Truyền thông Trung Quốc hiện đang lên án Hoa Kỳ là “phân biệt chủng tộc” khi nói về các cuộc biểu tình cực đoan ở Mỹ vào cuối tuần qua. Tuy nhiên, khoảng một tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với sự chỉ trích dữ dội trên toàn cầu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Phi, vì nạn phân biệt chủng tộc với người da đen ở thành phố Quảng Châu của nước này.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), thành viên ưu tú trong đội quân “chiến binh sói” của chính quyền Trung Quốc, người đầu tiên đưa ra ý tưởng về việc quân đội Hoa Kỳ đem chủng mới của virus corona đến Vũ Hán nhưng không có bằng chứng, nói trong cuộc họp báo định kỳ hôm 1/6 rằng Mỹ đang phải đối mặt với các vấn đề chủng tộc.
“Cuộc sống và nhân quyền của người da màu cần được đảm bảo”, ông Triệu cho biết.
Tuy nhiên, vào thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, trong suốt tháng Tư và tháng Năm, người châu Phi tại Quảng Châu, Trung Quốc đã phàn nàn về việc họ bị chủ nhà đuổi khỏi nơi ở, phải xét nghiệm virus Vũ Hán nhiều lần mà không được thông báo kết quả, bị mọi người xa lánh và phân biệt đối xử. Các nhà hàng đưa bảng thông báo cho biết họ sẽ không phục vụ người da đen. Các khách sạn từ chối người da đen mặc dù họ có khả năng trả tiền phòng, dẫn đến trên đường phố Quảng Châu đầy những cư dân châu Phi phải ngủ trên mặt đất.
Các nhà ngoại giao, bộ trưởng và các quan chức từ khắp lục địa, bao gồm cả Liên minh châu Phi đã đả kích Bắc Kinh phân biệt đối xử với người da màu trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Trang nhất của tờ báo lớn nhất Kenya từng đặt tiêu đề “Người Kenya ở Trung Quốc: Hãy giải cứu chúng tôi khỏi địa ngục”. Các đài truyền hình ở Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng phát những video cho thấy người châu Phi bị đối xử phân biệt tại Trung Quốc.
Ngoài việc chỉ trích Mỹ phân biệt chủng tộc, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đã ví cuộc biểu tình bạo loạn ở Mỹ giống như các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ôn hòa ở Hồng Kông.
Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh và những người ‘thân’ Trung Quốc cố gắng ví cuộc biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông và cuộc bạo loạn ở Mỹ là giống nhau thì sự khác biệt giữa các cuộc biểu tình này lại rất dễ dàng để nhìn ra.
Tại Mỹ, bốn sĩ quan cảnh sát liên quan đến cái chết của cư dân da màu George Floyd đã bị sa thải. Viên cảnh sát gây ra cái chết của Floyd đã bị buộc tội giết người cấp độ ba và ngộ sát cấp độ hai. Điều này cho thấy các cảnh sát tại Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Tình hình khá khác biệt ở Hồng Kông, nơi cảnh sát luôn bị cáo buộc có hành vi tàn bạo đối với người biểu tình, nhưng Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Trưởng đặc khu Hồng Kông thừa nhận tồn tại những hành vi đó ở cảnh sát.
Tại Mỹ, các cuộc biểu tình được đưa tin trên toàn quốc, và các quan điểm khác nhau luôn được nêu lên trên truyền thông. Ý kiến về việc những người biểu tình là những kẻ bạo loạn cũng như ý kiến cho rằng các cuộc biểu tình là một cuộc đấu tranh cho bình đẳng và chống phân biệt chủng tộc ở Mỹ, tất cả đều được đưa lên trên truyền thông. Và đó là do Hoa Kỳ là một quốc gia tôn trọng tự do báo chí, tôn trọng tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc đại lục, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông cũng được đưa tin, nhưng luôn dưới một giọng điệu: Những người biểu tình ủng hộ dân chủ của Hồng Kông là những kẻ khủng bố do nước ngoài hậu thuẫn.
Hôm 1/6, hãng tin Reuters đưa tin rằng, các cuộc biểu tình của Hoa Kỳ hiện là một chủ đề nóng trên truyền thông Trung Quốc. Hãng tin này nhận thấy rằng truyền thông Trung Quốc đưa tin về các cuộc biểu tình ở Mỹ rất sát sao, theo sau là các biện pháp ngăn chặn virus corona ở Trung Quốc.
“Điều số một họ muốn thể hiện là Đảng Cộng sản Trung Quốc đang làm tốt hơn trong việc chống lại virus corona và quản lý xã hội. Thông điệp chính họ muốn gửi đến người dân là: Hoa Kỳ không làm tốt bằng Trung Quốc”, Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định.
The post Trung Quốc, nơi các nhà hàng cấm người da đen vào tháng trước, lên án Mỹ phân biệt chủng tộc appeared first on Đại Kỷ Nguyên.