ĐĂNG TIN
logo
Online:
Visits:
Stories:
Profile image
Tác giả: BINVIET News
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Người đàn ông đi bộ khắp thế giới và suy ngẫm về đại dịch
Wednesday, June 3, 2020 18:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.


Người đàn ông 58 tuổi – Paul Salopek là một nhà văn, nhà báo đến từ nước Mỹ. Ông đã 2 lần giành được giải thưởng Pulitzer (một trong những giải thưởng danh giá nhất về báo chí tại Mỹ) cho những cống hiến bền bỉ của mình. Gần đây trong khi tự cô lập tại Myanmar, ông đã hồi tưởng lại những trận đại dịch trong quá khứ, để rồi suy ngẫm về ý nghĩa của tai họa toàn cầu mới đây nhất mang tên COVID – 19.


(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Hơn 7 năm qua, “nhà lãng du” Paul Salopek trên hành trình phiêu lưu vạn dặm của mình, men theo dấu chân di cư của tổ tiên loài người (Out of Eden Walk), đã lặng lẽ di chuyển từ phía đông châu Phi hướng đến mũi cực nam của châu Mỹ… theo đường bộ. Xuyên qua các biên giới và làng mạc, “nhà lãng du” chậm rãi thuật lại cho nhân loại những câu chuyện cổ kính qua nhiều thời đại với nhịp độ 3 dặm 1 giờ của người đi bộ. Và như ông nói: “Đi bộ thật là tốt. Biết đâu trên những con đường mòn ấy, một lúc nào đó ngước nhìn về phía chân trời xa xa, bỗng nhiên bạn bắt gặp chính mình…”

Nhưng bất ngờ giữa chừng chuyến phiêu lưu ngang qua khu vực Đông Nam Á, đại dịch COVID-19 đã khiến ông Paul phải dừng chân tại thị trấn nhỏ Putao, dưới chân đồi Himalaya thuộc Myanmar. Trong thời gian cách ly tại nơi đây, ông đã có những chiêm nghiệm về ý nghĩa của các trận đại dịch trải dài từ quá khứ cho đến hiện tại. Và dưới đây là những suy tư ấy:

Sự sụp đổ của đế chế Mông Cổ, thời suy tàn của phong kiến châu Âu cho đến những ngày rực rỡ của Thời kỳ Khai Sáng, tất cả các cột mốc này đều có mối liên kết đến một vùng hồ thuộc khu vực núi cao tại Trung Á được gọi là Issyk Kul, nơi đã từng phát ra tiếng vọng…của một loài bọ chét.

Mặt hồ khép kín như một con mắt xanh khổng lồ dưới chân dãy núi Thiên Sơn phủ đầy tuyết ở Kyrgyzstan, xung quanh bờ hồ Issyk Kul ngày nay vẫn còn rải rác những khu nghỉ mát buồn tẻ thời Xô Viết. Nhưng vào 7 thế kỷ trước, mặt hồ dài 113 dặm này lại chính là một trung tâm sầm uất trên con đường tơ lụa, và đồng thời cũng là ứng cử viên số một, khởi nguồn cho sự bùng phát của một trong những trận đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nhân loại – đại dịch Cái Chết Đen, lan rộng khắp các lục địa của Cựu Thế giới vào hồi thế kỷ 14.

Các nhà sử học cho biết, những con bọ chét mang mầm bệnh bám trên thân một giống chuột và theo chân các đoàn lữ hành gieo rắc loài vi khuẩn chết chóc. Từ đó đã làm suy tàn các vương quốc, bẻ gãy các nền kinh tế và cuối cùng thúc đẩy lối tư duy thế tục trong một xã hội Trung Cổ bị choáng váng bởi sự mất mát và vỡ mộng về niềm tin.

Tôi đã ghé thăm hồ Issyk Kul trong khi đi bộ từ phía tây sang phía đông vùng Trung Á.

