Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người, bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu.
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện Trời thương lọ phải cầu.
Mở đầu Tây Du Ký, tác giả Ngô Thừa Ân viết: “Dục trị tạo hóa hội nguyên công, tu khán Tây Du thích ách truyện”, ý nói rằng: Muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký. Có người nói, nếu bạn có thể thật sự hiểu được Tây Du Ký, vậy thì bạn đã thấu hiểu hết thảy mọi khổ nạn trên thế gian, cũng là hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này. Một tác phẩm vĩ đại như thế, một hành trình gian nan thần thánh như thế, bắt đầu từ một giọt nước mắt: Giọt nước mắt của Mỹ hầu vương.
Mỹ hầu vương vốn là một con khỉ nứt ra từ tảng đá trên Hoa Quả sơn, do bám thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của nhật nguyệt nên mới linh thông, lúc sinh ra đã biết vái lạy bốn phương trời, tỏa hào quang chói lọi. Vì xông xáo dũng cảm khai phá động Thuỷ Liêm, mở ra cả toà cơ nghiệp nên được bầy khỉ tôn làm Mỹ hầu vương. Tây Du Ký, hồi thứ nhất kể rằng:
“Hầu vương liền chỉ huy một đàn khỉ vượn, khỉ cái, khỉ ngựa, sắp đặt thành quân, thần, tả, sứ, sớm dạo chơi núi Hoa Quả, đêm về ngủ động Thủy Liêm, cùng nhau đồng lòng, chẳng lẫn vào đàn chim bay, không theo vào loài thú chạy, độc lập xưng vương, rất là thích thú. Thật là:
Xuân đến thì hái trăm hoa.
Hè về tìm quả quanh nhà bầy ăn
Thu sang đào củ thơm lành,
Đông qua đi kiếm hoàng tinh về xài.
Hầu vương hưởng phúc vui vẻ, thoắt đã ba bốn trăm năm. Một hôm, Hầu vương đang cùng bạn bè yến tiệc vui vẻ, bỗng nhiên trở nên phiền não, nước mắt giàn giụa. Lũ khỉ thấy thế sợ hãi sụp lạy, hỏi:
– Đại vương làm sao thế?
Hầu vương nói:
– Ta tuy trong lúc vui thích, nhưng có một điều phải lo xa, cho nên phiền não.
Lũ khỉ lại cười, nói:
– Đại vương thực không biết thế nào là đủ. Chúng ta đang ngày ngày hưởng sung sướng ở nơi phúc địa non tiên, thần châu cổ động, không chịu kỳ lân cai trị, phượng hoàng quản lý, lại chẳng bị vua chúa nhân gian câu thúc, tự do tự tại, thực là vô cùng hạnh phúc, việc gì phải lo xa, chuốc lấy phiền não nữa!
Hầu vương nói:
– Ngày nay tuy không phải theo pháp luật của vua chúa, không sợ oai quyền của thú muông, nhưng một mai tuổi già sức yếu, lão Diêm vương vẫn ngấm ngầm quản lý. Một ngày kia chết đi, chẳng hóa uổng công sinh ở thế gian, không được hưởng mãi phúc trời ư?
Lũ khỉ nghe nói như thế, con nào con nấy cúi đầu che mặt khóc thút thít, lo sợ về nỗi vô thường”.
Đoạn cố sự này cứ như đang nói với con người chúng ta. Con người sống ở thế gian, vinh hoa phú quý tột bậc cùng lắm cũng chỉ trăm năm, thế mà mấy ai biết lo sợ về nỗi vô thường như thế? Âu cũng như người ở Nam Thiệm Bộ Châu, Hầu vương cưỡi bè vượt trùng dương đến đó, “đi khắp châu huyện, phố xá, học lễ, học nói, ngày ăn tối ngủ, một lòng dò hỏi đạo Phật Tiên Thần Thánh, tìm phương thuật trẻ mãi không già, nhưng chỉ thấy toàn là hạng đua tranh danh lợi, không có một người lo lắng mệnh thân”. Thật là:
Đua chen danh lợi dập dồn
Thức khuya dậy sớm chẳng còn tự do
Mong tuấn mã khi cưỡi lừa.
Làm quan tể tướng, lại mơ vương hầu.
Mệt nhoài cơm áo tranh nhau.
Chẳng lo quỷ sứ bắt chầu Diêm vương.
Mải mê vun đắp cháu con.
Nào ai tỉnh giấc tìm đường hồi tâm?
Cũng vì cõi người là không gian mê, ai lạc vào đây đều bị vật dục thế gian che mắt, chỉ những người biết lo nghĩ sâu xa, lòng ôm chí lớn như Mỹ hầu vương mới có cơ hội gặp minh sư, tu hành giác ngộ. Thế nào là chí lớn? Trong người thường, làm một nhà khoa học lỗi lạc, một tỷ phú tầm cỡ, một chính trị gia lẫy lừng… cũng gọi là “chí lớn”, nhưng chí lớn của người tu luyện thì khác xa. Chí của người tu luyện nằm ở ngoài hết thảy thành tựu nơi thế gian con người, không màng chi danh lợi, hướng đến những cảnh giới cao hơn của Phật, Tiên, Thần Thánh. Muốn cầu Đạo thì trước tiên cần lập chí. Tây Du Ký, hồi thứ hai có một đoạn nói về cái chí này:
“Tổ sư nói:
– Phàm các vị tiên rẽ mây, đều cất chân là bay ngay, nhà ngươi lại không thế. Ta nhìn thấy nhà ngươi đi vài bước rồi mới nhảy lên. Nay ta truyền cho ngươi phép “cân đẩu vân”.
Ngộ Không cúi lạy chờ đợi. Tổ sư lại truyền khẩu quyết cho và nói:
– Đám mây này khi bấm quyết, niệm chân ngôn, rồi nắm hai tay lại, cất mình nhảy lên ngay. Mỗi cân đẩu đi được mười vạn tám nghìn dặm.
Mọi người nghe nói, cười ha hả:
– Ngộ Không may quá! Nếu học được phép này, làm lính đưa trát thì đến đâu cũng có cơm ăn”.
Ôi chao! Các bạn đồng môn với Ngộ Không cái chí đặt ở “cơm ăn”, thảo nào bao nhiêu năm vẫn không được Bồ Đề Tổ sư truyền chân Đạo!
Có người nói: Bây giờ là thời Mạt Pháp, muốn tìm được bậc thượng sư truyền Đại Đạo khác nào mò kim đáy biển, bắc thang lên trời. Có sao đâu, Mỹ hầu vương chẳng phải cũng đóng một chiếc bè con, một thân một mình lênh đênh góc biển chân trời, sau bao năm tháng mới tìm được Tổ sư Bồ Đề hay sao? Tổ sư nói: “Ừ, đi mãi dần dà cũng đến nơi”. Người có tâm chân thành cầu Đạo thì Thần Phật đều nhìn thấy, cái tâm muốn tu luyện sáng chói như vàng kim, “Phật tính nhất xuất, chấn động thập phương thế giới”, ắt sẽ được Thần Tiên phù hộ, gặp được minh sư.
Tây Du Ký là một bộ thiên thư bác đại tinh thâm, cả đời người dẫu dày công nghiên cứu cũng khó có thể tỏ tường. Tôn Ngộ Không dọc đường trừ