phần thịt đỏ. Những loài cá này thường xuất hiện ở vùng biển sâu hoặc sống gần đáy biển. Cá thịt đỏ ở thị trường Việt Nam: cá ngừ, cá hồi, …
Cách chế biến cơ bản 1. Cháo: gạo cho vào nồi, tùy giai đoạn mà cho nước
- Giai đoạn 1: 1 phần gạo, 10 phần nước, giai đoạn sau bớt nước còn 1 phần gạo 7 phần nước
- Giai đoạn 2: 1 phần gạo, 5 phần nước
- Giai đoạn 3: 1 phần gạo, 4 phần nước
- Giai đoạn 4 (cơm nát): 1 phần gạo 1 cộng 1/2 nước.
Cho gạo đã đãi sạch vào nồi ngâm độ 20 phút. Sau đó đun sôi thì đun nhỏ lửa trong vòng 30 phút. Bỏ cháo ra bát nghiền nát, rồi lấy cháo nghiền đun sôi thêm lần nữa và để nguội cho bé có thể ăn. Nếu thấy đặc quá có thể cho thêm chút nước đã đun chín cho loãng. Chú ý khi nấu cháo không nên quấy nhiều.
2. Cách đun nước dùng/nước lèo
Người Nhật chủ yếu lấy nước dùng từ phổ tai (kombu) khô: Cho 2 miếng kombu độ 10cm với 400ml nước vào nồi, ngâm trong khoảng 10 phút. Sau đó, bắc nồi lên bếp, đun cho nước hơi lăn tăn thì vớt phổ tai ra. Cho một nắm cá khô bào (katsuo bushi) vào, đun nhỏ lửa trong vòng 5 phút. Bỏ ra lọc sạch. Sau đó cho vào khay, đông đá để dùng dần. Hoặc ninh súp rau các loại cho rau nhừ. Sau đó lọc bỏ cái, lấy nước, đông đá để dùng dần. Có thể dùng các loại súp bán sẵn ở các quầy thức ăn dành cho trẻ sơ sinh.
3. Cách nấu cơ bản
- Nghiền: Rau lấy phần lá, luộc chín. Vớt ra thái nhỏ, cho vào rây nghiền nhỏ, bỏ bã rồi hòa thêm nước dùng cho đủ độ loãng. Cà-rốt nạo vỏ, cắt miếng, ninh nhừ rồi nghiền ra, lọc bỏ bã, hòa thêm nước dùng. Cá trắng đem luộc chín rồi dùng thìa, nĩa dằm nhỏ. Đậu phụ đem luộc qua, nghiền nhỏ.
- Cắt nhỏ: Sang giai đoạn tập nhai, các loại thực phẩm có thể cắt nhỏ, để nguyên dạng nhưng ninh thật nhừ.
Tóm tắt các bước chế biến
Cách chế biến cơ bản:
Cách chế biến đồ ăn dặm cơ bản gồm có “cắt” “luộc” “nghiền nát”. Độ mềm của thức ăn được chế biến theo sự tăng trưởng của bé.
Cắt
Những loại rau có nhiều xơ thì dùng dao cắt ngang thớ của rau.
Luộc
Những rau lá chỉ cần nhúng qua nước đang được đun sôi. Rau củ luộc cho đến khi rau được nhừ.
Nghiền
Ăn dặm giai đoạn đầu như cháo hoặc khoai (khoai lang, khoai tây) cần được nghiền nhuyễn đến khi mịn rồi mới cho bé ăn. Khi bé đã quen có thể cho bé ăn thêm đậu phụ hoặc các loại rau sau khi đã được nghiền nhuyễn.
Giai đoạn 7-8 tháng có thể cho bé ăn lòng đỏ trứng gà luộc, cá, thịt sau khi đã được nghiền nhỏ. Có thể cho bé ăn bắt đầu từ thức ăn được nghiền từ mịn đến hơi mịn và nghiền sơ qua dần dần theo độ tăng trưởng của bé.
Những dụng cụ nấu bếp nếu có sẽ tiện lợi hơn:
- Lưới lọc trà xanh: Dùng khi chỉ cần rây một lượng nhỏ thức ăn rất tiện.
- Nồi hoặc xoong nhỏ: Nên dùng loại có nắp để thức ăn được nhừ dễ hơn khi nấu hoặc hầm
- Loại cối nghiền 2 trong 1 có thể dùng làm bát đựng (bát có rãnh ở thành phía trong, dùng chày gỗ mài vào thành bát để nghiền thức ăn): Khi nghiền đồ ăn dặm cho bé xong có thể dùng làm bát đựng thức ăn cho bé.
