Mọi người vẫn thường truyền tai nhau: “Trong ba điều bất hiếu, không có con cái nối dõi, thờ tự là tội bất hiếu lớn nhất!” và nghiễm nhiên tin rằng đây là lời dạy của cổ nhân. Sự thực lại khiến mọi người không khỏi giật mình kinh ngạc và nghiêng mình kính phục trí huệ cổ xưa.
Trước khi nghiên cứu hàm nghĩa chân chính của câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu bản chất, mục đích và ý nghĩa của chữ Hiếu.
Trong “Hiếu Kinh – Phần đầu chương Khai Tông Minh Nghĩa”, Khổng Tử nói: “Hiếu là cái gốc của đức, giáo hóa đức hạnh đều do hiếu sinh ra. Con ngồi xuống, ta nói cho con nghe. Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu. Đạo Hiếu, bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.
Vài lời ngắn ngủi của thánh nhân đã nói rõ bản chất, mục đích và ý nghĩa của chữ Hiếu.
1. Bản chất của chữ Hiếu
“Hiếu là cái gốc của đức”. Câu này ý nói bản chất của chữ Hiếu nằm ở nhân đức. Một người thuận theo đạo hiếu nhất định là một người nhân đức. Một người không nhân đức ắt sẽ không tuân theo đạo hiếu. Do dó có thể thấy rằng, một người trong nội tâm khuyết thiếu nhân đức, thì dù người ấy tỏ ra hiếu kính với cha mẹ và tổ tiên như thế nào, như làm lễ thọ cha mẹ, cúng tế tổ tiên… cũng không thể được coi là người có đạo hiếu chân chính.
Khổng Tử nói rằng: “Thân thể, da tóc, là nhận được từ cha mẹ, không được hủy hoại, là khởi đầu của hiếu”. Câu này ý nói, thuận theo đạo hiếu bắt nguồn từ việc yêu quý và trân trọng thân thể của mình. Bởi lẽ thân thể của mình là do cha mẹ sinh ra. Nếu thân thể bị tổn hại sẽ khiến cha mẹ đau lòng. Do đó ý nghĩa chân chính khi con người yêu mến, trân quý thân thể của mình không phải vì để bảo vệ lớp da người này, mà là bồi dưỡng lòng nhân đức của bản thân. Nói sâu hơn chính là phải tự tôn trọng và yêu mến bản thân, không được đánh nhau với người khác, không được hút hít ma túy, không được tà dâm, không được phạm pháp, phạm tội.
2. Mục đích của đạo hiếu
Khổng Tử nói: “Lập thân hành Đạo, lưu danh hậu thế, để rạng danh cha mẹ, là tận cùng của hiếu”.
Câu này ý nói thuận theo hiếu đạo nằm ở việc mình trở thành bậc thánh hiền có đạo đức, được hậu thế học tập và noi theo. “Phúc đức tại mẫu”, như vậy cũng đồng nghĩa với việc vinh danh đức hạnh của cha mẹ. Đây mới là mục đích cuối cùng của chữ Hiếu.
Qua đạo lý này chúng ta cũng có thể biết được rằng: Một người nếu làm chuyện bại hoại đạo đức, phạm pháp phạm tội, tiếng xấu đồn xa, thì cho dù họ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ tốt đến đâu, tôn sửa mồ mả của tổ tiên tráng lệ đến nhường nào, vẫn không thể được coi là người làm được chữ Hiếu.
3. Ý nghĩa của đạo hiếu
Ý nghĩa của chữ Hiếu nằm ở việc “bắt đầu bằng phụng sự cha mẹ, tiếp đến là phụng sự quân vương, cuối cùng là lập thân”.
Con người vô đức thì không thể lập thân. Một người có thể giữ được nhân đức trong lòng, thuận theo đạo hiếu, thì trong gia đình, họ sẽ yêu thương người nhà, hiếu kính, phụng dưỡng cha mẹ, sẽ không trở thành kẻ nghịch tử bất hiếu. Trong công việc, họ sẽ làm hết chức trách, hành sự trung nghĩa, sẽ không trở thành kẻ tự tư vụ lợi, tham lam mà bẻ cong pháp luật, bán đứng quốc gia và dân tộc. Còn về bản thân, họ sẽ trở thành một bậc chính nhân quân tử đầu đội trời chân đạp đất, sẽ không trở thành kẻ bại hoại, chỉ biết ăn uống hưởng lạc, nguy hại đến xã hội.
4. Cảnh giới của đạo hiếu
Tâm nguyện và ý chí của mỗi người khác nhau, nên cảnh giới và tầng thứ về sự hiếu thuận của họ cũng khác nhau. Về điều này, trong cuốn “Hiếu kinh”, Khổng Tử đã chia thành 4 kiểu hiếu thuận là “Hiếu của bậc thiên tử”, “hiếu của vợ chồng”, “hiếu của kẻ sỹ” và “hiếu của thường dân”.
Hiếu của bậc thiên tử
Về hiếu của bậc thiên tử, Khổng Tử giảng như sau: “Người yêu thương cha mẹ, sẽ không ác với người khác. Người kính trọng cha mẹ, sẽ không khinh nhờn người khác. Yêu thương kính trọng là ở việc hết lòng phụng sự cha mẹ, mà việc giáo hóa đạo đức được thực thi cho , làm khuôn mẫu cho bốn biển. Đó là cái hiếu của bậc thiên tử vậy”.
Nghĩa là con người có thể coi thiên hạ là nhà, coi dân chúng trong thiên hạ như cha mẹ và con cái mình mà thêm phần cung kính, mến yêu, nên không dám oán hận và coi thường người khác. Dùng nhân đức để giáo hóa và trở thành tấm gương cho tất cả người trong thiên hạ noi theo. Đây chính là đạo hiếu của bậc thiên tử (thánh nhân, minh quân). Tức là hiếu của bậc thánh nhân là đạo hiếu dùng lòng nhân từ và tình yêu thương bao la để tạo phúc cho tất cả chúng sinh trong thiên hạ.
Chữ Hiếu của thường dân
Về chữ Hiếu của thường dân, Khổng Tử giảng như sau: “Dụng Đạo của Trời, phân chia cái lợi của đất, cẩn thận bản thân, tiết kiệm tiêu dùng, để phụng dưỡng cha mẹ, đó là cái hiếu của thứ dân”.
Điều này có nghĩa là những người dân thường, khi làm việc cần phải hợp với lẽ trời. Con người phải giữ tròn bổn phận của mình, không được sinh lòng tham và làm những việc ngoài phận sự. (Nói một cách thông tục là an phận thủ thường, không trộm cắp hay làm những việc phạm pháp). Họ phải cần kiệm giữ gìn nếp nhà, hiếu kính và phụng dưỡng cha mẹ, đây là chữ hiếu của bậc thường dân. Tức là hiếu của bậc thường dân là coi việc an lạc của bản thân, gia đình và việc phụng dưỡng cha mẹ làm đạo hiếu.
Mặc dù mỗi người cảnh giới và