Nước hồ Lonar, một khu du lịch ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, đột nhiên biến thành màu hồng sáng thơ mộng chỉ sau một đêm. Các chuyên gia vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác của sự đổi màu này.
Hồ Lonar nằm ở Lonar, bang Maharashtra của Ấn Độ và được phát hiện vào năm 1823. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, đây là hồ thiên thạch được hình thành do tác động của thiên thạch rơi cách đây 50.000 năm. Nó có đường kính trung bình 1,2 km và sâu 150 mét. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở Ấn Độ. Rất nhiều nhà khoa học đã tới đây để nghiên cứu địa chất.
Theo thông tin truyền thông, nước hồ Lonar đột nhiên đổi màu từ màu xanh ngọc sang màu hồng sáng chỉ sau một đêm. Thông tin này gây sự chú ý của người dân địa phương và các nhà địa chất. Nhà địa chất học Ấn Độ, Gajanan Kharat nói rằng, trước đây nước hồ Lonar cũng đã từng chuyển sang màu hồng, nhưng nó chưa bao giờ sáng như lần này. Ông cho rằng, vì năm nay mực nước hồ giảm nên dẫn đến sự gia tăng độ mặn và một số thay đổi khác. Nhưng cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác ở đây là gì.
Một số chuyên gia suy đoán rằng, do dịch bệnh hoành hành khiến các nhà máy, công ty phải tạm dừng hoạt động dẫn đến mức ô nhiễm tại các thành phố của Ấn Độ giảm và hoạt động của con người giảm đi do lệnh giãn cách xã hội có thể là nguyên nhân dẫn tới việc nước hồ đổi màu.
Trên thực tế, ngoài hồ Lonar, hồ Hillier nằm trên một hòn đảo nhỏ ở miền nam nước Úc cũng nổi tiếng thế giới vì nước hồ có màu hồng. Khi độ mặn của hồ tăng lên, tảo trong hồ sẽ phát triển mạnh và tạo ra lượng carotene khổng lồ làm cho nước hồ có màu hồng độc đáo. Màu của nước hồ Hillier, không phải lúc nào cũng là màu hồng, nó sẽ thay đổi theo sự thay đổi của độ mặn, thể hiện các sắc thái khác nhau từ xanh nhạt đến đỏ đậm.
The post Nước hồ thiên thạch 50.000 năm tuổi ở Ấn Độ bỗng chuyển sang màu hồng sáng appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-13 02:39:02