Trần Dương, một người dân sống ở đường Lưỡng Giang, thị trấn Song Giang, thành phố Lệ Phố thuộc thành phố cấp thị Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, nói với phóng viên của Thời báo Epochtimes rằng những người già địa phương nói rằng, từ sau năm 1949, hơn 70 năm nay, họ chưa bao giờ nhìn thấy trận lũ nào lớn như vậy trong đời, thậm chí ngay cả nghĩ cũng không bao giờ nghĩ tới.
Trần Dương nói: “Dân làng chúng tôi nhìn thấy có người bị nước lũ cuốn trôi, nhưng lại không sao tìm được. Nước lớn như vậy, chúng tôi cũng chỉ mới bắt đầu dọn dẹp trong hai ngày này. Trong quá trình dọn dẹp, tạm thời vẫn chưa nói chắc được gì cả”.
Do mưa lớn kéo dài, các thị trấn Song Giang, thị trấn Hoa Cống và thị trấn Mã Lĩnh của thành phố Lệ Phố thuộc thành phố cấp thị Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây đã bị ngập lụt nghiêm trọng do chính quyền xả lũ các con đập khiến cho nhiều thôn làng bị mất nước mất điện, nhà sập cửa đổ.
Trần Dương cho biết, dân số của làng ít nhất khoảng hai ba nghìn người. Toàn bộ thôn làng nơi anh đang ở đều đã chìm trong biển nước, từ tầng một của ngôi nhà trở xuống tất cả đều bị ngâm trong nước. Mực nước cao nhất của nước lũ ít nhất vào tầm hai hoặc ba mét.
Anh nói: “90% các ngôi nhà làm từ bùn đất tất cả đều đã mềm nhũn cả, về cơ bản đều đã đổ sập. Những nhà không bị sập thì cũng không có ai dám sống trong đó nữa”.
Các hồ chứa nước xả lũ, nước lũ mau chóng dâng cao khiến dân làng trở tay không kịp.
Hồ chứa nước xả lũ, nước lũ dâng lên chỉ trong vài phút
Trần Dương nói rằng, con sông ở thị trấn Song Giang là bộ phận của sông Châu Giang, mực nước trên sông Long Bình và một con sông khác đột nhiên tăng vọt, sở dĩ nghiêm trọng như vậy, một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất chính là con đập Đại Giang ở thượng nguồn đã mở cống xả lũ, ngoài ra còn có một hồ chứa nước cỡ nhỏ khác bị vỡ.
Ông Trần nói rằng thị trấn Song Giang là nơi giao giới của hai con sông. “Trong vài phút, nước sông đã dâng lên, dân làng không kịp phòng bị”.
“Có một dân làng khi lái xe rời khỏi nhà được năm, sáu trăm mét, đột nhiên nước dâng lên, anh ta không kịp quay trở lại nhà, nước mạnh như vậy mà”. Trần Dương nói, hai trong số ba chiếc xe điện của nhà anh đã nhanh chóng được chuyển lên trên lầu, còn chiếc kia đã bị nước nhấn chìm”.
“Vậy nên nói việc di tản là không thực tế. Những người già nói rằng họ chưa bao giờ gặp phải chuyện như vậy trong đời”. Ông nói rằng không chỉ thị trấn Song Giang, mà cả thị trấn Hoa Cống và thị trấn Mã Lĩnh ngay bên cạnh cũng đều ngập trong biển nước.
“Một nhà ba người người chỉ nhận được một cái bánh bao”
Sau trận lụt, Trần Dương nói rằng người dân trong làng chỉ có thể tự nghĩ cách cứu mình, “Anh giúp tôi, tôi giúp anh, nước rút rồi, tự mình phải kiếm cái gì ăn đã. Trông chờ vào chính phủ là điều không thể, họ không cung cấp chỗ ở, đồ ăn và nước uống cho chúng tôi”.
Anh nói rằng anh nghe nói rằng chính quyền của thị trấn khác phân phát một chút mỳ tôm cho người dân, cũng có người nhà anh nói rằng có gia đình có ba người mà chỉ nhận được một cái bánh bao, kỳ thực cũng bằng như không cho gì cả. Tuy nhiên những thông tin này đều đã bị chặn”.