- Thìa có đầu dĩa và dĩa: Dùng nghiền thức ăn với số lượng nhỏ rất tiện và nhanh
- Kéo cắt dùng cho nấu bếp: Dùng để cắt nhỏ các loại mì rất tiện
- Các dụng cụ khác như dao nhỏ, thớt nhỏ, những bát đựng có thể dùng lò viba (vi sóng) được
Giới thiệu một vài món ăn cơ bản cho từng thời kỳ Giai đoạn 1: Tập nuốt
① Ngày một bữa
- Cháo nghiền, loãng: 1 phần gạo, 10 phần nước. Ngâm độ 20~30 phút. Ninh nhỏ lửa trong độ 30 phút. Lấy ra nghiền nhỏ, đun lại trước khi cho ăn.
- Súp bí đỏ: Bí đỏ gọt vỏ, nạo ruột. Cắt miếng nhỏ đun chín nhừ. Dùng chày chuyên nấu ăn cho trẻ hoặc thìa nghiền nát, hòa lẫn nước luộc cho loãng vừa ăn, đun lại một lần trước khi cho ăn.
- Đậu phụ: Cắt miếng nhỏ, đem luộc sôi. Vớt ra dùng thìa nghiền nát. Hòa với nước dùng cho loãng vừa ăn. Đun sôi lại mới cho ăn.
- Táo mài ra, lấy khăn xô lọc bỏ bã.
Lưu ý : Vì nước táo không đun lại được, nên cần dùng khăn giặt sạch, là sát trùng trước khi dùng.
Độ mềm thức ăn cho trẻ tập nuốt
Độ mềm thức ăn cho trẻ tập ăn sau 2 – 3 tuần
Độ mềm thức ăn cho trẻ tập ăn sau 1 tháng
② Ngày 2 bữa
Các loại cháo
- Cháo nghiền, sột sệt: Bí đỏ luộc chín, nghiền nhuyễn, trộn với cháo loãng nghiền nhuyễn. Đun lại rồi mới cho ăn.
- Cháo rau chân vịt: Rau chân vịt nghiền kỹ rây mịn, trộn lẫn với cháo loãng nghiền.
- Cháo bánh mỳ nấu sữa: Bánh mỳ gối 1/2 miếng, bỏ vỏ, xé miếng nhỏ. Sữa bột công thức: 1/4 cốc (50ml), nước 1/4 cốc (50ml). Cho sữa, nước vào nồi. Cho bánh mỳ vào ngâm một lát cho mềm. Cho lên bếp đun nhỏ lửa, thỉnh thoảng lấy thìa dằm cho tới khi bánh mỳ tan hết. Đậy vung cho mềm.
- Cháo khoai tây: Khoai tây gọt vỏ, ngâm nước cho hết nhựa. Luộc chín, dằm nát. Hòa với nước dùng rồi đun lại. Có thể cho thêm nước hoa quả hoặc sữa chua (loại không đường-plain yogourt) để thay đổi vị.
- Cháo khoai lang: Khoai lang gọt vỏ kỹ, xắt miếng, luộc chín. Dùng thìa dằm kỹ, hòa thêm một thìa nước táo, nước cam tươi và nước luộc khoai cho loãng vừa phải.
Các loại rau, quả
- Cà-rốt dầm với chuối: Cà-rốt nghiền: 1 thìa, chuối 1/8 quả. Cả hai thứ nghiền nát, cho vào bát rồi cho lò vi sóng hâm nóng, để nguội mới cho ăn.
- Rau chân vịt nghiền với khoai tây: Rau chân vịt 2 lá, khoai tây 1/4 củ. Sữa bột, nước: mỗi thứ 1 thìa to. Rau chân vịt, khoai tây luộc kỹ, nghiền nát. Rau chân vịt lọc bỏ bã. Tất cả trộn với sữa và nước. Cho lò vi sóng hâm nóng, để nguội.
- Súp bắp cải khoai lang: Bắp cải 10g cắt nhỏ, khoai lang gọt vỏ 10g, nước súp. Bắp cải, khoai lang ninh nhừ nghiền nhỏ riêng mỗi thứ. Khoai lang pha với nước luộc hoặc nước súp cho sột sệt, bên trên cho bắp cải nghiền nhuyễn lên.
