Tháng 3/2011, Giám đốc an ninh của Tổng thống Barack Obama James Clapper nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng, sau khi cân cả năng lực và mục tiêu, Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra cho nước Mỹ mối nguy hiểm cao nhất, sau đó mới đến Nga.
Theo nhận định của Joseph Bosco, cựu giám đốc về Trung Quốc của Bộ Quốc phòng, trong những năm tiếp theo, đối diện với phản ứng rời rạc của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ để bành trướng và tăng cường các hoạt động thù địch chống lại lợi ích và các giá trị của Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Trump thì khác. Nhất quán từ ngôn từ kêu gọi về một đường lối khác với Trung Quốc, chỉ trong vòng vài tháng sau khi nhậm chức, Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Trump đã mô tả cuộc tấn công đa diện của Trung Quốc vào các giá trị Mỹ như: “Trung Quốc đang sử dụng xúi giục và trừng phạt kinh tế, các chiến dịch gây ảnh hưởng, …các mối đe dọa quân sự đầy ngụ ý, các chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng và thương mại để thúc đẩy tham vọng địa chính trị của mình”.
Cùng với Chiến lược An ninh, chính quyền Trump cũng đặt các quân bài chính trị của mình trên bàn cờ thế giới: “Sau hàng thập kỷ được đối xử bằng chủ nghĩa hào phóng phương Tây, Trung Quốc và Nga đáng ra phải thể hiện sự tiết chế chiến lược, thiện chí và hợp tác với chúng ta, nhưng họ đã không. Do đó từ nay trở đi, Trung Quốc và Nga sẽ phải được coi như “những đối thủ cạnh tranh chiến lược” và “các cường quốc xét lại”.
Ông Trump bắt đầu đánh mạnh vào thương mại, một vấn đề cốt yếu của một quốc gia giàu lên nhờ xuất khẩu như Trung Quốc, do đó nó giúp bung ra mọi vấn đề khác của quyền lực Trung Quốc đang nổi lên. Sau chuỗi đàm phán dai dẳng và quyết liệt kéo dài gần 2 năm, Trump và đội ngũ của mình đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, một khởi đầu để xóa bỏ các điều khoản bất công mà Mỹ từ lâu phải chịu khi giao thiệp với Trung Quốc, chẳng hạn vấn đề bản quyền và tài sản trí tuệ.
Việc Bắc Kinh hứa hẹn thay đổi cấu trúc nền kinh tế được trông đợi sẽ tạo ra một khoảng tự do mới trong hệ thống cộng sản, một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một quan điểm lành mạnh hơn về thế giới từ Trung Quốc. Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến tiến trình này đột ngột dừng lại.
Trong sổ tay chiến lược ngoại giao của mình, ông Trump chú tâm vào kinh tế và xây dựng một điều mà ông kỳ vọng có thể trở thành mối quan hệ cá nhân hiệu quả giữa ông và lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên thay mặt của chính quyền Trump, các quan chức cấp dưới, đặc biệt là Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thể hiện quan điểm cứng rắn của chính quyền về vấn đề nhân quyền Trung Quốc cũng như các rủi ro an ninh khu vực và thế giới mà Trung Quốc đặt ra.
Đài Loan từ lâu đã là điểm bùng nổ trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng bất chấp khả năng khiến Trung Quốc nổi giận, khi vừa đắc cử, ông Trump vẫn nhận cuộc gọi chúc mừng từ Tổng thống Thái Anh Văn. Sau khi nhậm chức, ông Trump liên tiếp thực thi các sáng kiến nhằm mở rộng địa vị của Đài Loan như là một đối tác dân chủ và an ninh quan trọng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bỏ qua hàng thập kỷ dấp dỏm e ngại về việc gửi Tàu chiến Hải quân tới thị uy tại Eo biển Đài Loan, chính quyền Trump đã khởi động chương trình tuần tra thường xuyên ở khu vực này và thúc giục các đồng minh làm điều tương tự, tất nhiên dưới con mắt giận dữ và dò xét của Trung Quốc.
Tại Biển Đông, Trung Quốc đã gần như thành công trong việc biến khu vực biển giàu có tài nguyên này trở thành ao nhà của mình. Bắc Kinh dồn dập xây dựng các hòn đảo nhân tạo để đủ khả năng vũ trang hóa thành các tiền đồn quân sự dưới sự phớt lờ của chính quyền Obama. Trung Quốc phản bác lại phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016, tiếp tục các hoạt động bành trướng quân sự của mình trong khu vực mà không phải trả một cái giá nào. Nhưng từ năm 2017, Hải Quân Mỹ thường xuyên thách thức Trung Quốc bằng cách lướt tàu chiến quanh các hòn đảo nhân tạo dưới thái độ cứng rắn hơn chiến lược “đi lại vô hại” thực hiện bởi chính quyền trước đó. Tháng 6/2020, Mỹ gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc, bác bỏ yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc.