Ông còn nghe nói rằng chính phủ đầu tiên đã phân phát cho một gia đình một túi gạo, một thùng dầu ăn và cháo bát bảo, người dân đã uống số cháo đó. Nhưng không ngờ rằng sau đó người của chính phủ lại đến tận nhà của người dân để buộc họ giao ra những món đồ cứu trợ đã nhận được, cũng yêu cầu người dân phải bù thêm số cháo đó nữa. Lý do là nhà của họ không bị sập, vậy nên không được tính là dân bị nạn.
Trần Dương nói rằng hiện giờ nước trong làng đã rút, mọi người đều đang dọn dẹp bùn đất, nhưng có những nơi vẫn không có điện, nước giếng cũng không dùng được.
Ông nói rằng sau thảm họa, 95% ngôi nhà làm từ đất bùn đã bị sập, nhiều dân làng đều rơi vào cảnh không nơi tá túc, nhưng đến nay chính quyền địa phương vẫn phớt lờ tình cảnh khốn khó của người dân, dân làng chỉ còn biết tìm đến người thân và bạn bè để tự giải quyết.
Ngoài ra, toàn bộ số hoa màu của dân làng đều đã mất trắng, và cũng không biết liệu họ có nhận được khoản trợ cấp nào từ nhà nước hay không. “Nhưng dù thế nào, người ta vẫn cần phải sống tiếp, họ (chính phủ) vốn không xem trọng mạng sống của người dân đến vậy”.
Truyền thông nhà nước “mờ nhạt hóa” thiên tai
Cho đến nay, những cơn mưa lớn đã khiến cho mấy triệu người dân ở 8 tỉnh bao gồm Giang Tây, Hồ Nam và Quảng Tây… bị ảnh hưởng. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, video và hình ảnh được đăng tải bởi nạn nhân địa phương khiến người xem không khỏi giật mình chua xót. Nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề, vô số ngôi nhà bị chìm trong biển nước, vô số xe cộ bị nước cuốn trôi, vô số thôn trấn và đường phố bị chìm trong nước…
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ lại cố tình “mờ nhạt hóa” một trận lũ nghiêm trọng như vậy. Có người tìm kiếm trên trang chủ của trang “Xinhuanet.com” nhưng không thấy một tin tức nào về lũ lụt ở miền nam Trung Quốc. Những thông tin về thảm họa trên các trang web chính thức khác cũng chỉ lèo tèo thưa thớt.
Có cư dân mạng chế giễu rằng để chứng minh mưa bão và lũ lụt xảy ra ở miền Nam, anh đã cố tình bật tin tức trên TV và muốn xem miền nam đã bị nhấn chìm thành như thế nào? Đồng bào ở miền nam có ổn hay không? Kết quả là, những gì anh ta nhìn thấy trên TV là đài truyền hình đang dốc hết công suất phát sóng về tình hình hỗn loạn của đế quốc Hòa Kỳ, và nụ cười hả hê vui sướng khi người khác gặp họa của người dẫn chương trình!
Cũng có người trong giới truyền thông đăng tải dòng cảm xúc rằng: “Trên điện thoại di động của tôi, trên mục tin tức của các phương tiện truyền thông nhà nước, các trang web có rất ít tin tức về bão lũ ở miền Nam. Nhìn vào thì thấy như trận lũ đã quét qua nhiều tỉnh và thành phố ở phía nam, gây ngập trên diện rộng, làm vô số thôn trấn và đường phố bị chìm trong nước; khiến đường xá sụt lún, giao thông gián đoạn,… như thể chúng chưa bao giờ xảy ra vậy”.
“Sống chết của đồng bào họ không chút quan tâm, còn sống chết của người Mỹ lại khiến họ đau đớn như chết cha chết mẹ vậy! Đây có phải là ăn cây táo rào cây sung hay không? Tất nhiên là vậy! Tiền họ kiếm là của người dân Trung Quốc, còn điều họ quan tâm lại là chuyện sống chết của người Mỹ! “.
The post Nạn nhân vùng lũ Trung Quốc: chưa bao giờ thấy trận lũ nào lớn như vậy trong đời appeared first on Đại Kỷ Nguyên.