- Súp củ cải (xu-hào) cà rốt: Củ cải (xu-hào) và cà-rốt, tổng cộng độ 15~20g. Ninh nhừ, nghiền lọc bỏ xơ. Hòa thêm nước luộc, và cho thêm chút tinh bột đao cho sột sệt.
- Súp táo: Táo 1/8 quả, gọt vỏ. Bọc màng thực phẩm cho vào lò vi sóng độ 1 phút. Lấy ra nghiền nhỏ. Hoặc gọt vỏ, mài nhỏ sau đó cho lò vi sóng cũng được.
Chất đạm
- Rau xanh đậu phụ/đậu hũ ninh: Đậu phụ non: 10g, rau chân vịt: 1 tàu lá (5g), nước dùng: 1 thìa to. Cho đậu và nước dùng vào đun sôi để nguội rồi dùng thìa nghiền nát. Rau chân vịt luộc nhừ, nghiền nhỏ. Sau đó trộn lẫn rau với đậu phụ. Nếu thấy đặc có thể gia giảm nước.
- Cá trộn cà chua: Cá thờn bơn 5g, cà chua bỏ hạt bóc vỏ, nghiền nát: 2 thìa nhỏ. Cá luộc chín, dầm nát, trộn với cà chua. Bỏ lò vi sóng hâm lại. Lưu ý dùng cà chua thật chín.
- Đậu phụ-hoa lơ xanh: Hoa lơ xanh luộc chín: 15-20g, đậu phụ non nghiền nát: 1 thìa to. Hoa lơ lấy phần hoa, nghiền nát, đậu phụ cho vào luộc với nước dùng nghiền nát. Trộn hoa lơ với đậu phụ. Thêm bớt nước cho phù hợp.
- Cá thờn bơn (hoặc cá tráp trắng) 20g, cải bắp 10g. Cho hai thứ vào nồi luộc chín nhừ. Nghiền nát. Gia giảm nước dùng cho sột sệt vừa phải.
- Những món ăn trên, vào độ cuối của thời kỳ 2, có thể chỉ cần cắt miếng nhỏ, ninh nhừ, để nguyên hình dạng để trẻ có thể ăn được mà không cần nghiền nát.
Giai đoạn 2: Nhai trệu trạo
Chất bột
- Cháo bánh mỳ: Bánh mỳ: 1/2 hoặc 1/4 miếng (tùy miếng mỏng hay dày), nước dùng: vừa đủ, pho-mát bột. Bánh mỳ xé miếng nhỏ, ngâm vào nước dùng cho mềm. Sau đó rắc bột pho-mát lên, đun sôi lại là được.
- Khoai tây đỗ xanh nghiền: Khoai tây gọt vỏ, luộc nhừ, nghiền: 2 thìa. Đậu Hà Lan/đậu bi (green pea) luộc nhừ, bóc vỏ, nghiền nát: một thìa. Sữa bột pha nước hoặc sữa tươi: 2 thìa to. Trộn lẫn đậu với khoai tây, sau đó thêm sữa cho đủ mềm là được.
- Khoai tây trộn cá rán: Khoai tây một củ, gọt vỏ, mài nhỏ. Cá ngừ một miếng độ 15g, băm nhỏ. Trộn cá với khoai tây, viên lại thành ba, bốn miếng nhỏ. Rán với bơ. Khi ăn có thể cho chấm với sốt cà chua.
Rau, quả
- Canh cà-rốt, đậu phụ, táo: Cà-rốt:15g, táo: 5g, nước táo: 1 thìa to (không có cũng được, thay bằng nước dùng), đậu phụ non 2 thìa to. Cà-rốt và táo gọt vỏ, thái nhỏ cho vào nồi. Đổ ngập nước và đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Đậu phụ dầm nát, trộn cùng, đun sôi lại là được.
- Cà-rốt và táo: Táo 10g, cà-rốt 20g. Tất cả gọt vỏ, ninh nhừ. Sau đó nghiền nát và đun lại là được.
- Bí đỏ nghiền với sữa: Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột: 25g, bơ: chút ít, sữa tươi: 2 thìa to. Bí đỏ luộc chín nhừ, nghiền nát. Cho thêm bơ và sữa vào, đun lại là được.
- Cải thảo ninh sữa: Cải thảo 25g, nước dùng 1/4 cốc (50ml), sữa tươi: 2 thìa to, một chút muối và bột năng. Cải thải luộc mềm, cắt nhỏ. Cho vào nồi cùng với nước dùng, sữa, ninh cho chín nhừ, sau cùng cho bột năng hòa với nước vào cho sột sệt.
