Một trong những mục đích lớn của chúng ta khi đi du lịch nước ngoài là thưởng thức ẩm thực của nước khác. Thế nhưng mỗi quốc gia trên thế giới lại có quy định văn hóa riêng về việc ăn uống.
Dưới đây là một số điều cấm kỵ trong khi ăn bạn nên chú ý trước khi nhập cảnh nước bạn. 1. Trung Quốc
Tại miền Nam Trung Quốc khu vực đại lục và Hồng Kông, khi ăn hết một mặt cá, bạn không được phép lật con cá lại. Bạn phải gỡ bỏ phần xương ở giữa rồi mới ăn tiếp. Ở Việt Nam, người Thuận An (Bình Dương) cũng có thói quen tương tự. Quan điểm tâm linh của những người ở đây, đặc biệt là ở các làng chài, hành động lật cá là một điều không may mắn, đồng nghĩa với việc các ngư dân sẽ bị lật thuyền khi ra khơi hoặc những người làm ăn sẽ bị thất bại.
2. Nhật Bản
Hành động cắm đũa vào bát cơm bị cấm ở Nhật Bản bởi nó giống hình thức bát cơm được đặt trước quan tài ở các đám tang, thế nên nó có thể mang lại xui xẻo và vận đen cho người ăn. Với người Trung Quốc, hình ảnh này giống như một lư nhang làm họ liên tưởng đến cái chết và sẽ gây tổn thọ cho người ăn.
3. Thái Lan
Mặc dù rất gần Việt Nam nhưng người Thái lại không dùng đũa để ăn. Bạn vẫn sẽ tìm thấy đũa ở các nhà hàng bán món sợi nhưng nhà hàng thuần món Thái thì rất khó. Người Thái xa xưa dùng tay để ăn, dần dần họ đã chuyển sang dùng thìa và dĩa. Dĩa được dùng để xiên thức ăn cho vào thìa, rồi dùng thìa cho vào miệng. Bạn không được dùng dĩa để trực tiếp ăn. Chỉ trừ trường hợp với một số món làm từ gạo nếp rất dính ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan thì mới được sử dụng dĩa.
4. Hàn Quốc
Khi đến tuổi trưởng thành ở Hàn (20 tuổi), bạn sẽ được phép uống rượu. Nhưng khi ngồi cùng bàn với người lớn tuổi, bạn phải nhận chén rượu bằng hai tay rồi quay đầu đi chỗ khác để uống. Những người khác cũng hành động tương tự, nhưng người ít tuổi nhất phải giữ kẽ nhất. Người Hàn sẽ uống cạn chén rượu trước khi rót chén mới. Người Hàn Quốc luôn uống rượu soju bằng chén thủy tinh, cho dù uống rượu một mình họ cũng không uống trực tiếp từ chai.
Ở Việt Nam, chúng ta thường rót rượu cho tất cả mọi người rồi rót cho mình cuối cùng. Nhưng ở Hàn, họ chỉ rót lẫn cho nhau chứ không tự rót rượu cho mình. Thông thường, người rót rượu là người trẻ tuổi nhất hoặc có thứ bậc thấp nhất. Họ sẽ rót với tư thế thẳng lưng, một tay đặt lên ngực hoặc đỡ khuỷu tay kia để tỏ lòng kính trọng. 5. Anh
Khi ăn tiệc, bạn không được phép chọn đồ lung tung hay ngẫu nhiên mà bắt buộc phải chọn đồ bên tay trái trước. Người Anh rất chú trọng đến việc sử dụng dao và dĩa trong khi ăn. Dĩa được đặt bên tay trái và được cầm bằng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Dao ăn được đặt bên tay phải và cũng được sử dụng 1 cách tương tự.
Người Mỹ cũng dùng dao dĩa nhưng họ vẫn dùng tay để ăn một số món như pizza, khoai tây chiên. Nhưng ở Anh, điều này rất khó xảy ra, đặc biệt là trong các nhà hàng sang trọng. Trừ món súp, người Anh sẽ sử dụng dao và nĩa trong hầu hết các món ăn. Chile bị ảnh hưởng nhiều nét văn hóa của Tây Âu, họ cũng bắt buộc dùng dao dĩa để ăn uống, kể cả món ăn vặt như khoai tây chiên, và không được ăn bất cứ thứ gì bằng tay. 6. Pháp
Ở Pháp, người ta không ăn bánh mì như một món khai vị mà ăn kèm với pho mát vào giữa hoặc cuối bữa ăn. Người Pháp chỉ bắt đầu bữa ăn sau khi bàn ăn đã sẵn sàng cho tất cả mọi người. Khăn ăn cũng là một phần không thể thiếu trong bữa ăn của họ. Khăn ăn được đặt với góc xếp hướng về phía người ngồi, sau đó mới được mở dần ra. Họ chỉ dùng khăn để thấm miệng trong bữa ăn. Nếu có việc phải rời đi giữa bữa ăn, người Pháp sẽ đặt khăn ăn xuống ghế ngồi. Đến khi bữa ăn kết thúc khăn sẽ được đặt bên phải đĩa. Điều cấm kị khi dùng khăn ăn là để mở khăn ăn hoặc dùng chúng để lau mặt.
