Dứt lời kệ, Đức Phật mới bảo Phạm Chí rằng: “Kẻ ngu si nhất ở thế gian này không ai có thể bằng ông. Giữa ban ngày mà ông lại cầm bó đuốc đi soi chân lý cho khắp cả thành! Trong khi những điều ông biết chỉ như một hạt bụi”…
Chuyện kể rằng, khi xưa tại vương quốc cổ Bất Tĩnh nọ có một Phạm Chí vốn tài cao học rộng, thông kim bác cổ. Hết thảy mọi điển tích, minh luận người này đều đã đọc qua, những tưởng không chuyện gì là không hiểu. Cũng chính bởi vậy mà ông ta rất hay khoe khoang hiển thị.
Ngày lại qua ngày, vị Phạm Chí nọ đi khắp nơi tìm đối thủ để tranh luận với mình, những mong định ngôi cao – thấp nhưng chẳng ai dám đứng ra tranh tài. Điều này lại càng khiến cho ông ta thêm tự cao tự đại, tự cho mình là người tài giỏi nhất.
Một hôm, Phạm Chí kiêu căng cầm một bó đuốc lớn, cứ thế mà thắp lên giữa ban ngày rồi đi khắp cả thành ra vẻ vênh vang tự đắc lắm!
Có người thấy thế mới hỏi rằng:
– Hà cớ chi ngài lại cầm bó đuốc mà soi giữa ban ngày ban mặt như thế?
Phạm Chí ấy mới thướng mặt nhìn trời, cả cười mà đáp rằng:
– Thế gian ơi hỡi thế gian! Tất cả đều ngu muội! Không một ai dám biện luận với ta. Tuy họ có mắt nhưng chẳng nhìn ra sự thật. Cho nên ta mới cầm đuốc giữa thanh thiên bạch nhật để soi sáng cho họ!
Vừa hay khi ấy đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với các đệ tử của Ngài có đi qua quốc gia này và ghé lại ở Tịnh xá Mỹ Âm để truyền Pháp. Bằng thần thông quảng đại của mình, Đức Phật đã nhìn thấu được công đức của Phạm Chí ở cả những đời trước nữa. Với tâm từ bi, Ngài thấy chúng sinh này vẫn đáng được hóa độ. Vả chăng nếu chẳng được hóa độ, thì với hành vi kiêu ngạo cố chấp, tự cao tự đại, buông lung bản thân, chẳng biết vô thường như thế, vị Phạm Chí sẽ bị đọa Địa ngục Thái Sơn để chịu khổ đến vô lượng kiếp mới mong trả đền hết nợ nghiệp.
Biết vậy, Đức Phật bèn hóa thân thành một bậc hiền minh, ngồi bên ngã tư đường đúng lúc Phạm Chí đi đến và hỏi rằng:
– Tại sao ở giữa ban ngày mà ông lại cầm bó đuốc như vậy?
Phạm Chí vẫn ngang nhiên đáp rằng:
– Là bởi con người thế gian đều ngu muội, suốt ngày lẫn đêm họ chẳng rõ chân lý sự tình. Cho nên tôi mới cầm đuốc để soi sáng cho họ!
Vị hiền minh lại hỏi Phạm Chí:
– Dám hỏi, trong minh luận có bốn minh pháp, ông có biết hay chăng?
Phạm Chí đáp:
– Không biết. Xin hỏi bốn minh pháp ấy gồm những gì?
Lúc bấy giờ vị hiền minh nọ mới mỉm cười, nhìn Phạm Chí mà nói, bốn minh pháp gồm:
– Hiểu rõ thiên văn địa lý và thời tiết trong bốn mùa
– Hiểu rõ tinh tú và quan hệ của ngũ hành
– Hiểu rõ chính lý trị quốc và phương thức giao thiệp với các nước
– Hiểu rõ cách điều binh khiển tướng để phòng vệ nước nhà
Đoạn ngài hỏi tiếp:
– Ông là một Phạm Chí tài cao học rộng, vậy cớ sao lại không biết đến bốn loại minh pháp này?
Nghe xong, vị Phạm Chí nọ cảm thấy vô cùng hổ thẹn, vội ném bỏ cây đuốc xuống đất, chắp tay cúi đầu hành lễ trước bậc hiền minh.
Đức Phật từ bi mỉm cười, hiển tướng quang minh, muôn vạn ánh kim quang rực rỡ phi phàm sáng soi khắp cả vùng trời đất. Rồi Ngài dùng Phạn ngữ mà giảng cho Phạm Chí một bài kệ rằng:
“Nếu chỉ hiểu chút ít
Tự đại kiêu mạn khinh
Đó như mù cầm đuốc
Soi người chẳng soi mình”
Dứt lời kệ, Đức Phật mới bảo Phạm Chí rằng:
– Kẻ ngu si nhất ở thế gian này không ai có thể bằng ông. Giữa ban ngày mà ông lại cầm bó đuốc đi soi chân lý cho khắp cả thành! Trong khi những điều ông biết chỉ như một hạt bụi.
Nghe xong, Phạm Chí mới nghẹn ngào mà bừng tỉnh. Ông ta cúi đầu đảnh lễ rồi khẩn xin Đức Phật thu nhận mình làm đệ tử để trở thành Đạo Nhân.
Sau này nhờ phật ân của Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Phạm Chí nọ được tâm khai ý giải và chứng đắc Đạo Ứng Chân.
Đường Phong
(Tài liệu tham khảo: Kinh Pháp cú Thí dụ).
The post Chuyện cổ Phật gia: Chớ kiêu căng khinh mạn, soi người chẳng soi mình appeared first on Đại Kỷ Nguyên.
2020-06-15 16:39:05
Nguồn: https://www.dkn.tv/van-hoa/chuyen-co-phat-gia-cho-kieu-cang-khinh-man-soi-nguoi-chang-soi-minh.html