Không quá to lớn và hoành tráng như thủ đô Madrid và Barcelona – hai thành phố anh cả và anh hai, Big Two của Tây Ban Nha nhưng Valencia đã chọn một lối đi khác biệt để ghi dấu ấn trong lòng du khách bằng sự giao hoà giữa những giá trị văn hoá cổ kính lâu đời của một thương cảng đã từng sầm uất bậc nhất vùng Địa Trung Hải với những công trình kiến trúc siêu hiện đại.
Nếu như cổng thành Torres de Quart và Torres de Serannos là biểu tượng của kiến trúc Phục Hưng hoành tráng vẫn tồn tại nguyên vẹn giữa Valencia như chứng nhân của lịch sử thì công trình kiến trúc hiện đại và ấn tượng nhất ở Valencia là quần thể kiến trúc City of Arts and Sciences (Thành phố của khoa học và nghệ thuật) khánh thành năm 1998 do kiến trúc sư Santiago Calatrava, một người con của Valencia thiết kế lại là điểm nhấn mang dấu ấn thời đại mà ai ghé qua cũng phải trầm trồ.
Nổi bật nhất tại The City of Arts and Science là Principe Felipe Science Museum, Bảo tàng Khoa học, công trình sẽ làm bất cứ du khách nào cũng sẽ thốt lên ngạc nhiên khi chạm bước vào cả bên trong và bên ngoài. Có hình dáng như một bộ xương cá voi, bảo tàng có tổng diện tích 42.000 mét vuông trong đó trưng bày rất nhiều những tác phẩm khoa học trên diện tích 26.000 mét vuông và những xưởng nghiên cứu khoa học hấp dẫn, gần gũi với người xem.
Ngoài bảo tàng, “Thành phố của nghệ thuật và khoa học” còn có The Oceanografic, thủy cung lớn nhất châu Âu với nhiều loài sinh vật biển được quy tụ từ nhiều vùng biển trên thế giới và Palau de les Arts Reina Sofia – nhà hát tổ chức các buổi opera và ca múa nhạc.
Vào một buổi chiều mùa hè, bạn cũng có thể ghé Umbracle, khu vườn thực vật với quầy bar xanh để nghỉ chân và thưởng thức không gian xanh mát.
Rạp chiếu L’Hemisferic rộng 13,000m² gấp đôi Cung thiên văn lớn nhất châu Âu, kiểu dáng lạ mắt được mô phỏng dựa trên mô hình của một con mắt khổng lồ, với phòng chiếu phim là con ngươi, bên trong công trình rạp chiếu màn ảnh rộng, phòng thiên văn và phòng chiếu ánh sáng laser.
Mái vòm của L’Hemisferic có cấu tạo giống như mi mắt, có thể đóng hoặc mở. Rạp chiếu này được thiết kế bởi Santiago Calatrava và chính thức được đi vào hoạt động từ năm 1998 phục vụ cho các triển lãm về khoa học và nghệ thuật của thành phố Valencia.
Quá ấn tượng, Valencia!
Theo facebook Hoàng Huy
Xem thêm:
The post Một Valencia siêu hiện đại appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-10 16:39:02
Nguồn: https://trithucvn.net/doi-song/du-lich/mot-valencia-sieu-hien-dai.html