Về dân chủ và nhân quyền, chính quyền Trump không hề bị thụt lùi trong hành động như nhiều người nhìn vào việc nhiều lần ông tung hô mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tập Cận Bình để chỉ trích. Không chỉ ở Đài Loan, giới chức Mỹ còn can thiệp và ra các đạo luật trừng phạt quan chức Trung Quốc vi phạm nhân quyền, dân chủ tại Hồng Kông cũng như trong vấn đề Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pence, một người được Trump trọng dụng, đã trở thành cái gai trong mắt chế độ Trung Quốc khi ông tuyên bố “Trung Quốc không phải là kẻ địch của Mỹ, mà là Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông Pompeo cũng kêu gọi thế giới chú ý tới hệ thống trại cải tạo khét tiếng của Trung Quốc ở Tân Cương, nơi người Hồi giáo thiểu số bị cưỡng bức “chuyển hóa”.
Theo ông Bosco, từ những hành động trên và các ví dụ khác của việc chính quyền Trump mạnh mẽ đối đầu với các hành vi không thể chấp nhận nhưng trong thời gian dài lại được dung thứ bởi chính quyền tiền nhiệm đối với ĐCSTQ, cuốn Hồi Ký của Cựu Cố vấn An ninh John Bolton trông có vẻ lạc lõng.
Trong những trích đoạn được giới truyền thông công bố, ông Bolton tố cáo Trump là kẻ bốc đồng, sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia với Trung Quốc để giành lợi ích chính trị. Cụ thể, Bolton cáo buộc ông Trump đã đích thân cầu viện Tập Cận Bình giúp ông tái đắc cử, bằng cách nhờ Tập mua thêm nhiều nông sản của nông dân. Những người có mặt cùng ở căn phòng đó với Bolton thì phản bác lại câu chuyện của ông ta.
Trung Quốc đã nhắm tới các nông dân Mỹ để đánh phá trực tiếp vào nhóm người trung thành với Trump mạnh mẽ nhất sau khi Tổng thống Mỹ khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng không phải ở trong căn phòng đàm phán đặc biệt như Bolton cũng biết rằng ông Trump đã không thoái lui trước nguy cơ bị mất phiếu của nông dân, mà ông còn gia tăng thuế quan để ép Trung Quốc phải đầu hàng trước. Tất nhiên việc Trung Quốc khôi phục mua nông sản Mỹ có thể giúp ông Trump củng cố tín nhiệm trong nhóm nông dân, từ đó đạt lợi ích bầu cử. Nhưng theo Bosco, nói Trump hy sinh lợi ích quốc gia vì chính trị là một cáo buộc vô căn cứ. Hành động của Trump có thể bị xem là trái luật, thậm chí xứng đáng bị phế truất, nếu ông ta yêu cầu Trung Quốc làm điều gì đó mà không có lợi cho quốc gia, hoặc nhờ Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào tiến trình bầu cử của Hoa Kỳ. Cả 2 điều này đều không được Bolton nhắc tới.
Để so sánh, một số dân biểu Dân chủ, trong đó có bà Alexandria Ocasio-Cortez đã chúc mừng và công khai thúc giục người Mỹ sử dụng Tik Tok (một phần mềm Trung Quốc) để đăng ký ảo nhằm phá hoại các buổi vận động tranh cử của ông Trump. Bà Ocasio-Cortez đã không phải nhận một hậu quả nào về mặt pháp luật sau khi làm như vậy.
Một cáo buộc gây sốc khác của Bolton là ông Trump sẵn sàng nhắm mắt bỏ qua cho việc Bắc Kinh dựng các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nếu điều này là đúng, nó có thể khiến Trump trở thành đồng phạm trong cái có thể sẽ được coi là tội ác chống lại loài người và diệt chủng sắc tộc trong tương lai. Ít nhất, nó cũng sẽ bị coi là phản bội lại các giá trị Mỹ.
Nhưng điều khiến các buộc này đáng cười là nó trái ngược hoàn toàn với các chính sách đã tuyên bố của Trump đối với việc Trung Quốc đối xử với nhóm thiểu số tại Tân Cương. Hơn nữa, Bosco lưu ý rằng trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump chưa bao giờ thể hiện dấu hiệu đồng thuận với việc đàn áp người thiểu số ở Trung Quốc. Mới đây Tổng thống Trump cũng đã ký Đạo luật Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ, ủy quyền nhiều chế tài cứng rắn đối với những người vi phạm nhân quyền Trung Quốc.
“Trong khi có thể và cần phải làm nhiều hơn để kháng cự và gây sức ép với Bắc Kinh, hồ sơ của đội ngũ Trump về an ninh, nhân quyền khi đối mặt với Trung Quốc cho tới thời điểm này đã vượt qua bất kỳ điều gì được thực hiện bởi các chính quyền trước đó”, Joseph Bosco viết.
Trần Minh
The post Hành động của Trump và Hồi ký của John Bolton appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-29 13:52:02
Nguồn: https://trithucvn.net/the-gioi/hanh-dong-cua-trump-va-hoi-ky-cua-john-bolton.html