7. Nga
Người Nga luôn dùng cốc riêng để uống nước. Đơn giản là vì họ muốn đảm bảo vệ sinh chứ không phải do truyền thống cấm kỵ nghiêm khắc. Nếu một người nào đó cho bạn uống chung đồ uống thì điều đó có nghĩa là họ tin tưởng và rất yêu quý bạn. Ngoài ra, khi được mời làm khách, ăn hết đồ ăn trên bàn sẽ khiến chủ nhà nghĩ là bạn vẫn cảm thấy đói và muốn ăn tiếp. Để hòa nhập với phong cách ăn uống của người Nga, bạn nên bỏ thừa lại một chút đồ ăn, biểu thị cho việc bạn đã rất no và không thể nào ăn thêm được nữa.
8. Ý
Ý là một trong những đất nước góp phần đưa tên tuổi cà phê đến gần với người tiêu dùng khắp thế giới. Các sản phẩm khác làm từ hạt cà phê như kẹo cà phê, bánh cà phê… đã góp phần nâng tầm thương hiệu cà phê nước Ý như hiện nay. Thế nhưng người Ý không uống cà phê cả ngày như nhiều người lầm tưởng. Người Ý xem cà phê như một thức uống không thể thiếu hàng ngày, nhưng điều đặc biệt ở đây là họ chỉ uống cà phê khi vừa ăn bữa sáng và không uống cà phê khi ăn trưa, ăn tối. Đặc biệt là sau 3 giờ chiều, họ sẽ không uống cappuccino. Nguyên do là bởi vì một số người Ý cho rằng uống cappuccino vào cuối ngày sẽ khiến cho bạn bị rối loạn tiêu hóa.
9. Philippines
Cơm là một phần không thể thiếu trong bữa cơm của người Philippines. Cơm trong bữa ăn của người Philippines không xới tơi từng hạt như Việt Nam mà họ khoét từng muỗng. Nhưng nếu ăn phần cơm cứng dưới đáy nồi, bạn sẽ bị cho là người xếp cuối cùng trong mọi thứ, có thể là trong lớp học, tại nơi làm việc hoặc trong cuộc sống. Nói cách khác, bạn đang ở trong một trường hợp thực sự tồi tệ về việc mất tất cả mọi thứ.
10. Mexico
Tacos là một loại bánh truyền thống của người Mexico. Đây cũng là một trong những món ăn đường phố được nhiều thực khách yêu thích. Với sự đa dạng trong cách chế biến, các loại nhân phong phú và biến tấu theo từng thời kỳ của lịch sử, món bánh Tacos của Mexico hoàn toàn có thể đại diện cho nền ẩm thực của nước này. Khác biệt hoàn toàn với Chile, Anh Quốc, bạn nên ăn bánh tacos ở Mexico bằng tay. Người dân Mexico sẽ đánh giá bạn thật ngớ ngẩn và hợm hĩnh nếu bạn ăn loại bánh này bằng dao và dĩa.
11. Trung Đông, Ấn Độ và một số nước châu Phi
Ở các nước này, bạn sẽ không được dùng tay trái để ăn, thậm chí chạm tay trái vào bàn ăn cũng không được. Người Ấn Độ quan niệm tay trái là tượng trưng cho cái ác, tay trái còn bị liên tưởng đến những điều nhơ bẩn như vệ sinh sau khi đi tiểu tiện, nên nhất định không được sử dụng tay trái trong bữa ăn. Động tác đưa thức ăn vào miệng tất cả đều được thực hiện bằng tay phải. Ngay cả khi cơm và thức ăn trộn lẫn nhau như món Chapati hay các loại bánh mì, người ta cũng vẫn sử dụng tay phải. Người thuận tay trái khi ăn nhất định cũng phải ăn bằng tay phải.
Minh Minh
Xem thêm:
The post 11 điều cấm kỵ lạ lùng khi ăn uống ở các nước trên thế giới appeared first on Trí Thức VN.
2020-06-26 16:52:02
Nguồn: https://trithucvn.net/doi-song/11-dieu-cam-ky-la-lung-khi-an-uong-o-cac-nuoc-tren-the-gioi.html