Đài quan sát khí tượng trung ương Trung Quốc tiếp tục đưa ra cảnh báo màu vàng cho mưa lớn. Đến nửa đêm ngày 25/6, lượng mưa từ Quý Châu và Trùng Khánh kéo đến vùng trung và hạ lưu của sông Trường Giang hay còn gọi là sông Dương Tử đã ở mức lớn nhất kể từ mùa lũ lụt, phạm vi vẫn còn mở rộng. Theo thống kê chính thức, tính đến ngày 23/6 tổng cộng 11,22 triệu người thuộc địa bàn 26 tỉnh thành đã bị ảnh hưởng bao gồm Quảng Tây, Quý Châu, Quảng Đông, Hồ Nam và Giang Tây…. Gần 1.000 hồ chứa ở trung và hạ lưu sông Dương Tử phải xả lũ gấp…
11,22 triệu người thuộc 26 tỉnh thành phải chịu tai họa
Trung Quốc Đại Lục kể từ ngày 20/6, khu vực từ Quý Châu đến giữa và hạ lưu sông Dương Tử đã trải qua trận mưa lớn nhất kể từ khi lũ lụt. Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc đã tiếp tục đưa ra cảnh báo mưa lũ màu vàng, phạm vi vẫn mở rộng và thảm họa vẫn tiếp diễn.
Theo Xinhuanet, từ ngày 20 – 23/6, lượng mưa tích lũy tại các khu như đông nam Trùng Khánh, phía nam và đông bắc Quý Châu, đông bắc Quảng Tây, phía tây và bắc Hồ Nam, phía nam và phía đông Hồ Bắc, tây bắc Giang Tây, miền trung và miền nam An Huy, tây nam Giang Tô và miền trung Chiết Giang đều đã lên tới 100 đến 200 mm; các khu vực địa phương của Quý Châu như Tuân Nghĩa và Kiềm Nam, Quế Lâm ở Quảng Tây, Hoài Hóa ở Hồ Nam, Lục An và An Khánh ở An Huy nằm trong khoảng 250 đến 440 mm; một số nơi có thể phá mức cao nhất đã đo được trong tháng 6 là Nam Xuyên ở Trùng Khánh, Hoàng Bình và Huệ Thủy ở Quý Châu.
Sở Tài nguyên nước tỉnh Hồ Bắc cho biết, tính đến 8:00 ngày 23/6 đã có 680 hồ chứa trong tỉnh vượt quá mực nước giới hạn kiểm soát lũ, cao nhất kể từ khi vào thời đoạn mưa dầm. Trong số đó có 2 hồ chứa lớn, 12 hồ chứa vừa và 666 hồ chứa nhỏ.
Theo dữ liệu của cơ quan chức năng Trung Quốc, mưa lớn ở phía tây nam Trung Quốc kéo dài không ngừng cho đến ngày 23/6 đã làm cho 11,22 triệu người thuộc 26 tỉnh chịu thảm họa bao gồm Quảng Tây, Quý Châu, Quảng Đông, Hồ Nam và Giang Tây…; trong đó 571.000 người phải chuyển nơi ở khẩn cấp, 213.000 người cần hỗ trợ cuộc sống khẩn cấp, hơn 9.300 ngôi nhà bị sập và 171.000 ngôi nhà bị hư hại; diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng lên tới 861.000 ha, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 24,1 tỷ nhân dân tệ. Đã có 980 hồ chứa ở trung và hạ lưu sông Dương Tử phải xả lũ gấp, trong đó có nhiều hồ chứa lớn.
Cần lưu ý rằng, theo Đài quan sát Khí tượng Trung ương Trung Quốc, trong thời kỳ tiết Đoan Ngọ sẽ xảy ra những dạng thời tiết như giông bão, gió mạnh hoặc mưa đá nghiêm trọng nhất ở phía bắc Trung Quốc và phía bắc sông Hoài. 300 hồ chứa ở An Huy vượt quá giới hạn kiểm soát lũ
Trong tình cảnh gần đây những trận mưa lớn tập trung lưu vực sông Dương Tử đã khiến Trùng Khánh và Tứ Xuyên ở thượng nguồn con sông phải hứng chịu trận lụt lớn nhất trong 80 năm qua, trong khi tỉnh An Huy nằm ở hạ lưu cũng trong cảnh tương tự. Đến 4 giờ chiều ngày 23/6, tỉnh An Huy báo cáo rằng 300 hồ chứa vượt quá giới hạn kiểm soát lũ, bao gồm 4 hồ chứa lớn và 15 hồ chứa vừa, đang đẩy nhanh việc xả lũ.
Chiều ngày 22/6, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và hạn hán tỉnh An Huy thông báo có ít nhất 265 hồ chứa trong tỉnh đã vượt quá giới hạn kiểm soát lũ, trong đó có 4 hồ chứa lớn, 15 hồ chứa cỡ trung bình và 246 hồ chứa nhỏ. Từ 9 giờ sáng ngày 23, An Huy phải bắt đầu ứng phó lũ cấp 4.