Chất đạm
- Canh cá rau cải: Cá trắng: 10g, rau: cà chua, cải làn, hành tây: 20g, bột năng, nước: vừa đủ. Các loại rau thái nhỏ, ninh nhừ. Nêm gia vị vừa miệng rồi cho bột năng vào. Cá luộc chín (có thể lấy nước luộc cá để ninh rau), thái nhỏ, trộn lẫn súp rau.
- Khoai tây, cà-rốt trộn cá ngừ tuna đóng hộp (loại light – không có dầu): cá ngừ đóng hộp tuna: 1/2 thìa to, khoai tây 1/4 củ, cà-rốt thái nhỏ: 1 thìa to, nước dùng lượng vừa đủ. Cho khoai tây gọt vỏ thái nhỏ. Cà-rốt, khoai tây, cá ngừ tsuna vào nồi, cho nước dùng vào ninh nhừ. Có thể rắc thêm chút lá húng basil (húng quế) khô (nếu thích).
- Khoai lang trộn đậu phụ non: Khoai lang 5g, đậu phụ non: 20~30g, pho-mát bột: 1 thìa nhỏ (khoảng 5g). Khoai lang gọt vỏ, nghiền nát. Đậu phụ luộc qua, dầm nát. Sau đó trộn với nhau và trộn với pho-mát là được.
- Chuối trộn thịt lườn gà (lườn gà là hai dải thịt nhỏ bằng độ 2 ngón tay, nằm sát vào xương ức gà): Lườn gà bỏ gân, xay nhỏ (có thể để ngăn đá, khi dùng thì mài nhỏ ra cũng tiện): 5g, chuối 10g, sữa chua không đường 1 hoặc 1,5 thìa to. Thịt lườn gà trộn với chuối dầm nát và sữa chua. Sau đó bọc bằng màng thực phẩm, cho vào lò vi sóng độ 20 đến 30 giây là được. Hoặc cho lên bếp đun nhỏ lửa đến sôi là được.
Độ mềm thức ăn cho trẻ 7-8 tháng – giai đoạn 1
Độ mềm thức ăn cho trẻ 7-8 tháng – giai đoạn 2
Giai đoạn 3: Nhai khỏe
Chất bột
- Mỳ udon nấu trứng: Mỳ udon đã luộc:60g, củ cải tròn kabu 1 củ nhỏ, một chút lá của củ cải này, trứng nửa quả, xì-dầu, bột năng, nước vừa đủ. Cắt udon, củ cải kabu, nhỏ vừa ăn. Lá kabu luộc chín, thái nhỏ để riêng. Cho tất cả vào nồi, thêm nước dùng đun nhừ thì cho chút xì-dầu rồi cho bột năng hòa nước vào. Sau cùng cho trứng đã đánh tan vào quấy nhanh tay cho trứng hòa đều, sau cùng cho lá kabu đã thái nhỏ vào, đun sôi lại là được.
- Khoai tây phết bơ: Khoai tây 1 củ nhỏ. Bơ: một chút. Luộc khoai tây trong nồi cho chín (hoặc bọc màng thực phẩm, cho vào lò vi sóng độ 2 phút tới 2 phút 30 giây. Bỏ ra, bổ đôi, phết bơ lên trên (có thể thay bơ bằng pho-mát dùng làm bánh pizza cũng được). Có thể làm tương tự với khoai lang cũng dễ ăn.
- Bánh mỳ rán kiểu Pháp: Bánh mỳ gối, cắt mỏng: 1/2 miếng. Trứng đánh: lượng vừa đủ (1/3 quả), chút đường, 3 thìa sữa tươi, chút bơ. Cho trứng, đường, sữa vào bát lớn đánh tan. Bánh mỳ bỏ vỏ, cắt miếng vừa ăn, ngâm vào bát sữa cho mềm. Cho bơ vào chảo (nhỏ lửa), rán bánh mỳ vàng đều hai mặt.
