Vào năm 2011, tôi đang sống tại Madras (thành phố Chennai, bang Tamil Nadu, Ấn Độ) cùng gia đình. Thất nghiệp, tôi giết thời gian bằng cách ngửa mặt lên trời đếm số lượng máy bay trên bầu trời xanh ngắt. Tôi hay lang thang ở gần sân bay để mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi có thể chạy lên một mái nhà để ngắm nhìn nó ở cự ly gần. Tôi luôn luôn say mê vẻ đẹp kỳ diệu của những chiếc máy bay và mơ được làm công việc thiết kế máy bay. Tôi đã tốt nghiệp kỹ sư hàng không được vài năm.
Tôi luôn băn khoăn tự hỏi không hiểu người ta có cảm giác như thế nào khi bay tới một đất nước khác, cách xa Ấn Độ hàng nghìn dặm. Tôi ghen tỵ với những phi công. Sẽ tuyệt vời như thế nào khi được nói “tôi làm việc ở nước ngoài” hay “tối nay tôi sẽ có chuyến bay tới New York”.
Vì mãi không kiếm được việc làm chính thức, tôi đã giúp 2 người bạn ở khu tôi sống làm các bài tập tiếng Anh. Họ rất thích điều đó và nhờ tôi dạy họ làm sao để nói tiếng Anh trôi chảy. Tôi chưa bao giờ dạy ai cả, nhưng vì có thừa thời gian và nhẵn túi, tôi đồng ý. Họ đã trả học phí.
Gia đình tôi không hài lòng. “Con có bằng kỹ sư, tại sao lại đi dạy tiếng Anh. Thật đáng xấu hổ, ta sẽ phải ăn nói với họ hàng thế nào bây giờ?”, cha tôi thường cằn nhằn.
Tôi bỏ ngoài tai những trách móc của người thân và tiếp tục gia sư cho 2 người bạn. Họ trả tôi 1.000 INR (gần 15 USD) cho 3 tháng dạy học. Đây là khoản tiền đầu tiên tôi kiếm được.
Tôi mời các anh em tôi đi ăn mừng và nói với họ tôi hạnh phúc như thế nào.
Tôi ghi đăng ký dạy học trên một trang web và họ mời tôi dạy một số lớp. Tôi tiến từng bước nhỏ nhưng vững chắc. Bắt đầu từ những nhóm nhỏ, sau đó từ 5 biến thành 10 người.
Trong vòng 6 tháng, công việc của tôi không còn có thể gọi là gia sư tiếng Anh được nữa. Tôi phải dùng phòng lớn nhất của gia đình để chứa đủ 25 học sinh.
Khi công việc của tôi khởi sắc, số lượng học viên tăng lên. Tôi tăng học phí một chút và bắt đầu kiếm được khá nhiều tiền.
Có tiền khiến tôi tự tin hơn, tôi bắt đầu mua những món đồ tốt hơn cho bản thân: quần áo đẹp hơn, thay đổi phong cách và sắm một chiếc laptop.
Nhưng cũng có những thứ không bao giờ thay đổi.
Tôi vẫn thích chạy đầu trần dưới trời mưa, tôi vẫn đếm những chiếc mô-tô phân khối lớn, tôi vẫn chạy lên mái nhà để nhìn ngắm máy bay, tôi vẫn mở tiệc tùng cho anh em bạn bè, và tôi vẫn quặn đau mỗi khi có ai nhắc đó nhắc đến những chuyến bay.
Theo thời gian, tôi mở rộng công việc kinh doanh của mình. Tôi đào tạo cho các học viên chuẩn bị thi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, GRE, GMAT, SAT và PTE.
Gia đình tôi bắt đầu phát hoảng!
“Con làm việc này một cách tạm thời thì không sao. Con không thể sống cả đời như thế này được. Có những người có nhiều bằng cấp và tiêu chuẩn mà con không bao giờ cạnh tranh được”.
Tôi tiếp tục bỏ ngỏ lời khuyên của họ, tôi nhìn thấy tình yêu thương trong đó, nhưng không để một chữ lọt vào tai. Tôi làm những việc mà tôi cho là đúng.
Bước đi quan trọng nhất của tôi có lẽ là tôi đóng cửa lớp học tự do của mình để xin việc vào một tổ chức giáo dục.
Mặc dù thu nhập thấp đi rất nhiều, việc lần đầu tiên làm việc trong một tổ chức giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi ép mình bỏ qua sự hấp dẫn của những món tiền lớn dễ dàng mà tập trung vào phát triển khả năng dạy học, tôi tiến bộ mỗi ngày.
Để phát triển hơn nữa, tôi nộp đơn xin học chương trình CELTA
(CELTA là một chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh cao cấp do Đại học Cambridge soạn thảo. Bằng cấp này đặc biệt nổi tiếng vì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nó. Nói đơn giản là những người có bằng CELTA có cơ hội dạy tiếng Anh ở nước ngoài.)
