Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán chưa có dấu hiệu chấm dứt, nạn châu chấu vốn hoành hành ở hơn 10 nước trên thế giới, giờ đây chúng với hàng trăm triệu con lại đang đổ bộ vào Trung Quốc. Nạn châu chấu bùng phát ở các tỉnh như Cát Lâm, Hồ Nam, Hắc Long Giang… Được biết, đàn châu chấu đang ở dạng ấu trùng, nhưng chúng di chuyển rất nhanh, mật độ lớn, rất nguy hiểm đối với nông sản.
Sở Nông nghiệp Nông thôn thành phố Cát Lâm ngày 5/6 đã gửi đi thông báo về việc khẩn cấp tiến hành các công việc điều tra, giám sát và phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là nạn châu chấu, yêu cầu nông dân địa phương tập trung tích cực làm tốt việc kiểm tra giám sát và phòng trừ nạn châu chấu.
Thông báo nêu rõ, thảm họa châu chấu đã xảy ra ở một số vùng đất hoang, đất rừng và đất đồi ở thành phố Giao Hà, thành phố Hoa Điện, huyện Vĩnh Cát, khu Long Đàm, khu Xương Ấp, khu Thuyền Doanh v.v.
Tính đến ngày 4/6, tổng diện tích bị ảnh hưởng của thành phố đã là khoảng 13,4ha, mật độ dày nhất là 50 con/m2. Hầu hết các loài côn trùng gây hại tấn công vào lá mầm của cây thân thảo lá rộng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến cả vùng rộng lớn lá cây đều bị ăn sạch. Khi thời tiết trở nên nóng hơn, châu chấu sẽ lan ra với tốc độ rất nhanh.
Hiện nay, châu chấu vẫn đang ở giai đoạn ấu trùng, hầu hết chúng hoạt động, sinh trưởng ở rìa cây, bụi cỏ và sườn dốc ở các khu hoang vắng. Cùng với thời gian, châu chấu sẽ lớn dần lên và sức di chuyển sẽ càng lớn. Châu chấu sẽ nhanh chóng lan sang đất nông nghiệp và mùa màng sẽ bị đe dọa nặng nề.
Không chỉ tỉnh Cát Lâm, Sở Lâm nghiệp tỉnh Hắc Long Giang cũng gửi đi thông báo khẩn cấp về việc tăng cường phòng tránh và xử lý nạn châu chấu. Nhắc nhở 5 khu vực và huyện (thị) xung quanh Cáp Nhĩ Tân đang phải hứng chịu thảm họa châu chấu nghiêm trọng và khu vực bị ảnh hưởng đã lên tới 24.631 mẫu. Ngoài ra, thảm họa châu chấu cũng xảy ra ở vùng ngoại ô của thành phố Giai Mộc Tư và huyện Hoa Xuyên. Các khu vực khác hiện chưa xảy ra thảm họa này.
Chuyên gia lâm nghiệp cho biết, hiện tại vẫn chưa đánh giá được hết những thiệt hại cho nạn châu chấu gây ra cho ngành nông nghiệp, dự kiến đến tháng 7, nạn châu chấu sẽ bùng phát mạnh vì đây là giai đoạn châu chấu trưởng thành, cũng là thời kì nạn châu chấu hoành hành mạnh nhất.
Ngày 8/6, báo mạng có bài cho biết, số liệu thống kê năm 2018 của Trung Quốc ghi nhận, tổng sản lượng lương thực của 3 tỉnh Đông Bắc đạt 133,3 tỷ kg, chiếm 20,3% tổng sản lượng lương thực cả nước. Vì thế, nếu nạn châu chấu bùng phát ở 3 tỉnh vùng đông bắc sẽ gây ra nạn đói nghiêm trọng.
Không chỉ vùng Đông Bắc, 1 video của cư dân mạng đăng tải cho thấy, tỉnh Hồ Nam cũng xuất hiện nạn này, ở huyện Ninh Viễn thành phố Vĩnh Châu đã phát hiện một lượng lớn châu chấu, chúng bám dày đặc vào hoa màu, nhà cửa, cây cối. Tuy nhiên, cho đến nay, phía chính quyền tỉnh Hồ Nam vẫn chưa có thông báo nào về nạn châu chấu.
Trước đó, ngày 2/3, Cục Lâm nghiệp đã ra thông báo khẩn, theo gió mùa, thảm họa châu chấu có thể đã xâm nhập vào Trung Quốc thông qua ba tuyến đường, từ Pakistan đến Tây Tạng, từ Myanmar đến Vân Nam và từ Kazakhstan đến Tân Cương.