- Nui đút lò: Nui 10g, hoa lơ xanh 1,2 nhánh, thịt nguội 1/4 lát, hành tây thái nhỏ:1,5 thìa to, sốt kem (mua đồ thức ăn sẵn cho trẻ): một túi, nước 50ml, pho-mát làm pizza. Nui luộc chín kỹ, hoa lơ xanh luộc chín, cắt nhỏ vừa ăn, thịt nguội băm nhỏ. Cho thịt nguội, hành , hoa lơ và nước vào chảo, đun nhỏ lửa. Sôi được 1~2 phút thì cho sốt kem và nui vào trộn đều. Cho hỗn hợp này vào khay/bát sứ, bên trên rắc pho-mát. Nướng trong lò oven hoặc lò nướng bánh mỳ toaster cho tới khi pho-mát vàng là được.
Rau, quả
- Rau cải trộn củ cải tròn và cam: Rau cải chân vịt, cải ngọt luộc thái nhỏ: 1,5 thìa to, củ cải tròn kabu: 1/6 củ, cam, quýt 1/2 múi, bóc vỏ, tách múi nhỏ ra. Củ cải gọt vỏ luộc chín, thái nhỏ. Trộn lẫn với rau cải. Cam, quýt đã bóc vỏ mỏng, tách tép nhỏ, trộn thêm chút đường rồi rắc lên trên.
- Hoa lơ xanh luộc rưới sốt trứng: Hoa lơ xanh 1 hoặc 2 nhánh, lòng đỏ trứng luộc: 3 thìa to, nước và bột năng: lượng vừa đủ. Hoa lơ luộc chín, cắt miếng vừa ăn. Lòng đỏ trứng dầm nhỏ hòa vào với nước dùng, đem đun lên khi sôi thì hòa bột năng cho vào. Bày hoa lơ lên đĩa, rưới nước sốt trứng lên trên.
- Cà-rốt ninh nước cam. Cà-rốt 20g, nước cam 2~3 thìa to. Cà-rốt thái miếng nhỏ vừa ăn, luộc chín. Cho thêm nước cam vào ninh tiếp cho nước cạn bớt là được.
- Canh rau: Củ cải tròn, lá củ cải (một chút) cà-rốt, khoai tây, cắt nhỏ: tất cả khoảng 1 cốc. Cho tất cả vào nồi ninh nhừ, nêm xì-dầu và hòa bột năng cho vào.
Chất đạm
- Cá hồi với bắp cải. Cá hồi tươi: 15g, bắp cải 1/6 lá, sữa chua không đường sốt cà chua: lượng vừa đủ. Cải bắp luộc nhừ, thái nhỏ. Cá hồi cho nước vào nồi hấp chín. Dọn cá và bắp cải vào đĩa, trộn sữa chua với sốt cà chua rồi rưới lên trên.
- Cá ngừ tuna đóng hộp (loại không có dầu) ninh củ cải bào. Cá ngừ Tsuna hộp: 15g, củ cải mài: một thìa nhỏ, nước dùng, sốt cà chua, một chút rau chân vịt hoặc rau cải xanh. Củ cải mài ra, trộn với cá ngừ tuna và nước dùng đun lên, nêm gia vị bằng sốt cà chua. Lá rau cải luộc chín băm nhỏ, cho vào khuấy đều.
- Trứng tráng với đậu cô-ve. Đậu cô-ve một quả, luộc nhừ băm nhỏ; trứng 1/2 quả. Đánh tan trứng với đậu, cho chút muối rồi tráng.
Độ mềm thức ăn cho trẻ 9-11 tháng – giai đoạn 1
Độ mềm thức ăn cho trẻ 9-11 tháng – giai đoạn 2
Giai đoạn 4: Ăn sam
Chất bột
- Cơm phủ cải thảo nấu thịt nguội. Cơm mềm: 90g, thịt nguội: một miếng, cải thảo: 50g, nước, bột năng: lượng vừa đủ. Cải thảo, thịt nguội: cắt nhỏ, cho vào nồi đun cho chín mềm. Nêm nếm gia vị vừa phải. Sau cùng hòa bột năng cho vào. Xới cơm vào bát rồi cho thức ăn phủ lên trên.
- Bánh mỳ phết kem trứng: bánh mỳ cắt mỏng: 1 miếng, lòng đỏ trứng: nửa quả, sữa tươi: 100ml, dâu tây: vừa đủ, bột năng: một thìa to, đường một thìa nhỏ. Bánh mỳ cắt thành 4 miếng nhỏ, dâu tây cắt miếng nhỏ. Cho trứng, sữa, đường và bột năng vào nồi đun sôi, quấy đều cho tới lúc sột sệt. Phết hỗn hợp này lên bánh mỳ, trên cùng rải dâu tây.
