Có người nói ý nghĩa của cái tên Hà Nội là thành phố ở trong những con sông: sông Hồng và sông Đáy. Hà Nội đã qua hơn 1000 năm tuổi với phần lớn thời gian được chọn làm thủ đô nước Việt. Hà Nội cũng có những lúc thịnh suy, thăng trầm theo thời cuộc nhưng Hà Nội luôn có một nét văn hóa rất riêng không giống bất cứ vùng đất nào khác. Mỗi con phố cũ của Hà Nội không chỉ là một chốn đi về mà là cả một không gian văn hóa, lịch sử. Từng gốc cây ngọn cỏ, những mái ngói nâu sồng, tường cũ rêu phong là những nhân chứng lịch sử vừa gần gũi, vừa huyền ảo về một Hà Nội vàng son và hào hùng. Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Đường phố Hà Nội với danh nhân và lịch sử” với hy vọng chia sẻ với độc giả chút tình cảm với Hà Nội và người xưa việc cũ.
***
“Hàng Than không chỉ là bánh cốm, caramen hay đơn giản là một lối đi từ phố lên đê. Hàng Than chính là hùng khí của đất kinh kỳ yêu dấu”.
Vị trí và tên gọi của phố Hàng Than
Phố Hàng Than dài 408m, đi từ đường Yên Phụ đến bùng binh Hàng Đậu – Quán Thánh. Nó là vết tích một con đê cổ của Nhị Hà, theo tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong tác phẩm “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” thì nó có thể là con đê cổ nhất Việt Nam nữa. Thời Pháp thuộc thì đầu phố là đi từ trên đê sông Hồng xuống. Con đê lúc đó rất thấp và đầu phía đó của phố Hàng Than cũng là một bến sông. Phố này trong một thời gian dài chỉ là một phố nhỏ ngoại ô với nhà cửa bé nhỏ cũ kỹ và có nhiều đình chùa.
Cái tên phố Hàng Than là tên cũ từ thế kỷ 19, lý do là có một số nhà trên phố bán than hoa, than tàu. Trước đó thì phố có nghề nung vôi. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì “Phường Hà Tân nung vôi”. Phường Hà Tân là tên gọi cũ của khu vực này.
Sang đến thời Pháp thuộc thì phố có tên là “rue du Charbon”, dịch ra tiếng Việt cũng là “phố Hàng Than”.
Thời kỳ cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên bốn mươi thế kỷ trước, phố có tới 5, 6 cửa hàng bán thuốc Đông y, để giúp giải quyết vấn đề “hậu ham vui” của các tay chơi đất Hà Thành giai đoạn 1933-1939. Sau mới nổi lên về nghề bán bánh cốm. Cửa hàng nổi tiếng nhất và có gốc gác lâu đời nhất về bánh cốm Hàng Than là bánh cốm Nguyên Ninh (số nhà 13), chủ nhà là người làng Lủ. Cốm làng Lủ thì thua cốm làng Vòng (Dịch Vọng), nhưng ông chủ có tài chế biến nó thành ra một món đặc sản là bánh cốm. Hàng bánh cốm thứ hai là An Hưng (số nhà 24 sau dọn xuống 60).
Đặc sản bánh cốm từng góp mặt trong hôn lễ của bao thế hệ người Hà Nội và là món quà đặc trưng của đất kinh kỳ
Nhà văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã miêu tả bánh cốm như sau: “Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân. Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm”. Ông cũng ca ngợi: “Hai thứ bánh cốm và bánh xu xê của Hàng Than Hà Nội, có thể nói là đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, từ kẻ chợ cho đến thôn quê”. Và rằng: “Một người Hà Nội về thăm quê, muốn đem ít quà thật là đặc biệt, thì người ấy lựa chọn những thứ gì? Bánh cốm hàng Than… Một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu”. Ông chỉ phàn nàn rằng nó hơi ngọt quá như đa phần các thứ bánh khác của ta.
Còn nhà văn Vũ Bằng trong “món ngon Hà Nội” sau khi say sưa kể về cốm thì kết luận rằng: “Bánh cốm, cũng như chè cốm, cũng chỉ có thể coi như là ‘một chút hương thừa’ của cốm Vòng mà thôi”. Ông thích ăn cốm Vòng tươi hơn.
Chẳng biết nên nghe ông nào trong hai ông vua ăn ngon và hay chữ này. Âu đó cũng là cảm nhận riêng về khẩu vị của từng cá nhân.
Ngày nay, phố Hàng Than còn nổi tiếng vì có thêm một món quà vặt khác: Caramen ở số nhà 29 Hàng Than. Caramen nguyên là một món ăn Tây có duy nhất một kiểu chế biến. Ở địa chỉ này thì có rất nhiều biến chiêu của món caramen cho bạn chọn lựa. Tác giả không có nhận xét gì về các chiêu thức phối trộn phức tạp đến hoa cả mắt này. Có lẽ bạn đọc tò mò phải tự mình thử nghiệm thôi.
Ngôi chùa Hòe Nhai với chi tiết lý giải phố Hàng Than chính là Đông Bộ Đầu lừng danh
Phố Hàng Than có nhiều đình chùa. Ở đoạn đầu phố Hàng Than, số nhà 64 Yên Phụ là đình Thạch Khối thượng. Số nhà 12 Hàng Than là đình Thạch Khối hạ. Cả hai ngôi đình này thờ Uy Linh Lang, một nhân vật theo truyền thuyết có công chống giặc Nguyên.
Ở số nhà 19 Hàng Than là chùa Hòe Nhai, hay chùa Hòa Giai, tên chữ Hán là Hồng Phúc Tự. Tương truyền chùa này được xây vào thời Lý. Và cũng nhờ một chiếc bia cũ trong chùa được dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn nội dung mà ta mới biết được phố Hàng Than ngày nay xưa kia chính là Đông Bộ Đầu (Trên bia ghi rõ chùa được thành lập tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu).
Đông Bộ Đầu chính là một địa danh lịch sử gắn liền với những chiến thắng hào hùng của quân dân Việt trước quân đội nhà Nguyên và nhà Minh. Ý nghĩa của cái tên Đông Bộ Đầu là “bến đỗ phía Đông”. Xưa kia, nó chính là một bến sông, cho nên là điểm cập bến của thủy quân nước Việt. Giặc Nguyên chiếm Thăng Long cũng là theo lối Đông Bộ Đầu, và khi thua chạy cũng theo lối ấy.
Thời Lý-Trần-Lê thỉnh thoảng có bắc cầu phao từ Đông Bộ Đầu qua bên tả ngạn sông Hồng để sang Kinh Bắc.
Năm tháng oai hùng thành lịch sử, bao chiến công tên tuổi còn vang
1. Chiến thắng quân Nguyên lần thứ