Một chuyên gia đại lục được cử sang Pakistan để điều tra thảm họa châu chấu cho thấy, thảm họa châu chấu lần này còn nghiêm trọng hơn dự kiến. Không chỉ các cá thể lớn hơn mà chúng còn hung dữ hơn, nhóm chuyên gia thậm chí còn bị châu chấu cắn trong khi đi kiểm tra.
Vào ngày 15 tháng 3, truyền hình có đưa tin, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Tổng cục Hải quan và Cục Lâm nghiệp Quốc gia gần đây đã đưa ra một kế hoạch phòng ngừa và kiểm soát nạn châu chấu để nạn châu chấu sa mạc không tiến vào gây thảm họa.
Theo các phương án yêu cầu, đối với châu chấu trong nước, phải có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ở mức độ trung, làm tốt việc chuẩn bị phòng ngừa trên diện tích 10 – 12 triệu mẫu. Các khu vực xảy ra nạn châu chấu chính bao gồm Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông và Tân Cương.
Đại Lý Vân Nam ngày 10/3 đã dự trữ 15,5 tấn thuốc và 162 thiết bị phòng trừ, đội ngũ chuyên môn gồm 18 đội với tổng 460 người và 20 thiết bị điều khiển từ xa để loại bỏ châu chấu.
Báo cáo cho biết, một khi châu chấu sa mạc bùng phát, nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, phá hủy môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến trật tự cuộc sống bình thường và thậm chí trở thành một sự kiện gây ra khủng hoảng xã hội, trực tiếp đe dọa an ninh lương thực.
Theo Tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), đàn châu chấu có nguồn gốc từ một cơn bão hình thành ở biển Ả Rập vào mùa hè năm 2018. Môi trường đã thay đổi sau khi cơn bão tấn công các quốc gia ven biển, khiến đàn châu chấu hình thành ở Đông Phi giữa mùa thu và mùa đông cuối năm 2018, lan rộng ra biển đến Trung Đông, và dần dần xâm chiếm Pakistan và Ấn Độ vào nửa cuối năm 2019.
FAO trước đó đã đưa ra cảnh báo toàn cầu về thảm họa châu chấu sa mạc và nói rằng do kiểm soát ban đầu kém, thảm họa châu chấu sa mạc có thể tiếp tục cho đến tháng 6 năm 2020, đến khi đó, quy mô đàn châu chấu có thể tăng lên 500 lần so với hiện tại, trong vòng 1 năm rưỡi đã tăng lên 6.400 lần.
Châu chấu sa mạc được coi là loài gây hại di cư tàn phá nhất trên thế giới và có thể di chuyển 150km mỗi ngày. Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc, mỗi con châu chấu sa mạc ăn cùng trọng lượng với trọng lượng cơ thể của chính nó, khoảng hai gram.
Được biết, trên diện tích 1 km2, đàn châu chấu có thể ăn mất số lương thực cần cho 35.000 người mỗi ngày. Châu chấu nuốt chửng mùa màng, chợ búa sẽ không có gì để bán và động vật không có gì để ăn. Khoảng 19 triệu người ở miền đông châu Phi đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thiếu lương thực.
Paya, một chuyên gia kiểm soát dịch hại của Tổ chức lương thực Liên Hợp Quốc cho rằng, năm 2020 là một năm hoành hành của nạn châu chấu. Chúng ta không thể chờ nó chết, nếu không toàn bộ khu vực sẽ bị nuốt chửng bởi thảm họa châu chấu, đó là một cuộc khủng hoảng lớn.
Một số cư dân ở Hồ Bắc nói rằng, từ năm ngoái tới nay, một loạt các dịch bệnh xảy ra không ngừng: “Trong những năm cuối của một vương triều, tất cả các loại thảm họa đều thể hiện rất rõ. Nhìn lại lịch sử các triều đại của Trung Quốc chúng ta sẽ thấy, mỗi khi một triều đại nào đó chuẩn bị bị thay thế, thì các loại thiên tai địch họa như hạn hán, châu chấu, mưa đá, tuyết tháng sáu và các hiện tượng khác đều sẽ xuất hiện. Đây dường như là quy luật của lịch sử”.
Theo ntdtv.com,
Quỳnh Chi dịch và biên tập
The post ‘Thông báo khẩn cấp’ nạn châu chấu hoành hành ở nhiều tỉnh Trung Quốc appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-11 12:39:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/thong-bao-khan-cap-nan-chau-chau-hoanh-hanh-o-nhieu-tinh-trung-quoc.html