Vận mệnh và họa phúc của con người đều có nhân có quả, đều là kết quả quyết định bởi hành vi của mình, chỉ có tích đức hành thiện mới có được cơ hội tốt.
Dưới đây là câu chuyện “Khang Hữu Nhân khinh tài trọng nghĩa, khoa cử thành danh” được ghi chép trong thư tịch cổ.
Thời nhà Minh, ở Giang Nam có hai tú tài, một người là Khang Hữu Nhân, một người là Đinh Quốc Đống. Từ nhỏ 2 người đã là bạn cùng đọc sách.
Khang Hữu Nhân là người trung hậu, khiêm nhường, nói chuyện không lanh lợi lắm, văn tài cũng chỉ bình thường. Đinh Quốc Đống nói năng lanh lợi, lại giỏi viết văn, nên có phần đắc ý tự phụ. Nhà Đinh Quốc Đống hơi sa sút, nhưng vẫn có thể ăn no mặc ấm. Khang Hữu Nhân thì nghèo kiết xác, anh phải đi dạy học kiếm tiền nuôi thân. Hai người đã dự thi mấy lần nhưng đều không đỗ.
Khang Hữu Nhân chỉ nói mình văn không đạt, công phu chưa đến nơi đến chốn. Đinh Quốc Đống mỗi lần thi trượt thì mắng chủ khảo có mắt như mù, không biết người có tài học, cứ kêu oan uổng mãi.
Năm đó đến kỳ thi mùa thu, hai người thuê một chiếc thuyền nhỏ, hẹn nhau đồng hành. Thuyền đến Trấn Giang thì gặp gió ngược không thể tiến lên, đành dừng ở bên sông chờ đợi. Hai người bèn cùng nhau lên bờ tản bộ, thấy có ngôi chùa cổ, cả hai liền bước vào.
Khang Hữu Nhân bước tới gần bệ Phật, bỗng phát hiện chiếc bọc vải màu xanh, nhặt lên thấy khá nặng. Đinh Quốc Đống sau đó mở ra xem thì thấy bên trong có 10 gói bạc, tính ra đến cả trăm lạng.
Đinh Quốc Đống vỗ vai bạn nói: “Cung hỷ phát tài rồi. Kiến giả nhất phận (mỗi người một phần), mau trở về thuyền đi.”
“Chỗ bạc này nhất định là do khách qua đường để quên, khẳng định là sẽ trở lại tìm, đợi ở đây trả lại họ mới đúng”, Khang Hữu Nhân nói.
Nghe vậy Đinh Quốc Đống chê bạn là kẻ mọt sách, đã nhặt được thì là của mình, bất kể người ta có quay lại không.
Khang Hữu Nhân phân trần: “Không thể nói như thế được. Người mất của nếu dư dả thì còn tốt, nếu là người nghèo, hoặc gặp nạn gắp, dùng muôn phương ngàn kế mới có được mà ngẫu nhiên đánh mất, không còn đường nào nữa, thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Người xưa nói: Thấy của không tùy tiện lấy. Chính là thấy của cải bất ngờ thì cần phải giữ vững phép tắc. Đợi chờ ở đây, gặp người mất của trả lại họ, đó mới là việc chúng ta nên làm.”
Dù Đinh Quốc Đống đưa ra đủ loại lý do bao biện như chờ ở đây làm lỡ đại sự thi cử, nhỡ người mất không quay lại… nhưng Khang Hữu Nhân vẫn kiên quyết ở lại chờ đợi. Cuối cùng họ Đinh giả bộ cầm giúp số bạc lên Nam Kinh, để họ Khang ở đây chờ người. Hẹn sau khi tìm được người mất bạc sẽ trả lại. Họ Khang là người trung hậu, không chút nghi ngờ bạn, bèn nói: “Thế thì tốt nhất rồi.”