Tôi nộp đơn lên Hội Đồng Anh tại Madras. Đại học Cambridge cực kỳ khó tính trong việc chọn học viên cho chương trình này để đảm bảo chất lượng của họ. Nói cách khác, không phải có tiền là có thể được theo học CELTA.
Để được cân nhắc tham gia khóa học, tôi phải viết một số bài luận.
“Bạn không đủ tiêu chuẩn yêu cầu cho khóa học Ben ạ!”.
Tôi bị từ chối.
Kết quả này đã công kích rất mạnh vào sự tự tin của tôi. Họ nói rằng tiếng Anh của tôi không đủ tốt. Cho tới khi đó, tiếng Anh là thứ duy nhất mà tôi tin tưởng mình có thể làm tốt.
Vậy thì tôi đã dạy cái gì từ trước đến nay? Có lẽ cha mẹ tôi đã đúng. Tôi không đủ giỏi để theo nghề này.
Tôi nghi ngờ bản thân, tôi hoang mang cực độ.
Tôi đã mất 5 tháng để phục hồi thất bại này, đó là 5 tháng vô vọng và đau đớn.
Sau đó tôi bắt đầu nỗ lực trở lại. Tôi tạm dừng kế hoạch theo học CELTA để bắt đầu tự học lại tiếng Anh từ đầu, toàn thời gian và chăm chỉ hơn bao giờ hết.
Vài năm trôi qua, vừa dạy vừa học, tôi mua được một chiếc mô-tô Royal Enfield đầu tiên.
Tới một hôm, tôi đặt chân tới sân bay cũ, lần này không phải để ngắm máy bay. Tôi đến để lên máy bay, tôi vừa nhận được một công việc ở Dubai.
Sau 6 tháng làm việc ở Dubai, tôi nộp đơn theo học chương trình CELTA ở đây. Quy trình sàng lọc không khác gì hồi ở Ấn Độ.
Nhưng lần này, tôi đã khác. Hóa ra lần bị từ chối đó đã giúp tôi nhiều hơn.
Tôi đậu khóa học. Sau 2 tháng đào tạo, tôi được cấp bằng CELTA.
Tua nhanh đến hiện tại, tôi đi khắp nơi dạy tiếng Anh cho nhiều người khắp thế giới. Tôi cũng đào tạo các học viên để họ sẵn sàng tham dự các kỳ thi chuẩn tiếng Anh quốc tế như SAT, GRE và GMAT.
Tôi cũng tham gia các diễn đàn trên mạng. Câu chuyện của tôi nhận được nhiều tin nhắn khích lệ từ mọi người, nhưng cũng có những người hoài nghi như:
“Cách viết của bạn không tự nhiên, bạn viết không giống người bản xứ nói tiếng Anh”.
“Bạn thật nông cạn. Người Ấn không bao giờ có thể viết tốt như người bản ngữ. Đừng cố gắng nữa uổng công!”.
“Làm sao mà bạn dám nói mình là giáo viên tiếng Anh trong khi mắc rất nhiều lỗi?”
May mắn là lần thất bại trước đó đã khiến tôi vững vàng hơn. Tôi bỏ ngoài tai những lời phê phán tiêu cực. Tôi quá bận với việc tự phát triển bản thân. Tôi vẫn liên tục tự học và vẽ ra các kế hoạch mới cho tương lai.
Tôi vẫn mơ mộng với những chiếc máy bay. Tôi vẫn thích nhìn mưa, vẫn đếm những chiếc Royal Enfield ở Dubai và vẫn vung tiền mời bạn bè đi ăn tiệc.
Khi tôi biết ít, tôi dạy những người không biết gì; khi tôi biết nhiều, tôi dạy lại những người biết ít hơn.
Tôi khám phá ra rằng luôn luôn có chỗ để cho đi và có người trân trọng những gì bạn có thể cho họ. Tôi cũng quý giá những gì tôi đang có.
Sự biết ơn cho đi, sự biết ơn nhận lại.
Không ai là kẻ thất bại, vì thế đừng tự nhấn chìm bản thân với những thụt lùi tạm thời, hãy yêu quý những gì bạn đang có. Hãy kiên trì, hãy tự mỉm cười, hãy biết ơn và tận hưởng cuộc sống cả những khi khó khăn nhất, vì vũ trụ có một thói quen kỳ quặc khi Nó quay trở lại trao tặng cho bạn.
Tâm sự của Benhur Margoschis
Minh Trí biên dịch
Xem thêm:
The post Phải làm sao khi bạn luôn cảm thấy mình là một kẻ thất bại? appeared first on Trí Thức VN.
2020-05-18 19:39:02
Nguồn: https://trithucvn.net/doi-song/phai-lam-sao-khi-toi-luon-cam-thay-minh-la-mot-ke-bai.html