Theo Nhật báo An Huy, số lượng hồ chứa ở tỉnh An Huy vượt quá giới hạn kiểm soát lũ đã tăng trở lại. Đến 4 giờ chiều ngày 23/6, mực nước của trạm Ma Tử Đàm tại huyện Đông Nguyên của Tí Hà (sông Tí) là 185,82 mét, vượt giới hạn 5,82 mét; còn mực nước trạm Bạch Liên Nhai sông Man Thủy là 202,72 mét và vượt quá giới hạn lũ là 2,72 mét; trạm Phật Tử Lĩnh ở Đông Nguyên có mực nước 120,67 mét và vượt quá giới hạn lũ là 2,11 mét. Các hồ chứa lớn đều phải xả lũ khẩn cấp.
Do ít nhất 300 hồ chứa ở tỉnh An Huy đã vượt quá mức giới hạn kiểm soát lũ lụt, thành phố Lục An đã gặp cảnh nước sông chảy ngược làm nhiều vùng bị chìm trong nước nghiêm trọng với số người trong cảnh thảm họa khoảng 9500 người, đến nay cơ quan chức năng chưa chắc chắn về thương vong.
Thảm họa địa chất do lũ quét tại Trùng Khánh, Quý Châu
Ngoài ra, các khu vực gần Trùng Khánh như Tuân Nghĩa và Đồng Nhân ở tỉnh Quý Châu cũng đã trải qua những trận mưa lớn không ngừng, khiến không chỉ lũ lụt đã gây ra lở sườn núi mà đường phố cũng thành sông. Theo dự đoán của cơ quan chức năng Trung Quốc, bước tiếp theo tại Trùng Khánh và Quý Châu vì mưa lớn là có thể gây ra những thảm họa địa chất bất ngờ.
Theo thống kê, tính đến ngày 22/6 thảm họa lũ lụt đã khiến 210.000 người ở 26 quận (huyện) của thành phố Trùng Khánh chịu thảm họa, trong đó 111.000 người đã phải chuyển nơi ở để tránh nguy hiểm, gần 1.900 người cần hỗ trợ cuộc sống khẩn cấp, hơn 200 ngôi nhà bị sập, diện tích cây nông nghiệp bị ảnh hưởng là 7,3 nghìn ha, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp là 210 triệu nhân dân tệ. Khoảng 74.000 người ở 9 quận (huyện) tại 3 thành phố (khu tự trị) ở tỉnh Quý Châu là Tuân Nghĩa, Đồng Nhân, Kiềm Đông Nam bị ảnh hưởng, hơn 5.500 người đã được tái định cư khẩn cấp, hơn 3.200 người cần hỗ trợ cuộc sống khẩn cấp, hơn 400 ngôi nhà bị thiệt hại ở mức độ khác nhau, diện tích cây nông nghiệp bị thảm họa là 2,1 ngàn ha gây thiệt hại kinh tế trực tiếp 150 triệu nhân dân tệ. Tình hình thảm họa đã là “từ nhạy cảm” trên Internet
Trong khi dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn đang đe dọa thì nhiều nơi tại Trung Quốc Đại Lục không ngừng xảy ra mưa lớn, khiến thế giới bên ngoài đặc biệt chú ý. Nhưng dường như giới chức Trung Quốc không những không tích cực cập nhật thông tin mới mà còn bắt đầu kiểm soát toàn diện dư luận và cấm người dân Đại Lục phát tán các video diễn tả cảnh thảm họa.
Theo RFA (Đài Á châu Tự do), nói chung các thông báo đặc biệt quan trọng được đưa lên trang nhất của các cơ quan truyền thông, nhưng biểu hiện cho thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin tức về tình hình lũ lụt Trùng Khánh gần đây ở một vị trí không rõ ràng, giống như cách xử lý thông tin lũ lụt ở phía nam Trung Quốc cách đây 2 tuần.
Một số cư dân mạng đã gây chú ý trong công bố thông tin chỉ ra cơ quan an ninh ở Trùng Khánh đã đưa ra thông báo khẩn cấp, sẽ ngay lập tức bắt giữ người đăng thông tin “vô trách nhiệm” trên Internet hoặc ở nơi công cộng liên quan đến tình hình lũ lụt.
Nhiều nhà bình luận chỉ ra việc Chính phủ Trung Quốc che giấu thảm họa lũ lụt và thực trạng an toàn của đập Tam Hiệp cũng vì mục đích tương tự như che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Học giả pháp lý Tống Kiến Sinh (Song Jiansheng) ở Trùng Khánh chỉ ra rằng vấn đề nhà cầm quyền phong tỏa thông tin đã là thói quen, thay vì cho rằng những thảm họa lớn như vậy là vấn đề thiên tai nhưng thực chất quan trọng hơn là vấn đề nhân họa, tất cả vì mục đích duy trì sự ổn định của chế độ nên nhà cầm quyền luôn phải che đậy thực trạng năng lực làm việc yếu kém của họ.
Y Bình
Xem thêm:
The post 26 tỉnh thành TQ đang hứng chịu thảm họa mưa lũ “chưa từng thấy” appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-25 00:13:02
Nguồn: https://trithucvn.net/trung-quoc/26-tinh-thanh-tq-dang-hung-chiu-tham-hoa-mua-lu-chua-tung-thay.html