Vào ngày 17/6, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán tại Hawaii. Tuy nhiên, thông cáo do cả hai bên đưa ra sau đó cho thấy các cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi.
Cùng ngày, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump đã ký luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Giới chuyên gia nhận định, việc Tổng thống Trump ký “Đạo luật Chính sách Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2020” là một đòn giáng mạnh vào chính quyền Bắc Kinh.
Jim Risch, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói trong một tuyên bố: “Ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo thiểu số khác đã bị giam giữ, điều này cần phải bị lên án và không thể tha thứ, và Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải bị truy tố trách nhiệm”.
Mỹ – Trung đàm phán nhưng không có kết quả
Vào ngày 17/6, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Giám đốc Văn phòng Đối ngoại Trung Quốc và đoàn tùy tùng đã đến Mỹ để đàm phán với ông Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trang tin có trụ sở tại Hồng Kông HK01 dẫn lời quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, vào lúc 9 giờ sáng ngày 17/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo và ông Dương Khiết Trì đã tổ chức một cuộc họp kín tại Căn cứ Không quân Hickam ở Trân Châu Cảng, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun cũng tham dự.
Trước đó, Washington đã không công bố chương trình nghị sự trong cuộc đàm phán. Dư luận cho rằng, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề như thương mại Mỹ-Trung, đại dịch viêm phổi Vũ Hán và Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông của Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông cáo do cả hai bên đưa ra sau đó cho thấy các cuộc đàm phán đã không đạt được kết quả như mong đợi.
Sau cuộc hội đàm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, ông Pompeo nhấn mạnh đến lợi ích của Hoa Kỳ và cần thiết phải “giao dịch có lợi toàn diện” (fully-reciprocal dealings) trong kinh doanh, an ninh và ngoại giao của hai nước.
Ông Pompeo nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Trung Quốc cần chia sẻ thông tin minh bạch hoàn toàn trong việc chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trước đây, ông Pompeo từng thẳng thắn chỉ trích chính quyền Trung Quốc không công khai thông tin về dịch bệnh và ngăn cản nhóm chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc của virus.
Theo Tân Hoa Xã – hãng truyền thông thuộc sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc, quan chức hai nước đã nêu lên quan điểm của họ về quan hệ Mỹ-Trung và các vấn đề chung của quốc tế cùng khu vực, nói rõ lập trường hai bên và đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc.
Dư luận cho rằng, từ các thông cáo báo chí của hai bên cho thấy, các cuộc đàm phán đã không đạt được bất kỳ kết quả nào.
Hiện tại, Hoa Kỳ đang có thái độ cứng rắn đối với chính quyền Trung Quốc về các vấn đề như xử lý dịch bệnh và Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai cáo buộc Bắc Kinh che giấu dịch bệnh, gây ra thảm họa trên toàn thế giới.
Các nghị sĩ Mỹ đề nghị trừng phạt quan chức Trung Quốc
Ngoài Đạo luật Nhân quyền cho người Duy Ngô Nghĩ, có khoảng 150 thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ đã thành lập “Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa” (the Republican Study Committee) để ban hành chiến lược an ninh quốc gia có tên là “Củng cố Hoa Kỳ và đối phó các mối đe dọa toàn cầu” (Strengthening America & Countering Global Threats).
Bản chiến lược dài 115 trang này nhằm “chống lại các hành động làm suy yếu lợi ích Hoa Kỳ của chính quyền Trung Quốc, định hình lại trật tự thế giới và thúc đẩy các lý luận quản trị thay thế”.
Theo bản chiến lược, chính phủ Hoa Kỳ nên áp các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ, cấm thị thực Hoa Kỳ đối với các nhà lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, bao gồm 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung ương, 205 ủy viên Ủy ban Trung ương, 171 ủy viên dự khuyết, và 2.280 đại biểu trong Đại hội 19 của ĐCSTQ, cùng vợ hoặc chồng và con cái của họ.
Ngoài ra bản chiến lược còn đề xuất xử phạt toàn bộ các quan chức Bộ Mặt trận Thống nhất và các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, về việc ĐCSTQ vận động tăng cường sức ảnh hưởng ở hải ngoại, giam giữ trái phép người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và đàn áp tự trị ở Hồng Kông.
Các đối tượng bị trừng phạt gồm: Uông Dương (Wang Yang) và Hàn Chính (Han Zheng) – ủy viên Ban Thường vụ Bộ chính trị, Hạ Bảo Long (Xia Baolong) – phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị, Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie) – Bí thư Đảng ủy Tây Tạng, Trần Toàn Quốc (Chen Guoquan) – Bí thư Đảng ủy Tân Cương, và Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) – giám đốc Văn phòng Liên lạc Trung Quốc tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông…..
Một số phương tiện truyền thông Hồng Kông bình luận, việc Mỹ trực tiếp áp các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ là đòn răn đe “cứng rắn” hơn nhiều so với trừng phạt thuế quan và tỷ giá hối đoái. Số tiền mà người thân các quan chức ĐCSTQ chuyển đến Hoa Kỳ là một chữ số thiên văn. Mặc dù họ luôn miệng khăng khăng bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, nhưng thực tế họ đang lo lắng cho khối tài sản kếch xù của họ.
Theo NTDTV
Bảo Thư tổng hợp
The post Mỹ – Trung đàm phán nhưng không có kết quả appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-18 23:00:02
Nguồn: https://www.dkn.tv/the-gioi/my-trung-dam-phan-nhung-khong-co-ket-qua.html