Quan hệ Trung – Ấn bị chi phối bởi vấn đề biên giới vẫn chưa được giải quyết trong hơn 5 thập niên. Xung đột nơi sơn cước năm 1962 nay đã lặp lại với quy mô nhỏ hơn. Ấn Độ rất mềm mỏng với Trung Quốc nhưng sẽ không cho phép Trung Quốc thay đổi bất kỳ phần lãnh thổ nào, theo truyền thông Ấn Độ.
Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức hồi tháng 10/2019 giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại quần thể kiến trúc Mamallapuram ở ngoại thành Chennai, Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định kỷ niệm 70 năm quan hệ song phương vào năm 2020 bằng cách trao đổi sâu sắc ở tất cả các cấp, giữa các cơ quan lập pháp, các đảng chính trị, văn hóa và thanh niên, thậm chí cả quân đội. Hai nhà lãnh đạo cũng quyết định tổ chức 70 hoạt động, bao gồm cuộc hội thảo trên một con tàu để gợi nhớ mối liên hệ lịch sử giữa hai nền văn minh.
Bức tranh ngoại giao màu hồng năm đó nay nhuốm màu u ám, với việc Ấn Độ đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh virus corona khởi phát ở Vũ Hán và bóng đen chiến tranh vũ trang Trung – Ấn đã bao phủ miền đông Ladakh.
Điều ngạc nhiên, Vũ Hán lại là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh không chính thức Trung – Ấn năm 2018. Thời điểm đó truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập nhấn mạnh hai nước sẽ không ngừng củng cố mối quan hệ song phương đi đúng hướng và luôn chảy về phía trước như sông Dương Tử và sông Hằng.
Nhưng năm nay, quân đội Ấn Độ đã phải đối mặt với hai lữ đoàn vũ trang kết hợp của quân đội Trung Quốc tại thung lũng Galwan và các điểm tuần tra ở hồ Pangong Tso – hồ nội lục Himalayas vắt qua Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control – LAC), là ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát. Chỉ trong vòng 7 tháng kể từ hội nghị ở Mamallapuram, trục Trung – Ấn dường như lệch quỹ đạo.
Vào tháng 5, quân đội Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc xung đột LAC tại khu vực Naku La ở phía bắc Sikkim và sau đó tại ba điểm tuần tra ở Galwan và một điểm tuần tra tại Pangong Tso. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó nói rằng tình hình ở Ladakh là “ổn định và được kiểm soát”. Nhưng vào tối khuya 15/6 binh lính hai bên đã giao chiến và Ấn Độ cùng Trung Quốc đều chịu thiệt hại về người, trong khi New Delhi công khai số lượng và tổ chức đám tang cho quân nhân thiệt mạng thì Bắc Kinh vẫn chậm chạp công bố về số lính Trung Quốc tử vong.
Vụ việc chỉ là một phần trong sự phẫn nộ từ phía Ấn Độ đối với Trung Quốc. Trên thực tế, Bắc Kinh đang sử dụng các nước láng giềng của Ấn Độ như Pakistan và gần đây hơn là Nepal để thể hiện sự thống trị của mình ở tiểu lục địa Ấn Độ và xa hơn. Ấn Độ đã buộc phải triển khai quân đội ở biên giới phía bắc và chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.
Vụ đụng độ năm nay có thể đã nhắc Ấn Độ nhớ lại cuộc chiến tranh biên giới cách đây 58 năm do Trung Quốc phát động và giành quyền kiểm soát vùng Aksai Chin khiến Ấn Độ chịu tổn thất nặng nề. Ngày 20/10/1962, 80.000 lính Trung Quốc bất ngờ đồng loạt tấn công chớp nhoáng vào nhiều địa điểm khác nhau ở khu vực Ladakh, Ấn Độ. Lực lượng Ấn Độ ở khu vực này chỉ khoảng 10.000 đến 20.000 quân, tạo ra một cuộc chiến không cân sức.
Nhưng nay, khi phía Ấn Độ nhanh chóng xây dựng các lực lượng ở phía đông Ladakh, quân đội Trung Quốc cũng sẽ phải điều binh từ nội lục để bảo vệ lãnh thổ của mình nếu có dấu hiệu báo động. Theo Hindustan Times ngày 3/6, Trung Quốc có 76 hoặc 77 đơn vị cấp chiến dịch (khoảng 45.000 người) cùng với một nhóm 6 đến 8 sư đoàn từ quân khu Tây Tạng và Tân Cương thuộc phạm vi quản lý của Chiến khu Tây bộ của Quân đội Trung Quốc nhằm đối mặt với Ấn Độ.
Các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc chắc hẳn là những người đã nghiên cứu kỹ càng hơn ai hết về cuộc chiến Kargil “máu và nước mắt” giữa Ấn Độ và Pakistan, họ biết rằng quân đội Ấn Độ có thể và sẽ chiến đấu bất chấp mối nguy hiểm hay sự kháng cự mạnh nào.
Mặc dù Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật đe dọa binh đao ở biên giới, nhưng Bắc Kinh cũng hiểu rằng Ấn Độ có nhà lãnh đạo rất mạnh là Thủ tướng Narendra Modi, người đã không nêu tên Trung Quốc là nước lan truyền virus Covid-19, nhưng im lìm điều tra việc Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, không bình luận về luật pháp hà khắc mà Bắc Kinh kìm kẹp Hồng Kông, và giữ im lặng trong khi những bên khác thúc đẩy vị thế quan sát viên cho Đài Loan tại Tổ chức Y tế Thế giới.
Nhưng ông công khai ủng hộ một cuộc đối thoại trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề biên giới, đồng thời Ấn Độ duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ để có một khoảng cách an toàn với Trung Quốc vì New Delhi không tin vào Bắc Kinh và quyết liệt bảo vệ vùng chiến lược của mình.
Chính phủ Modi cũng sẽ không chịu lùi bước trước áp lực từ phía Trung Quốc lên việc Ấn Độ nâng cấp cơ sở hạ tầng vốn đang được tiến hành trong phần lãnh thổ hợp pháp vùng biên giới.
Một nút thắt khác cho mối quan hệ Trung – Ấn, đó là việc Ấn Độ cấp quy chế tị nạn cho Đạt Lai Lạt Ma. Thời điểm kế vị đang tới gần còn Bắc Kinh dự kiến sẽ đưa ra ứng viên cho vị trí thế tục lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới và có quân đội lớn nhất nhì thế giới sẽ mãi là đối thủ nếu họ không có ý định giải quyết tranh chấp.
Sự chia rẽ Trung Quốc và Ấn Độ có thể mở ra một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai dường như đang phát triển giữa Trung Quốc và Mỹ. Dù đến tận nay, chính phủ Ấn Độ do ông Modi dẫn dắt đã cố gắng tránh xa việc chọn ngả về bên nào khi giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng đối kháng. Nhưng cuộc chia tay Trung – Ấn có thể sẽ thúc đẩy Ấn Độ chọn đứng về một bên.
The post Ấn Độ sẽ không cho phép Trung Quốc thay đổi bất kỳ phần lãnh thổ nào ở biên giới hai nước appeared first on Đại Kỷ Nguyên.