Từ năm 2013, tôi đã lần theo dấu chân của lớp người săn bắn hái lượm đầu tiên từ Châu Phi đến Nam Mỹ trong thời kỳ đồ đá. Chuyến đi bộ xuyên lục địa này là một dự án kể chuyện, và bề dày lịch sử nhân loại chính là tấm bản đồ của tôi. Cung đường tôi đi qua cho đến nay đã kéo dài hơn 11.000 dặm, mỗi ngày tôi hầu như đều bắt gặp những công trình và những tiến bộ bất tận trên cuộc hành trình dài của loài người chúng ta. Từ các tháp điện thoại di động mới xen kẽ các thảm hóa thạch của chủng người Hominin tại Ethiopia, cho đến các bãi săn bắt khổng lồ thời đồ đá bị quên lãng trên những thảo nguyên của Kazakhstan giờ đã không còn bóng dáng dù chỉ một con linh dương.

Tuy nhiên, gần đây khi phải tạm ngừng chuyến “di cư” của mình tại Myanmar để chờ đợi đại dịch COVID-19 qua đi, tâm trí tôi lại liên tục lẩn quẩn quanh khu vực bờ đá hồ Issyk Kul – một mắt xích mờ mịt trong lịch sử.


(Ảnh: Shutterstock)

Cảm giác khi bạn đang sải bước trên Trái đất giữa một trận đại dịch sẽ như thế nào?

Thật khó nói.

Khi câu chuyện về virus corona chỉ vừa được tung ra khỏi miền bắc Trung Quốc vào tháng 12, tôi đã vắt vẻo trên những con đường mòn, lên ý tưởng cho cuốn sách về sự tự cô lập của một nhà văn từ lâu rồi.

Thật đấy, khi một đời rong ruổi hết vùng đất này qua vùng đất khác, bạn sẽ phải học cách thích nghi với đủ các loại mầm bệnh.

Lúc lang thang đến khu vực Levant đông đúc sau khi rời khỏi các sa mạc bỏng rát và vô khuẩn của vùng Ả Rập Saudi, ngay lập tức tôi đã bị một chủng viêm phổi tàn bạo ập đến. Hướng dẫn viên người Palestine của tôi lúc ấy chỉ buông một câu: “Đến lúc ông phải tự bắt một chiếc xe buýt rồi”. Sau đó hất tôi xuống loạng choạng dưới một con đường mưa ở vùng Bờ Tây. Rồi bệnh kiết lỵ hành hạ tôi ở Lahore, Pakistan đã làm chững lại tiến trình của tôi trong nhiều tuần. Và những cơn sốt không rõ nguồn gốc ở Ấn Độ đã hoành hành như vô số hạt kim sa bùng cháy khắp cơ thể khiến tôi xây xẩm mặt mày.

Một số người thu thập hình ảnh cho trang Instagram của họ từ những chuyến du lịch. Còn tôi thì đi góp nhặt đủ các loại bệnh. Nhưng dù sao thì lượng kháng thể đổi lại được cũng hữu ích hơn nhiều. Các đoàn người du mục chúng tôi vẫn luôn tồn tại theo cách này.

Di tích của chủng người Hominin được đào lên ở Thổ Nhĩ Kỳ đã minh chứng rằng căn bệnh lao với nguy cơ lây nhiễm trầm trọng đã để lại dấu vết trong phổi chúng ta suốt 500.000 năm đằng đẵng. Trong khi đó, DNA của một chủng vi sinh vật được tách chiết từ các khu chôn cất ở châu Âu cho thấy bệnh dịch hạch đã tàn phá lục địa này nhiều lần: một trận đại dịch thời đồ đá đã xóa sổ quần thể dân cư cách đây 4.800 năm, điều này có khả năng đã mở ra vùng đất trống trải cho những người chăn gia súc di cư từ vùng thảo nguyên Ukraine hiện đại.

Lúc này có lẽ bạn đã nhận ra rằng lữ hành là một nghề nghiệp cô đơn.


(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Tuy nhiên, ngày nay với 7,7 tỷ người đang giành giật sinh tồn trên bề mặt Trái đất, ngao du từ chân trời này đến chân trời khác lại là một công việc ấm cúng. Vào cuối mỗi ngày, hành trình của tôi đều có sự góp mặt của con người. Tôi đã ăn chung các đĩa thịt cừu mansaf được nướng cùng với sữa chua ở Jordan. Tại Afghanistan, tôi tắm cùng đám đông (nam) trong các suối nước nóng công cộng. Từng ngày đều đi bộ cho đến lúc hoàng hôn trong 7 năm qua, tôi đã ngủ trên hàng trăm chiếc giường của những gia đình khác nhau, thỉnh thoảng còn ngủ chung với những người chủ nhà, từ châu Phi cho đến Đông Nam Á. Du hành giữa Kỷ Nhân Sinh, xa cách xã hội là điều không thể.

