Năm 1981, cặp vợ chồng người Hàn Quốc Do Won Chang và Jin Sook Chang nhập cư vào Mỹ. Ai cũng nói đến “Giấc mơ Mỹ” nhưng giấc mơ chỉ thành hiện thực khi bạn nỗ lực không ngừng.
Do Won Chang và vợ phải làm việc quần quật từ sáng đến đêm muộn để duy trì đủ mức sống cơ bản 3 bữa một ngày. Do Won Chang đã làm đủ việc từ gác cổng, nhân viên trạm xăng đến phục vụ quán cà phê.
Trong thời gian làm việc tại trạm xăng, Do Won Chang nhận thấy những khách hàng giàu có thường làm giàu trong ngành công nghiệp may mặc. Từ đó, ông nung nấu ý định phải bước chân vào ngành thời trang.
Sau 3 năm chăm chỉ kiếm tiền, hai vợ chồng nhà Chang bắt đầu khởi nghiệp bằng cách mở cửa hiệu thời trang đầu tiên mang tên Fashion 21 tại Los Angeles (sau này được đổi thành Forever 21).
Tiêu chí của Forever 21 là quần áo phải hợp mốt, chất lượng nhưng giá thành lại bình dân. Không chỉ đánh trúng vào nhu cầu khách hàng, chính sách tại các cửa hàng F21 cũng giúp bạn có trải nghiệm mua sắm thú vị.
Sử dụng hashtag #F21xMe trên instagram sẽ hiện ra hàng loạt gợi ý mix đồ cho bạn. F21 hợp tác với rất nhiều người nổi tiếng và hot blogger để quảng cáo quần áo trên trang cá nhân. Những ngày F21 ra bộ sưu tập mới, hệ thống người nổi tiếng này sẽ đồng loạt đăng những bức hình thời trang lên và khách hàng có thể dễ dàng chọn lựa set đồ mình thích ở cửa hàng.
Khi mua hàng ở F21, khách hàng cần lưu ý là không được lấy quần áo trên ma nơ canh để thử. Nếu thích món đồ đó, hãy báo với nhân viên cửa hàng để họ lấy đồ trong kho. Trong trường hợp bộ đồ trên ma nơ canh là bộ cuối cùng, bạn cần để lại thông tin cá nhân để đặt hàng. Tuy mới nhìn qua đây sẽ là một điểm chậm trễ trong quy trình mua sắm, nhưng về dài hạn thì đây là cách để đảm bảo khách hàng luôn nhìn thấy tất cả các mặt hàng đang được bán. Nhờ nhược-ưu điểm này mà F21 không chỉ mạnh về doanh thu bán hàng thời gian thực mà số lượng đặt hàng thêm cũng rất lớn.
F21 còn thúc đẩy việc bán hàng trực tuyến bằng các trang phục giới hạn độc đáo. Khi bạn mua sắm trên web, nếu thấy nhãn web exclusive, tức là món đồ đó sẽ không thể tìm thấy ở cửa hàng. Công nghệ số phát triển, mạng xã hội phát triển, tất nhiên đây là kênh bán hàng cực kỳ hiệu quả mà ông chủ F21 không ngừng đào sâu.
Một điểm đặc trưng nữa tại F21 là quần áo được xếp theo phong cách riêng trong từng khu vực. Vài tuần một lần, nhóm bán hàng của F21 sẽ vào cửa hàng sau giờ làm việc và thiết kế lại từng khu vực của cửa hàng theo các xu hướng thời trang mới. Sẽ có khu vực bán đồ cơ bản, đồ công sở, đồ du lịch, đồ chất liệu cao cấp… để khách hàng lựa chọn. Trong trường hợp món đồ bạn muốn mua bị tuột chỉ nhẹ, cửa hàng sẽ chiết khấu 10%, hư hỏng quá nặng họ sẽ không bán mà thu hồi lại. Vậy nên mua sắm ở F21 có rất nhiều lựa chọn và rất nhiều chính sách thú vị cho khách hàng.
Đi lên từ nghèo khó và liên tục làm công việc chân tay để phục vụ người khác, đây chính là kinh nghiệm quý giá của ông bà chủ hãng F21. Họ có thể nhìn thấy nhu cầu của khách và đảm bảo sẽ mang đến dịch vụ phù hợp.
Song song với khách hàng, F21 còn rất quan tâm đến nhân viên của mình. Do Won Chang luôn cảm thấy may mắn vì những cơ hội đã đến trong cuộc đời mình: “Tôi đến đây với đôi bàn tay trắng và luôn cảm ơn nước Mỹ vì cơ hội đã mang đến cho tôi. Và tôi cũng muốn đền đáp lại cho đất nước này”. Trong cuộc Đại suy thoái vào năm 2008, Do Won Chang cho biết ông đã mở thêm cửa hàng và tạo thêm 7.000 việc làm trong một năm. Tại cuộc họp thường niên với bộ phận cấp cao của công ty, Do Won chia sẻ rằng ông không chỉ muốn tập trung vào lợi nhuận mà còn muốn tăng cơ hội việc làm cho người dân Mỹ.
36 năm trôi qua, 2 vợ chồng nghèo khó thuở nào giờ đã lập nên cả một đế chế thời trang tại Mỹ. Hệ thống cửa hàng của F21 trải rộng trên 48 quốc gia với 790 cửa hàng, 43.000 nhân viên (trong đó gần 11.000 là nhân viên làm toàn thế giới). “Bạn không thể kinh doanh với suy nghĩ thành công sẽ đến với bạn chỉ trong một hoặc hai năm”, Do Won Chang khẳng định rằng một sự hiểu biết sâu sắc về kinh doanh và văn hóa là chìa khóa tạo nên thành công của ông.
Ông cũng khuyên mọi người đừng vì công việc mà bỏ bê gia đình mình: “Đối với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất, khi người ta nói về Giấc mơ Mỹ, họ nói về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu việc kinh doanh trở nên thuận lợi nhưng gia đình của bạn lại tan vỡ, thì đó không phải là một sự thành công.”
Ngành công nghiệp may mặc tại thời điểm hiện nay không hề dễ dàng, sự mua bán trong các trung tâm thương mại giảm sút bởi sự phát triển chóng mặt của mua sắm online. F21 đã đánh mạnh vào mạng lưới mua sắm online nhưng đối thủ cạnh tranh mọc lên như nấm khiến hãng chao đảo ít nhiều. Ông chủ Do Won Chang cho biết F21 sẽ đẩy mạnh thương mại điện tử và mở rộng chi nhánh sang nhiều thị trường nước ngoài.
Với ông Do Won Chang và bà Jin Sook, khó khăn chỉ mang tính tạm thời. Sự kiên định chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu bạn giữ vững niềm tin vào điều gì đó, kể cả trong lúc khó khăn nhất, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn.
Minh Minh
Xem thêm:
The post Hãng thời trang giá rẻ Forever 21 và câu chuyện “Giấc mơ Mỹ” trở thành hiện thực appeared first on Trí Thức VN.