Hôm sau, họ Khang đứng đợi ở cửa chùa không rời một bước. Mãi tới chiều, mới thấy một người mướt mát mồ hôi, chạy đến điện Phật, nhìn quanh nhớn nhác, liên miệng nói: “Sao thế nhỉ? Sao thế nhỉ?”. Tin chắc đây là người mất bạc, họ Khang tiến đến hỏi sự tình.
Thấy Khang Hữu Nhân là người nho nhã, người đó bèn nói: “Không giấu gì anh, tôi họ Triệu, là người Trấn Giang”. Phụ thân họ Triệu gặp nạn, cần gấp tiền bạc, anh ta đành đem cầm cố ngôi nhà cũ, nhưng không may ngồi ở đây rồi quên đem theo bạc, giờ quay lại không tìm thấy nữa.
Họ Khang hỏi rõ xem gói bạc như thế nào, sau khi xác định họ Triệu chính là chủ nhân gói bạc, anh nói: “Đã là như thế thì đừng lo, tôi nhặt được ở đây, trả lại cho anh là được rồi”.
Người kia nói: “Quả là anh nhặt được, muốn trả lại tôi à?” Khang Hữu Nhân nói: “Nếu tôi không muốn trả lại anh thì đã đi từ lâu rồi, sao phải đứng chờ ở đây làm gì?”. Người kia vừa bất ngờ vừa mừng rỡ, vội vàng quỳ xuống khấu đầu tạ ơn.
Sau đó Khang Hữu Nhân kể chuyện mình vì sợ bất trắc nên đã nhờ Đinh Quốc Đống mang bạc lên Nam Kinh, giờ cần tới đó nhận lại số bạc. Thật trùng hợp, họ Triệu cũng cần đến Nam Kinh, vậy là cả hai cùng lên đường.
Hai ngày sau, hai người đến cống viện (trường thi), hỏi thăm nơi Đinh Quốc Đống trú ngụ. Không ngờ họ Đinh trở mặt nói “Buồn cười quá, chỗ bạc đó tôi còn chưa trông thấy, sao lại đến đòi tôi? Anh nhờ tôi đem đi chẳng qua chỉ là một cái rương, nó ở đây, trả lại anh, các việc khác chớ hỏi tôi.”
Họ Triệu thấy cảnh này sợ hãi ngây người, quay sang nhìn họ Khang mà rằng: “Anh phải cứu tôi”. Khang Hữu Nhân thấy anh ta lo lắng bèn nói: “Có, đừng sợ, Nếu anh ta không muốn trả thì tôi cũng phải đền trả anh.”
Vậy là họ Khang tìm mọi cách xoay xở để kiếm tiền trả lại cho họ Triệu. Anh lấy bạc lộ phí của mình đưa cho họ Triệu. Một số bạn của họ Khang biết chuyện cũng thông cảm mà ủng hộ 1-2 lạng, mắng họ Đinh vô lương tâm, cũng có người nói “Khang Hữu Nhân ngốc quá, ngày nay làm người tốt trên đời đều bị thiệt.” . Khang Hữu Nhân lại đem hành lý của mình đi cầm đồ, gom được hơn 50 lạng bạc. Đinh Quốc Đống trái lại đi khắp nơi, rêu rao với mọi người: “Các anh chớ để ý đến anh ta, chớ tin lời anh ta nói.”
Vì lo kiếm đủ tiền trả cho họ Triệu mà Khang Hữu Nhân chẳng có tâm trí để dự thi, còn định về bán nhà trả cho người mất bạc. Khi đó có một khách trọ tên Uông Hiếu Nghĩ biết chuyện này, thấy vô cùng cảm thán. Liền rút hầu bao ra 20 lạng bạc trả cho họ Triệu. Họ Triệu vốn áy náy vì thấy Khang Hữu Nhân chạy vạy lo cho mình, nên nhận số 70 lạng bạc, cảm tạ mãi rồi rời đi.
Khang Hữu Nhân lúc này vội vàng thu xếp đồ thi cử, cùng mọi người nhập trường, nhưng tâm tình chỉ mải nghĩ làm thế nào có