Và đây cũng chính là điều tôi lo lắng về COVID-19: loài virus lại có khả năng thao túng sự kết nối tối quan trọng giữa người với người. Hy vọng vừa chớm nở về những cung đường xuyên lãnh thổ có thể phải khép lại.

Parag Khanna, một chuyên gia quan hệ quốc tế người Ấn Độ đã trấn an tôi: “Ý tưởng rằng COVID-19 bằng một cách nào đó sẽ đóng cửa thế giới, rằng các bức tường và biên giới đang được dựng lên ở khắp mọi nơi là quan điểm phi thực tế của một nhóm người thiểu số phương Tây. Tôi thấy rằng đại dịch lại đang thật sự củng cố các xu hướng hiện có theo lối toàn cầu hóa.”

Một loài virus có chiều rộng chỉ bằng một phần nghìn sợi tóc đã giết chết ít nhất 330.000 người, lây nhiễm thêm hơn 5 triệu người và khiến hàng triệu dân lao động đang khỏe mạnh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Khanna dự đoán:“Tất cả điều này chỉ đơn thuần là đang lập lại trật tự quốc tế. Châu Á với dân số và của cải dồi dào, sẽ trở thành đế chế mới.”

Tôi thoáng thấy biểu hiện của sức sống đó ở Mandalay, Myanmar, nơi tôi trú ẩn tại chỗ trong suốt mùa đông của dịch COVID-19. Các chủ cửa hàng địa phương kết nối với nhau bằng điện thoại để cung cấp thức ăn cho những người vô gia cư bị bỏ rơi. Ko Win Aung, một nhân viên cứu trợ tình nguyện trong lúc lái xe đưa tôi đi khắp thành phố, đã thốt lên: “Thật tội nghiệp cho NewYork! Không thể để điều đó xảy ra tại đây.”

Đây không phải là sự đồng cảm theo phong cách “hậu 11 tháng 9”. Nó giống như sự thương hại dành cho một ông chú già yếu ớt hơn. Myanmar với dân số 54 triệu người và phải thừa nhận rằng rất ít xét nghiệm, chỉ báo cáo 199 trường hợp nhiễm bệnh và 6 ca tử vong vì COVID-19. Trong khi Hoa Kỳ lại chiếm gần một phần ba số ca nhiễm bệnh nặng của thế giới.

Lịch sử toàn cầu thì đang tăng tốc còn chuyến du hành quanh Trái đất của tôi lại bị trì hoãn. Các nước phát triển đang mở cửa giao thương trở lại một cách thận trọng. 

Sau khi tự cách ly được 3 tuần, tôi đã chuyển đến một thị trấn nông thôn biệt lập giữa những ngọn đồi thoai thoải của dãy núi Himalaya, nơi đây có nguồn cung cấp thực phẩm đáng tin cậy. Điện đóm rồi sẽ quay trở lại. Gió mùa sẽ sớm tràn ngập các con đường. Nhưng những điều này hãy còn tầm thường lắm. So với những người cổ đại mà tôi vẫn luôn lần theo, đã ủ mình trong suốt 10.000 năm trên vùng cầu đất bắc ngang lục địa giữa Siberia và Alaska, đằng đẵng chờ đợi di cư khi sông băng tan chảy và cầu đất biến đi.

Nếu không thu hoạch được gì hơn, những chuyến cuốc bộ đường dài vẫn có thể dạy cho con người về lòng kiên nhẫn. Và rằng điểm đến trên các cuộc hành trình bất tận vẫn luôn là những đốm sáng mơ hồ…

Theo National Geographic
Đỗ Hoàng dịch

Xem thêm:

The post Người đàn ông đi bộ khắp thế giới và suy ngẫm về đại dịch appeared first on Trí Thức VN.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.