- Bánh xèo Nhật Bản: Bột mỳ: 1 thìa to, bắp cải 1/2 lá, trứng gà 1/2 quả, thịt lợn 5g, tôm khô sakura ebi 1 thìa nhỏ, chút muối và dầu ăn lượng vừa đủ. Bắp cải thái nhỏ, tôm khô bằm nhỏ. Cho bột muối và trứng vào bát lớn, cho nước vào hòa tan rồi cho tôm khô, bắp cải vào. Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu ăn. Cho hỗn hợp bột rau lên chảo, dàn mỏng vừa phải rồi cho thịt lợn đã thái nhỏ lên. Rán nhỏ lửa trong vòng độ 2 phút thì lật mặt, rán đến chín là được.
Rau, quả
- Bí đỏ hầm hành tây, tôm: bí đỏ gọt vỏ thái miếng vừa ăn: 38g, hành tây băm nhỏ: 10g, đậu hà lan:1~2 quả, nước dùng 50ml. Kem tươi: một chút. Bí đỏ, tôm lột vỏ cắt miếng nhỏ. Tất cả cho vào nồi đun chín. Nêm gia vị vừa ăn, lúc ăn rưới chút kem tươi.
- Rau tẩm bột rán: hành tây, nấm (tùy mùa có gì dùng nấy), cà-rốt, đậu ván: mỗi thứ lượng vừa đủ, bột mỳ, dầu rán. Tất cả nguyên liệu thái chỉ. Cho tất cả rau và bột vào bát lớn, cho nước lạnh vào trộn cho đều. Chia ra thành từng gắp nhỏ, rán ngập mỡ.
- Bắp cải trộn cam, quýt: Bắp cải thái nhỏ, cam, quýt bóc múi. Bắp cải luộc nhừ, trộn cùng cam, quýt đã bóc vỏ. Có thể trộn thêm chút sữa chua càng ngon.
Chất đạm
- Thịt lợn cuộn rau: Thịt lợn thái mỏng 20g; cà-rốt, cần tây (hoặc đậu cô-ve): mỗi thứ độ 15g; xì-dầu: một thìa nhỏ; đường, bột năng: một chút. Cà-rốt, cần tây (hoặc đậu cô-ve) thái chỉ. Trải miếng thịt ra, rắc bột năng lên trên rồi để các loại rau đã thái chỉ lên trên, cuộn lại. Lấy tăm găm lại. Cho mỡ vào chảo, rán qua cho thịt vàng, rồi đổ nước xăm xắp. Đun cho chín mềm thì thêm chút đường, xì-dầu, đun tiếp cho cạn hết.
- Cá hấp: Cá (cá trắng, cá hồi tươi):15g; hành tây, ớt chuông xanh: lượng vừa đủ; sốt mayonais: một thìa nhỏ. Cắt một miếng giấy bạc to vừa phải, bên trên quét một chút mỡ, để cá lên, trên để hành, ớt chuông thái chỉ lên trên. Trên cùng là quết mayonaise. Bọc lại cho vào lò nướng.
- Đậu phụ rán chan sốt nấm: Đậu phụ: 50g (1/6 bìa); nấm các loại, xì-dầu, nước, bột năng. Nấm cắt chân, cắt nhỏ vừa ăn, cho vào nồi với nước dùng đun chín. Nêm xì-dầu rồi đổ bột năng đã hòa nước vào đun cho sánh. Đậu phụ rán qua trên chảo, bắc ra đĩa, chan nước sốt nấm lên trên.
Độ mềm thức ăn cho trẻ 12-18 tháng
Bài viết được biên soạn bởi nhóm dinh dưỡng y học cộng đồng: Phạm Lan Anh, Ngô Lan Phương, Nguyễn Thúy Hiền, Trâm Vũ, Nguyễn Hữu Châu Đức, Mỹ Lương, Đậu Phan Ngọc Bích, Trần Thanh Thỏa, Hổ Péo, Nguyễn Hồ Minh Trang, Nguyễn Huyền Anh, Phạm Nguyên Quý, Nguyễn Thu Hoài, Nguyễn Thu Hồng, Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Huỳnh Trường Giang.
Tài liệu tham khảo
1.Trang web Bộ Y tế – Phúc lợi – Lao động Nhật Bản
http://www.mcfh.or.jp/jouhou/rinyushoku/index.html
2. Sách dạy nấu ăn dặm, ăn sam
はじめての離乳食
監修:上田玲子
帝京科大学教授・栄養学博士・管理栄養士
主婦の友社 出版